Loại vũ khí đáng chú ý nhất trong gói viện trợ 500 triệu USD của Mỹ cho Ukraine
Mặt hàng Trung Quốc thống trị khắp thế giới đang gặp 'sóng gió': Giá giảm gần 90% chỉ trong 2 năm, các công ty đầu tư khai thác bất chấp thua lỗ / Châu Âu đối mặt nguy cơ 'ngày tận thế kinh tế'
Theo kênh Espreso.tv (Ukraine) ngày 23/12, trong khuôn khổ gói viện trợ 500 triệu USD của Mỹ cho Ukraine, tên lửa AGM-88 HARM đã trở thành một trong những vũ khí đáng chú ý nhất. Loại vũ khí này không chỉ được sử dụng để làm "mù" hệ thống phòng không của Nga mà còn mạnh mẽ trong việc vô hiệu hoá radar đối phương.
AGM-88 HARM (High-speed Anti-Radiation Missile) là tên lửa chống radar tốc độ cao được phát triển bởi Mỹ, bắt đầu sử dụng vào năm 1983. Tên lửa này được thiết kế để phát hiện, tấn công phá hủy đài radar và thiết bị phát xung radar (anten) trong các tổ hợp vũ khí phòng không, có khả năng khóa mục tiêu ngay cả khi radar đã tắt hoặc thay đổi tần số.
Với tầm bắn lên đến 150 km, AGM-88 HARM được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng 66 kg, mang lại khả năng gây sát thương đáng kể.
AGM-88 HARM ở Ukraine
Những báo cáo đầu tiên về việc Ukraine sử dụng AGM-88 HARM xuất hiện vào tháng 8/2022, khi các mảnh vỡ tên lửa được tìm thấy tại những khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Ban đầu, không có tuyên bố chính thức nào về việc chuyển giao loại vũ khí này, do Ukraine không sở hữu máy bay tiêu chuẩn của phương Tây để phóng tên lửa.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Lầu Năm Góc đã xác nhận việc cung cấp AGM-88 HARM cho Ukraine, cùng với những cải tiến giúp các máy bay MiG-29 và Su-27 có thể phóng được loại tên lửa này. Một video của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine vào ngày 30/8/2022 đã cho thấy rõ phương pháp sửa đổi này.
Serhiy Zgurets, Tổng biên tập của Defense Express, trang tin chuyên về quốc phòng Ukraine, cho biết Kiev đã tạo ra một giá treo chuyển tiếp đặc biệt, cho phép MiG-29 mang hai tên lửa AGM-88 HARM. Quy trình này cũng bao gồm việc trang bị thiết bị điện tử cần thiết cho quá trình phóng tên lửa.
Việc tích hợp AGM-88 HARM minh chứng khả năng kết hợp công nghệ hiện đại và sự sáng tạo của Ukraine. Phi công Ukraine sử dụng MiG-29 để bắn AGM-88 HARM vào radar đối phương, ngay cả khi radar bị tắt, nhờ vào địa điểm được lập trình từ trước.
Tác động của AGM-88 HARM tại chiến trường
Kể từ khi được triển khai vào tháng 8/2022, AGM-88 HARM đã giúp Ukraine vô hiệu hoá nhiều hệ thống phòng không như Tor-M2 và một số bộ phận của hệ thống S-300 của Nga. Loại tên lửa này đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó các hệ thống phòng không tích hợp radar như Tor.
Ngoài ra, AGM-88 HARM còn được sử dụng hiệu quả trong những cuộc tấn công các vị trí phòng không tại Crimea, gây gián đoạn đáng kể đến hoạt động quân sự Nga.
Sự xuất hiện của máy bay F-16 trong kho vũ khí của Ukraine đã mở ra những khả năng mới cho tên lửa AGM-88 HARM. Chuẩn tướng Serhii Holubtsov của Không quân Ukraine nhấn mạnh rằng F-16 không chỉ tăng hiệu quả tấn công mà còn cải thiện khả năng phát hiện và ưu tiên các mục tiêu của hệ thống phòng không đối phương. Với hệ thống cảm biến tiên tiến, F-16 giúp phi công Ukraine lập kế hoạch chiến đấu chính xác và tối ưu hơn.
Một bước tiến đáng kể khác là việc Ukraine nhận được phiên bản nâng cấp AGM-88E (AARGM) từ Mỹ gần đây. Tên lửa này được trang bị hệ thống đa cảm biến, bao gồm radar chủ động và dẫn đường GPS, cho phép tấn công mục tiêu ngay cả khi radar đã bị tắt. Với tốc độ tối đa 2.500 km/giờ, AGM-88E có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, mang lại lợi thế lớn trên chiến trường.
Có thể thấy tên lửa AGM-88 HARM đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu khả năng phòng không của Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch phản công của Ukraine. Việc tích hợp thành công loại tên lửa này vào các máy bay không thuộc phương Tây cho thấy sự sáng tạo và quyết tâm của Ukraine trong việc đối phó với thách thức kỹ thuật.
Trong khi đó theo Đài Sputnik của Nga, Moskva đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia phương Tây không được vận chuyển vũ khí đến Ukraine, khẳng định rằng điều đó chỉ thúc đẩy Kiev chiến đấu chống lại Nga chứ không phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao tại bàn đàm phán.
Điện Kremlin cũng bày tỏ lo ngại rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ được đưa vào thị trường chợ đen vũ khí toàn cầu. Theo cuộc điều tra của Sputnik, một số mẫu vũ khí phương Tây từ Ukraine đã bắt đầu xuất hiện trên các trang web đen.
Nga cũng cảnh báo các nước phương Tây không cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Theo Moskva, nếu điều này xảy ra, các cuộc tấn công trả đũa sẽ nhắm vào các trung tâm ra quyết định, không nhất thiết phải nằm ở Kiev.
End of content
Không có tin nào tiếp theo