Lục quân Mỹ chuyển mình, thay Không quân phá A2/AD
Mỹ sử dụng máy bay ném bom để thay thế ICBM hạt nhân? / Mỹ chặn F-35 Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp bất ngờ hưởng lợi?
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang nghiên cứu một khái niệm mới cho việc sử dụng các đơn vị lục quân. Giới chuyên gia quân sự đang đánh giá việc Hoa Kỳ xem xét sửa đổi khái niệm lục quân với mục đích gì.
Mục đích chính: Phá vỡ A2/AD bằng Lực lượng Lục quân
Sửa đổi khái niệm lục quân là chủ đề bản báo cáo đặc biệt của Lầu Năm Góc "Sự chuyển đổi đa miền của các lực lượng mặt đất: Sẵn sàng chiến thắng trong cạnh tranh và xung đột" (Army Multi-DomainTransformation: Ready to win in Competition and Conflict).
Trong tài liệu trình bày chi tiết về phương pháp, cách thức đội quân đông đảo nhất của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ sẽ phải chiến đấu trong những thập kỷ tới như thế nào.
Tác chiến liên hợp hiện đại trong tài liệu này được coi là hành động quân sự liên kết với nhau trong nhiều môi trường (hoặc lĩnh vực) khác nhau như trên biển, dưới mặt đất, trên không, trong vũ trụ và cả trong không gian mạng.
Theo chiến lược quân sự của Mỹ, trong tương lai, khái niệm mới sẽ trở nên hiệu quả nhất trong NATO. Mọi cuộc chiến tranh dù bắt đầu ở đâu thì cũng sẽ kết thúc trên mặt đất và vai trò chính trong các cuộc chiến một lần nữa sẽ được giao cho lực lượng lục quân.
Thoạt nghe, điều này có vẻ lạ, nhưng Lục quân Hoa Kỳ đã là quân chủng yếu kém nhất trong quân đội Hoa Kỳ nhiều năm qua. Họ ít được quan tâm và nhận kinh phí thấp hơn so với Hải quân và Không quân Hoa Kỳ, còn thiết bị quân sự được phổ cập chậm hơn. Tuy nhiên, khả năng sẵn có của lực lượng mặt đất đủ để chống lại kẻ thù yếu hơn trong các cuộc xung đột "cường độ thấp và trung bình".
Thế nhưng Washington cũng nhận thức được rằng, cuộc đối đầu với Moscow và Bắc Kinh đòi hỏi một cách tiếp cận khác về cơ bản.
Nga và Trung Quốc thiết lập các “Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập" (Anti-Access/Area Denial, A2/AD) có hệ thống phòng thủ cực mạnh (Ảnh minh họa) |
Những nước này có khả năng tạo ra các “Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập" (Anti-Access/Area Denial, A2/AD) trên biên giới của họ, nơi lực lượng không quân và hải quân phương Tây sẽ chịu tổn thất cao một cách không thể chịu nổi trong trường hợp xảy ra xung đột. Do đó, việc xâm nhập các khu vực này phụ thuộc vào lực lượng mặt đất.
Tác giả của tài liệu là Tham mưu trưởng lục quân, Tướng James McConville khẳng định: Trung Quốc và Nga tiếp tục thách thức trật tự luật pháp quốc tế, họ đang ngày càng đẩy mạnh các chương trình nhằm lấn át Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu. Để đương đầu với hai đối thủ hùng mạnh này, Mỹ cần phải thay đổi.
Kỳ vọng vào Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân
Tướng James McConville kỳ vọng rằng, đến năm 2035, Quân đội Hoa Kỳ sẽ có một lực lượng lục quân hoàn toàn khác, được hiện đại hóa và sẵn sàng khống chế đối thủ trong các hoạt động tác chiến quy mô lớn.
Theo quan niệm của các nhà chiến lược, đội tiên phong của lực lượng NATO sẽ là các đơn vị cơ cấu mới của lực lượng lục quân Mỹ, với tên gọi là "Lực lượng đặc nhiệm đa miền" (Multi-Domain Task Force, MDTF).
Thành phần và quy mô của các đơn vị này phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến đấu cụ thể và khu vực chiến sự cụ thể, nhưng lực lượng tấn công chủ lực của nó sẽ là tên lửa có độ chính xác cao, từ MLRS HIMARS đến các tên lửa siêu thanh tương lai. Ngoài ra, MDTF sẽ tập trung vào lĩnh vực tình báo, chiến tranh điện tử, thông tin liên lạc và an ninh mạng.
Trong "giai đoạn bị đe dọa", MDTF sẽ tham gia trinh sát toàn diện các lực lượng của đối phương phục vụ yêu cầu tác chiến của toàn bộ nhóm quân của mình.
Hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa phóng từ mặt đất LRHW của Lục quân Mỹ |
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, MDTF sẽ sử dụng toàn bộ tiềm năng của mình để làm giảm hiệu quả của "khu vực cấm tiếp cận", họ sẽ sử dụng vũ khí tấn công để tiêu diệt các đối tượng chính trong cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương, đặc biệt là các đầu não chỉ huy, các trạm radar, hệ thống phòng không và tên lửa mặt đất.
Nhóm đầu tiên như vậy, MDTF-1, đã được thành lập vào năm 2018 và được giao cho “Lực lượng lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương”. Ngay sau đó, MDTF-1 đã tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC 2018 (“Vành đai Thái Bình Dương 2018”).
Ở đó, họ đã thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật và chiến thuật triển vọng mà sau này sẽ áp dụng cho các đơn vị tương tự khác.
Trong năm tài chính 2021, Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai MDTF-2 cũng ở khu vực Thái Bình Dương. MDTF-3 sẽ được thành lập cho vùng Bắc Cực.
Tuy nhiên, các kế hoạch của Washington vốn đang gặp khó khăn. Theo Đại tá Jason Charland, chuyên gia tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Mỹ, việc sử dụng MDTF chống lại Trung Quốc chỉ có ý nghĩa nếu vũ khí tên lửa được lắp đặt trên cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất" (Philippines - Hàn Quốc - Nhật Bản).
Tuy nhiên, ông Charland than thở là các đồng minh trong khu vực vẫn chưa "sốt sắng mong muốn" triển khai các hệ thống tấn công của Mỹ.
Các vũ khí phá A2/AD Trung Quốc sẽ được Mỹ đặt tại chuỗi đảo thứ nhất |
Lộ trình phát triển Lực lượng Lục quân Mỹ
Người Mỹ sẽ phát triển lực lượng mặt đất trong nhiều giai đoạn. Cho đến năm 2022, hàng chục chương trình sẽ được triển khai về vũ khí mới nhất, hệ thống điều khiển tốc độ cao không dây, "chiến trường kỹ thuật số" và thiết bị cá nhân cho quân nhân. Những mẫu sản xuất đầu tiên sẽ được giao cho quân đội vào cuối năm nay.
Trong những năm 2023-2025, đã có kế hoạch định dạng lại cơ cấu chính quy của đơn vị quân đội và chiến thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn của "hoạt động đa miền". Ngoài ra, lục quân sẽ nhận được các hệ thống phòng không quân sự mới trong khu vực gần và tổ hợp siêu thanh bố trí trên mặt đất.
Trong giai đoạn 2026-2028, Lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ tái trang bị các loại xe bọc thép mới và hiện đại hóa, máy bay không người lái tấn công chiến thuật. Đồng thời, sẽ hình thành lực lượng và phương tiện cho quá trình chuyển đổi chiến trường sang định dạng kỹ thuật số.
Lầu Năm Góc tin chắc rằng khái niệm sử dụng lực lượng lục quân mới sẽ cho phép tiến hành các hoạt động phức tạp trong thời hạn cực ngắn và đạt được lợi thế trước khi bắt đầu chiến sự.
Như vậy, trong các cuộc chiến tranh tương lai, đòn đánh đầu tiên của Mỹ có thể sẽ không đến từ các tên lửa hành trình phóng từ trên không, trên biển, để phá hủy các hệ thống radar, phòng không của đối phương, tạo điều kiện cho đợt oanh tạc của các máy bay chiến đấu; mà nó có thể đến từ các đơn vị đặc nhiệm lục quân; hoặc là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả các lực lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này