Quốc tế

Không chịu nổi chi phí, Mỹ tính loại biên tàu sân bay

Gánh nặng chi phí khiến Hải quân Mỹ phải lên kế hoạch loại biên tàu sân bay hạt nhân USS Harry S. Truman (CVN-75).

Nga phát triển tàu sân bay mới có thể mang theo chiến cơ Su-57 và Okhotnik / CLIP: Hình ảnh hiếm bên trong tàu sân bay như thành phố nổi của Hải quân Mỹ

Theo USNI News, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang đánh giá những phương án cắt giảm chi tiêu trong dự thảo ngân sách quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, một trong số đó là loại biên tàu sân bay USS Harry S. Truman nhằm cắt giảm quy mô lực lượng hàng không mẫu hạm.

Khong chiu noi chi phi, My tinh loai bien tau san bay
Tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Hiện chưa rõ Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu bỏ tàu USS Harry S. Truman. Quá trình đại tu và tái nạp nhiên liệu giữa vòng đời có thể tốn khoảng 5,5 tỷ USD, trong khi chi phí loại biên một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz được ước tính bằng 1/2 con số đó.

John Kirby, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này không bình luận về đề xuất ngân sách trước khi nó được công bố. Truyền thông Mỹ cho biết Lầu Năm Góc có thể đề xuất ngân sách 704-708 tỷ USD cho năm tài khóa 2022, so với mức 722 tỷ USD được chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đưa ra.

Hồi năm 2019, Hải quân Mỹ từng hai lần đề xuất loại biên USS Harry S. Truman thay vì đại tu và tái nạp nhiên liệu dự kiến diễn ra trong năm 2024.

Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên khi đó cho biết quyết định sẽ giúp Washington giải phóng một phần ngân sách để tập trung phát triển vũ khí mới, có khả năng sống sót cao hơn nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã bác bỏ đề xuất. Hải quân Mỹ sau đó nộp kế hoạch tiếp liệu cho USS Harry S. Truman đúng thời hạn, khôi phục ngân sách hoạt động của tàu sân bay cùng không đoàn trên hạm.

 

Trước đây, Hải quân Mỹ thích sở hữu những tàu sân bay cỡ lớn. Tàu sân bay càng lớn thì số lượng máy bay chúng mang theo càng nhiều và cùng lúc nó có thể phóng và thu hồi nhiều máy bay hơn.

Nhưng điều quan trọng nhất đối với việc sở hữu tàu sân bay là phải đủ khả năng chi trả cho chúng. Xét về mặt này, Hải quân Mỹ có thể "đầu hàng" trước chi phí cực lớn dành cho tàu sân bay.

Một lựa chọn khác cho Hải quân là bắt tay vào chế tạo các tàu sân bay nhỏ hơn dựa trên tàu tấn công đổ bộ lớp America.

Tàu lớp America có thể chứa được 20 tiêm kích F-35B, phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng của F-35, nhưng thiếu hệ thống máy phóng điện từ và hệ thống điều hành bay để vận hành các loại máy bay khác, trong đó có tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay trinh sát và cảnh báo sớm E-2D Hawkeye và Máy bay tiếp dầu không người lái MQ-25A Stingray.

Điều đáng lưu ý là tàu tấn công đổ bộ USS America ban đầu có giá thành 3,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với tàu sân bay cỡ lớn. Ngay cả khi tàu tấn công đổ bộ USS America được cải biến để trở thành tàu sân bay với chi phí cao hơn 50% thì con số này vẫn thấp hơn một nửa so với tàu sân bay lớp Ford.

 

Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc sở hữu những tàu sân bay lớn vẫn tốt hơn, vì vậy trong điều kiện ngân sách cho phép, Hải quân có thể tiếp tục đóng các loại tàu sân bay lớp Ford sau USS Doris Miller.

Nhưng nếu ngân sách hạn hẹp, họ có thể chế tạo những loại tàu sân bay nhỏ hơn và điều này có khả năng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên siêu tàu sân bay cỡ lớn trên thế giới.

Hiện Hải quân Mỹ có kế hoạch sở hữu 4 tàu sân bay lớp Ford gồm Gerald R. Ford, John F. Kennedy, Enterprise, và Doris Miller. Tuy nhiên, do áp lực về kinh phí nên rất khó để cả 4 chiếc tàu này ra đời và đi vào hoạt động.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm