Lực lượng thân Mỹ tính thả hàng nghìn tay súng IS ở Syria
Nga: Khủng bố Syria ồ ạt tháo chạy tới châu Phi làm loạn / Quân đội Syria ồ ạt đưa vũ khí khủng tới Aleppo sát phạt phiến quân
Theo New York Times, các quan chức hàng đầu của SDF ngày 20/12 dường như đang bàn bạc về khả năng có thể thả khoảng 3.200 tù nhân IS mà họ bắt giữ trong cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan tại Syria.
SDF hiện đang bắt giữ 1.100 tay súng IS và quản thúc 2.080 thân nhân của những kẻ này, theo số liệu thống kê của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria.
Lý do SDF đột ngột bàn tính về quyết định này được cho là do họ muốn chuẩn bị toàn bộ lực lượng để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ khi Mỹ rút quân khỏi Syria.
Dù là đồng minh NATO thân thiết, nhưng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại bất đồng trong quan điểm về người Kurd. Trong khi Washington hậu thuẫn lực lượng dân quân người Kurd, thành phần nòng cốt của SDF trong cuộc chiến chống IS, thì Ankara lại xếp nhóm này vào danh sách khủng bố và không ít lần dọa tấn công và “chôn vùi” SDF.
Ngày 19/12, Tổng thống Trump ra lệnh rút quân Mỹ về nước ngay lập tức. Động thái này được cho là có lợi cho Ankara nhưng lại khiến người Kurd “hoang mang” về tương lai của họ.
“Kịch bản tốt nhất là SDF bàn giao những tay súng này cho chính phủ Damascus. Nếu chúng thực sự lọt ra ngoài, đó sẽ là một thảm họa thực sự và mối đe dọa nghiêm trọng tới châu Âu”, một quan chức Phương Tây ẩn danh bình luận với New York Times.
Quyết định của ông Trump được cho là đã “phớt lờ” không chỉ đồng minh người Kurd mà dường như ông đã không hỏi qua ý kiến đóng góp từ các trợ lý. Một số chính trị gia Washington đã tỏ ra phẫn nộ với quyết định này, quan ngại rằng việc ông Trump rút khỏi Syria sẽ làm thay đổi toàn bộ chính sách Trung Đông của Mỹ.
Almasdar News ngày 20/12 đưa tin, SDF dường như bắt đầu liên lạc với chính phủ Syria để tổ chức các cuộc gặp cấp cao về tình hình khu vực phía bắc nước này khi Mỹ rút quân.
Một nguồn tin cho biết phái đoàn SDF đã tới Damascus bàn về chiến dịch mà Ankara sắp thực hiện trong thời gian tới ở phía đông sông Euphrates. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận nào được thiết lập giữa 2 bên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo