Mảnh giấy đề nghị có thể đã khiến thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội không đạt thỏa thuận
Động lực đưa ông Kim Jong-un tới thượng đỉnh lần ba với Tổng thống Trump / Nhà Trắng: Chưa ấn định thời điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung
Đề nghị 5 điểm
Theo Reuters, vào ngày 28/2, ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại khách sạn Metropole, Hà Nội, Tổng thống Trump đã đưa cho Chủ tịch Kim 2 tờ giấy nêu rõ quan điểm của Mỹ về yêu cầu giải trừ hạt nhân đối với Bình Nhưỡng bằng cả tiếng Anh và tiếng Triều Tiên. Đây được coi là lần đầu tiên ông Trump trực tiếp đưa ra định nghĩa về giải trừ hạt nhân cho ông Kim.
Văn bản này có thể lý giải tại sao hội nghị Mỹ - Triều lần hai bị cắt ngắn vào phút chót và không thể đạt được bất cứ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào.
Reuters cho biết, văn bản bằng tiếng Anh kêu gọi Triều Tiên "dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở hạ tầng hạt nhân, chương trình vũ khí sinh học, hóa học, các tên lửa đạn đạo, bệ phóng và những cơ sở liên quan".
Ngoài kêu gọi Triều Tiên giao lại toàn bộ vũ khí hạt nhân và nhiên liệu chế tạo bom cho Mỹ, văn bản nêu ra 4 đề nghị chính gồm: Triều Tiên cần công bố đầy đủ về chương trình hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của Mỹ, quốc tế tiếp cận; ngừng mọi hoạt động xây dựng các cơ sở mới và các hoạt động liên quan; phá bỏ toàn bộ cơ sở hạt nhân; chuyển toàn bộ nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân sang hoạt động thương mại.
Sự tồn tại của văn bản đề nghị trên lần đầu tiên được đề cập đến bởi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong các cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình sau hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, ông Bolton không tiết lộ văn bản đó có bao gồm đề nghị Triều Tiên chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân, nguyên liệu phân hạch cho Mỹ.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận về những thông tin liên quan đến văn bản đề nghị trên.
Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên tại trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, nói rằng nội dung văn bản đề nghị này không quá ngạc nhiên.
“Đó là những gì mà ông Bolton muốn ngay từ đầu và rõ ràng nó không có hiệu quả. Nếu Mỹ thực sự nghiêm túc về các cuộc đàm phán họ phải hiểu rằng đó không phải là phương pháp mà họ nên áp dụng. Nó đã bị bác bỏ hơn 1 lần”, chuyên gia Town nói.
Triều Tiên đã nhiều lần phản đối đơn phương giải trừ hạt nhân và nói rằng chương trình vũ khí của họ là cần thiết cho mục đích phòng vệ.
Trừng phạt bổ sung Triều Tiên là không cần thiết
Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/3 nói rằng, ông quyết định không trừng phạt bổ sung Triều Tiên bởi ông muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Kim Jong-un và bởi người dân Triều Tiên đã đang "phải hứng chịu” các lệnh trừng phạt.
"Tôi cho rằng, các lệnh trừng phạt bổ sung vào thời điểm này là không cần thiết. Họ (người dân Triều Tiên) đã đang phải hứng chịu rất nhiều. Họ đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sau này tôi sẽ không áp thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên", ông Trump nói với phóng viên tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ở Florida.
Người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa khẳng định lại quan hệ giữa ông và ông Kim bất chấp hội nghị thượng đỉnh lần hai không đạt được thỏa thuận. “Tôi nghĩ việc duy trì mối quan hệ đó lâu dài là rất quan trọng”, ông Trump nói.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2. Mặc dù hai nhà lãnh đạo nói rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên tiến triển tốt, song hội nghị bất ngờ bị cắt ngắn, hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận hay tuyên bố nào do bất đồng về lệnh trừng phạt. Tại cuộc họp báo sau đó, ông Trump nói, Washington không chấp nhận dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt khi Triều Tiên chỉ giải trừ hạt nhân một phần. Trong khi đó, Bình Nhưỡng nói rằng, họ chỉ đề nghị được dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo