Khủng bố Al Nusra hợp nhất toàn bộ phiến quân Idlib, quyết chiến với 'Hổ Syria'
Putin khuyên châu Âu giúp Syria để tránh thảm họa này / Mỹ tuyên bố bất ngờ về cuộc chiến chống IS ở Syria
Theo hãng tin RT, tỉnh Idlib trong khoảng thời gian gần đây khá yên ắng sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thiết lập vùng đệm với hy vọng sẽ mang đến kết quả một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Thỏa thuận về mặt lý thuyết cho phép những phần tử được gọi là nổi dậy “ôn hòa” kiểm soát khu vực trong khi tách biệt hẳn với các tay súng Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, trên thực tế mọi việc không diễn ra như vậy. Tất cả các nhóm nổi dậy trong khu vực hợp nhất hình thành một trung tâm chỉ huy chung.
“Chưa từng có trung tâm chỉ huy phối hợp nào như vậy”, Abu Khaled – đại diện của tổ chức Jabhat Al Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria giờ đổi tên là Hayat Tahrir al-Sham – tiết lộ với phóng viên Mỹ Abdul Kareem.
Nhiệm vụ chính của “trung tâm chỉ huy” này là hợp nhất toàn bộ lực lượng nổi dậy chống quân đội chính phủ Syria đang bao vây khu vực.
Idlib được coi là thành trì quan trọng cuối cùng của các tổ chức thánh chiến tại Syria. Là ngôi nhà của khoảng 2,9 triệu người, Idlib không nằm dưới quyền kiểm soát của bất kỳ một tổ chức khủng bố đơn nhất nào, mà khu vực bị chia nhỏ và nằm trong tay của nhiều nhóm, với tổng số các tay súng ở đây lên tới 70.000 người. Hayat Tahrir al-Sham được coi là tổ chức hùng mạnh nhất trong khu vực với tổng số quân khoảng 10.000.
Trong khi chính quyền Damascus nhất trí thực hiện các điều kiện được quy định trong thỏa thuận đa phương, đại diện phe nổi dậy lại khẳng định thỏa thuận Idlib không hề quan tâm tới lợi ích của họ.
“Tôi muốn gửi thông điệp tới chính phủ Syria rằng các tay súng tại khu vực phía Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng các ông sẽ không hiểu cho đến khi nhìn thấy họ”, Abu Khaled nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn phát sóng trên OGN TV.
Theo nhà phân tích các vấn đề toàn cầu Patrick Henningsen, tuyên bố của Al Nusra sẽ làm “thay đổi khung thỏa thuận đa phương”, do không còn cái gọi là “phe nổi dậy ôn hòa tại Idlib”.
Chuyên gia Henningsen nhận định việc hợp nhất các nhóm nổi dậy được cho là khơi mào một cuộc chiến tại tỉnh Idlib. Tuy nhiên, một khi giao tranh bùng phát, cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng khủng bố, nếu như Mỹ can thiệp trợ giúp.
“Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng, bất kỳ cuộc tấn công nào của quân đội Syria vào Idlib sẽ vấp phải đòn phản ứng dữ dội của Mỹ. Nếu như phương Tây định can thiệp, kết quả là họ sẽ đứng về phe khủng bố”, cựu Đại sứ Anh tại Syria Peter Ford giải thích.
Trước khi thỏa thuận Idlib về một khu phi quân sự dài 15-20 km được Thổ Nhĩ Kỳ-Nga thiết lập, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ ràng Mỹ sẽ "rất tức giận" nếu lực lượng chính phủ Syria tấn công giải phóng Idlib. "Nếu đó là một cuộc tàn sát, thế giới sẽ trở nên cực kỳ tức giận. Và Mỹ cũng sẽ rất tức giận", Tổng thống Trump cảnh báo người đồng cấp Bashar Assad trong một dòng tweet tháng 9.
End of content
Không có tin nào tiếp theo