Quốc tế

Kinh ngạc phiên bản phóng đi từ mặt đất của tên lửa không đối không R-77

DNVN - Đưa tên lửa không đối không từ máy bay chiến đấu xuống mặt đất để đảm nhiệm vai trò của tên lửa phòng không đang là xu thế được nhiều quân đội trên thế giới lựa chọn.

Vì sao Su-35 được mệnh danh là "vua tác chiến trên không"? / Pháo tự hành 2S42 Lotos của lính dù Nga trông thế nào?

Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77 được ra mắt năm 1992 tại triển lãm hàng không Moskva, đây là vũ khí không chiến hàng đầu của Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia sử dụng máy bay tiêm kích do Liên Xô/Nga sản xuất.

R-77 có thiết kế khí động học rất đặc biệt với 4 cánh dạng chữ nhật vát đầu cùng với 4 cánh nhỏ hơn dạng “mắt cáo” phía đuôi tên lửa. Mỗi cánh lớn cũng có thiết kế khung, bên trong có các miếng kim loại dạng lưới nhằm giúp tăng diện tích bề mặt cánh lái, tăng tốc độ bay mà vẫn làm giảm khối lượng.

Sau khi máy bay khai hỏa, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.

Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77

Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Vympel R-77

Khi chế độ “chủ động” được kích hoạt, radar của tên lửa sẽ lưu giữ thông tin mục tiêu đã tính toán để sử dụng phòng trường hợp đối phương thoát vùng ảnh hưởng. Nếu đầu dò bị gây nhiễu, R-77 lại chuyển sang chế độ thụ động và lần tìm theo nguồn phát nhiễu để tiêu diệt.

R-77 còn có một phiên bản sử dụng đầu dò hồng ngoại pha cuối. Các công trình sư lý giải rằng khi đạn đã bay đi xa thì việc thông suốt liên lạc giữa tên lửa và máy bay phóng có thể không đảm bảo, hoặc radar chủ động có thể không phát hiện được mục tiêu do đang bị gây nhiễu.

Ngòi nổ của R-77 là loại ngòi laser cận đích và đầu nổ nối tiếp, đảm bảo cho R-77 có thể tiêu diệt các mục tiêu đa dạng từ tên lửa hành trình, bom thông minh đến máy bay ném bom cỡ lớn.

Tên lửa đất đối không R-77-ZRK

Tên lửa đất đối không R-77-ZRK

 

Ngoài phiên bản lắp đầu dò hồng ngoại, R-77 còn có một biến thể đất đối không ít được biết đến mang định danh R-77-ZRK, nó có phần thân sau kích thước rất lớn nhằm mục đích tạo vận tốc ban đầu vì tên lửa phóng đi từ mặt đất không có được lợi thế như bắn từ máy bay.

Việc Nga sử dụng kết cấu thân phình to trên R-77-ZRK bị nhận xét là không thực sự hợp lý vì thực tiễn đã chứng minh rằng gắn cho tên lửa tầng khởi tốc có thể tách rời sau khi đạt vận tốc cần thiết mang lại độ linh hoạt lớn hơn.

R-77-ZRK chỉ tồn tại ở dạng nguyên mẫu thử nghiệm, không được triển khai sản xuất hàng loạt vì trong tay người Nga đã có quá nhiều tổ hợp tên lửa đất đối không đủ tầm. Nhưng với xu thế mới, không loại trừ khả năng trong tương lai R-77-ZRK sẽ được tái khởi động và hoàn thiện hơn nhằm mục đích hướng tới các khách hàng nước ngoài.

Phong Vũ (Theo Military Today)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm