Quốc tế

Reaper MQ-9: Drone "lợi hại" của quân đội Mỹ

Các báo Mỹ và Anh đều tin rằng một chiếc drone Reaper MQ-9 đã bắn xe chở tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad hôm 3/1/2020, đẩy cuộc chiến ở Trung Đông lên tầm cao mới. Chiến tranh drone nay cho phép Không lực Mỹ tấn công "chính xác" vào các mục tiêu có chọn lọc, gần như mọi nơi, mọi lúc, kể cả vào ban đêm.

Hải quân Nga tập trung lực lượng lớn ngoài khơi Syria / Quân đội Syria chặn lính Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Nga

Có thể nói, bên cạnh chiến đấu cơ F16, phi cơ tiếp liệu trên không KC-135 (stratotanker - tàu chở dầu trên thượng tầng khí quyển), thì drone Reaper giúp Mỹ gần như hoàn toàn kiểm soát bầu trời. Các nước như Anh, Pháp cũng đều đã dùng loại drone này, mua từ một công ty Mỹ.

Reaper, theo trang web U.S. Air Force, là loại thiết bị bay không người lái, "có vũ trang, đa tính năng, bay ở độ cao trung bình, giờ bay dài, tầm bay rộng, tới 1.850km". Trên thực tế, đây là một phi cơ nhỏ, có sải cánh 20 mét, không có phi công và buồng lái mà do người điều khiển từ xa, hệt như việc "lái máy bay" trong trò chơi video.

Máy bay Reaper MQ-9.
Máy bay Reaper MQ-9.

Chiếc drone "Reaper" trông khá mỏng manh, nhưng có hình dạng đặc biệt, đầu tròn, cánh đuôi nghiêng, và phần cánh quạt lại nằm trên thân phía sau và đây là loại phi cơ gây tai tiếng nhất trong toàn bộ phi đoàn của Mỹ.
Được đưa vào cuộc chiến Afghanistan từ 2007, Reaper MQ-9 hiện đại hơn drone thế hệ trước, Predator MQ-1, không chỉ về khả năng chụp không ảnh và trinh sát, mà còn có thể bắn hạ mục tiêu từ xa.

Chiếc MQ-9 này là hiện thân của cuộc chiến bất cân xứng của Mỹ. Những người chỉ trích nói dạng "thiết bị bay không người lái" này, như cách gọi của Không lực Mỹ, làm thay đổi cán cân cuộc chiến, vì để phi công điều khiển từ xa, và biến cuộc xung đột chết người thành trò chơi video".

Ban đầu, Không lực Mỹ nói drone chỉ dùng để do thám, trinh sát, hỗ trợ cấp cứu. Nhưng kể từ khi Reaper xuất hiện năm 2007 thì Mỹ có thể dùng nó để "thực hiện các phi vụ tác chiến bất quy ước" (irregular warfare).

Theo các trang về quốc phòng ở Mỹ và Anh, thì bắn tên lửa và ném bom nhỏ cũng đã là chức năng của drone thế hệ trước. Nhiều Predator bay trên bầu trời Afghanistan đã không kích lực lượng Al-Qaeda. So với Predator, drone Reaper mang được nhiều hơn tên lửa điều khiển bằng laser Hellfire.

 

Nhờ vậy, loại drone này ngày càng được dùng nhiều vào các phi vụ không kích hơn Predator vốn thường chụp không ảnh là chính. Một phi đội Reaper của Mỹ thường gồm 4 chiếc, do hai người điều khiển - một "phi công" ngồi tại căn cứ và một người phụ trách sensor. Chi phí cho một phi đội 4 chiếc là 64,2 triệu USD.

Tính đến tháng 9/2015, Không lực Mỹ có 93 chiếc Reaper MQ-9 nhưng tới nay có thể nhiều hơn. Hoạt động của các đội điều khiển drone là bí mật nhưng hồi tháng 12/2019, Reaper MQ-9 lần đầu được đem ra trình diễn trước công chúng tại căn cứ Nellis bang Nevada, theo trang The Aviationist.

Tại Anh thì bức màn bí mật về chiến tranh drone đã được mở ra và công chúng biết rằng có một đội phi công điều khiển drone ở căn cứ không quân Anh RAF Waddington, gần Lincoln.

Tháng 10/2019, đơn vị này được chính phủ Anh đề nghị lên Quốc hội để tặng huân chương cho thành tích chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Lần đầu tiên, binh sĩ Anh không cần trực tiếp ra trận vẫn nhận được huân chương. Dù một đài truyền hình Iran cho rằng tên lửa từ trực thăng Mỹ ở Iraq bắn vào xe chở tướng Soleimani, các báo Mỹ và Anh tin rằng ông bị giết bởi tên lửa từ Reaper MQ-9.

Cả Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không phủ nhận tin này. Tuy thế, một số báo Mỹ cho rằng vụ giết tướng Soleimani của Iran khiến cho dư luận chú ý hơn đến chiến tranh drone.

 

Trung tâm An ninh Mỹ Mới (Center for a New American Security - CNAS) cho rằng chiến tranh drone thực ra đã diễn ra, và 90 quốc gia - gồm cả Trung Quốc, Iran - đều đã dùng drone vào mục tiêu quân sự. CNAS là một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C. được thành lập năm 2007 bởi 2 người đồng sáng lập Michèle Flournoy và Kurt M. Campbell. CNAS chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.

Thậm chí Hezbollah, tổ chức Hồi giáo vũ trang thân Iran ở Lebanon cũng có drone riêng để chống lại Israel. Tuy thế, vấn đề là nước nào hoặc tổ chức nào có phi đoàn drone hùng mạnh hơn với các tính năng cao cấp hơn.

Giá trị của cổ phiếu các công ty làm drone chiến tranh thời gian tới sẽ chỉ có tăng lên. Thế nhưng, được biết cho đến nay, General Atomics - công ty sản xuất Reaper cho Mỹ - vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Dù vậy, họ vẫn có thu nhập rất cao từ việc chế tạo và xuất khẩu drone cao cấp.

Một số báo châu Âu cho hay công ty tư nhân này cần được chính phủ Mỹ phê chuẩn để bán drone cho Hà Lan và Pháp. Chỉ một hợp đồng bán 15 chiếc drone cho Không quân Pháp cách đây vài năm đã đem về cho General Atomics 1,5 tỷ USD.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm