Khám phá sức mạnh tiêm kích siêu âm có thể được Nhật Bản "cho không" đồng minh
Giữa căng thẳng với Washington, Iran mang... tiêm kích Mỹ ra 'khoe' / Xe chiến đấu bộ binh VN17 Trung Quốc sẽ khiến BMP-3 Nga lâm vào tình trạng ế ẩm?
Mitsubishi F-1 là loại tiêm kích phản lực siêu âm một chỗ ngồi được thiết kế và sản xuất bởi liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Fuji cho Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản (JASDF).
F-1 chính là chiếc máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên được Nhật Bản chế tạo kể từ sau Thế chiến thứ II, đã có tổng cộng 77 chiếc F-1 xuất xưởng trong khoảng thời gian 1977 - 1987.
Hình dáng bên ngoài của F-1 rất giống với chiếc cường kích hải quân Sepecat Jaguar do Pháp/Anh chế tạo. Nguyên nhân chính là do F-1 được sửa đổi từ máy bay huấn luyện phản lực Mitsubishi T-2 mà T-2 lại được xây dựng dựa trên chính chiếc Jaguard.
Những khác biệt chủ yếu của F-1 so với T-2 gồm thay thế buồng lái phía sau bằng khoang chứa thiết bị điện tử, nắp buồng lái 1 mảnh mới có độ dày lớn nhằm đề phòng chim chóc lao vào; bổ sung hệ thống điều khiển hỏa lực, dẫn đường quán tính, cảnh báo radar...
Tiêm kích siêu âm Mitsubishi F-1 của Không quân Nhật Bản. Ảnh: Airlines.net.
Quá trình phát triển của Mitsubishi F-1 bắt đầu vào năm 1972 khi JASDF công bố kế hoạch chế tạo mô hình máy bay chiến đấu tấn công F-1 dựa trên nguyên mẫu máy bay huấn luyện T-2, nhằm mục đích thay thế phi đội F-86 Sabres đã quá lạc hậu.
Hợp đồng chính thức được ký kết vào năm 1973, 2 chiếc T-2 đã được mua bởi JASDF để biến thành nguyên mẫu F-1. Chuyến bay đầu tiên của F-1 diễn ra trong tháng 6/1975 và chính thức được chấp nhận đưa vào biên chế năm 1978.
JASDF ban đầu dự định sẽ mua tới 160 chiếc F-1, tuy nhiên do những khó khăn của việc cắt giảm ngân sách mà chỉ có 77 chiếc xuất xưởng, đợt giao hàng cuối cùng diễn ra trong tháng 3/1987.
Đầu thập niên 1990, JASDF công bố chương trình kéo dài thời hạn phục vụ cho F-1 (SLEP) nhằm tăng tuổi thọ khung thân từ 3.500 lên đến 4.000 giờ.
Là một phần của SLEP, 70 chiếc F-1 đã được nâng cấp bằng cách lắp đặt hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, thay thế nắp buồng lái vững chắc hơn và bổ sung khả năng ném bom dẫn đường XGCS.
Mitsubishi F-1 được lắp đặt những thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, cho khả năng mang vũ khí khá đa dạng. Ảnh: Wikipedia.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tiêm kích Mitsubishi F-1: Chiều dài 17,86 m; sải cánh 7,88 m; chiều cao 4,88 m; trọng lượng rỗng 6.358 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 13.674 kg.
F-1 được trang bị 2 động cơ phản lực Ishikawa-Harima TF40-801A có lực đẩy khô 22,8 kN và lên tới 35,6 kN khi đốt nhiên liệu lần 2, cho tốc độ tối đa 1.700 km/h, bán kính chiến đấu 556 km, tầm hoạt động 2.870 km (mang tối đa nhiên liệu), trần bay 15.240 m, vận tốc leo cao 118 m/s.
Radar xung doppler đa năng J/AWG-12 của F-1 tương tự loại AN/AWG-12 trên tiêm kích F-4M của Không quân Anh. Loại radar này phát triển từ AN/AWG-10 có tầm hoạt động hiệu quả 55 - 60 km, thực hiện tốt các nhiệm vụ đối đất, đối hải, bao gồm cả vai trò chống hạm.
Ngoài ra trên chiếc F-1 còn có hệ thống điều khiển hỏa lực J/ASQ-1, máy tính số trung tâm, kênh dữ liệu số và máy tính dữ liệu trên không J/A24G-3, hệ thống dẫn đường quán tính J/ASN-1, thiết bị nhận tín hiệu cảnh báo radar J/APR-3, thiết bị trinh sát hồng ngoại...
Vũ khí trang bị của F-1 gồm 1 pháo 6 nòng JM61A1 Vulcan với cơ số 750 viên đạn. Tải trọng vũ khí trên 7 giá treo ngoài lên tới 2,8 tấn gồm tên lửa đối không AAM-1, AIM-9 Sidewinder; tên lửa đối hạm Type-80; bom Mk-82, GCS-1; rocket JLAU-3A 70 mm và RL-4 125 mm...
Toàn bộ 77 chiếc F-1 của Không quân Nhật Bản đã được cho nghỉ hưu vào năm 2006, hiện nay thay thế vai trò của chúng là 94 chiếcMitsubishi F-2(phiên bản F-16 được chế tạo tại Nhật Bản) mạnh hơn rất nhiều.
Hiện nay một số khung thân của tiêm kích F-1 vẫn được Nhật Bản lưu trữ bảo quản, chúng có thể được chuyển giao cho một số quốc gia đồng minh nếu họ có nhu cầu và được quốc hội nước này cho phép.
End of content
Không có tin nào tiếp theo