Quốc tế

Những bước đi khó đoán của Triều Tiên sau thượng đỉnh “không thỏa thuận” với Mỹ

Một loạt diễn biến gần đây cho thấy Triều Tiên dường như đang thực hiện một chiến lược ngoại giao mới, từ đó đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của quan hệ Hàn - Triều cũng như mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Hàn Quốc xin lỗi người dân vì vụ phóng nhầm tên lửa gần biên giới Triều Tiên / Mỹ giáng đòn trừng phạt đầu tiên “nắn gân” Triều Tiên sau thượng đỉnh

Những bước đi khó đoán của Triều Tiên sau thượng đỉnh “không thỏa thuận” với Mỹ - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên họp với phái đoàn Mỹ tại Hà Nội hồi tháng 2. (Ảnh: AFP)

Nới lỏng quan hệ với Hàn Quốc

Ngày 22/3, các quan chức Triều Tiên tại văn phòng liên lạc Hàn - Triều ở thành phố biên giới Kaesong, tỉnh Bắc Hwanghae (Triều Tiên) đột ngột rút khỏi cơ sở này. Các quan chức Triều Tiên chỉ nói rằng họ đang thực hiện theo lệnh từ cấp trên mà không nêu lý do cụ thể cho quyết định bất ngờ này.

Văn phòng liên lạc chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được lập ra từ tháng 9 năm ngoái sau thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần một giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un hồi tháng 4/2018.

Phía Triều Tiên cho biết họ không lo ngại những quan chức Hàn Quốc vẫn đang làm việc tại văn phòng liên lạc chung, đồng thời khẳng định những vấn đề thực tế sẽ được giải quyết vào một ngày sau đó.

Sau hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ mà không đạt được thỏa thuận, Triều Tiên dường như “đóng băng” mọi kế hoạch hợp tác với Hàn Quốc. Cơ hội để hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên tổ chức hội đàm quân sự trong tháng này cũng ngày càng mờ nhạt dần.

 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 24/3 cho biết cơ quan này gần đây đã đề xuất tổ chức hội đàm quân sự với Triều Tiên thông qua một đường dây liên lạc, song cho đến nay vẫn chưa nhận được xác nhận từ phía Bình Nhưỡng. Seoul vẫn đang nỗ lực để tổ chức cuộc hội đàm này vào cuối tháng 3 khi việc thực thi thỏa thuận quân sự chung giữa hai nước đang bị đình trệ.

Thắt chặt hợp tác với Nga, Trung

Động thái trên diễn ra giữa lúc có nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc và Nga nhằm tăng cường “đòn bẩy” của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.

Ngày 24/3, ông Kim Chang-son, lãnh đạo ủy ban các vấn đề nhà nước của Triều Tiên và là trợ lý lâu năm của gia đình nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã kết thúc chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Moscow, Nga.

Trước đó, ông Kim Chang-son từng là quan chức phụ trách lên kế hoạch chi tiết cho chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Singapore và Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái và tháng 2 năm nay. Do vậy, chuyến đi của ông Kim Chang-son tới Moscow lần này làm dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều trong thời gian tới.

 

Mặc dù vẫn chưa có thông tin xác nhận chính thức, song cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được dự đoán có thể diễn ra vào giữa tháng 4.

Chuyến đi của ông Kim Chang-son tới Nga diễn ra sau một loạt bản tin trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, trong đó ca ngợi mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Tuần trước, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết Nga và Triều Tiên cùng “chia sẻ mục tiêu chung về việc chống lại sự can thiệp và sức ép từ bên ngoài, đồng thời bảo vệ quyền tự chủ của đất nước”.

Trong khi đó, một số thông tin tiết lộ các đại sứ Triều Tiên tại Nga và Trung Quốc được lệnh tăng cường hợp tác với các đồng minh sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc hồi tháng trước mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Quay lại lập trường cứng rắn?

Những bước đi khó đoán của Triều Tiên sau thượng đỉnh “không thỏa thuận” với Mỹ - 2

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump gặp nhau tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)

 

Những diễn biến gần đây liên quan tới Triều Tiên khiến nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo về khả năng Bình Nhưỡng sẽ quay lại lập trường cứng rắn như trước.

“Có thể thấy rằng Triều Tiên đã quyết định huy động các quan chức để gây sức ép với Mỹ trong khi Chủ tịch Kim Jong-un vẫn đang cân nhắc nghiêm túc về việc liệu có nên tiếp tục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ hay không”, Cheong Seong-Chang, phó chủ tịch bộ phận kế hoạch nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Sejong, nhận định.

“Quyết định này có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại cũng như chiến lược cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa”, chuyên gia Cheong nói, đồng thời cho rằng khả năng Triều Tiên đưa ra một tuyên bố cứng rắn là không thể loại trừ.

Mặc dù quyết định của Bình Nhưỡng về việc rút nhân viên khỏi văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc có thể chỉ là động thái không đáng kể, song giới lãnh đạo Triều Tiên dường như đang chịu sức ép lớn hơn nhiều.

Vài tuần sau hội nghị thượng đỉnh lần hai, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên cảnh báo nước này đang cân nhắc dừng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và dọa sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa sau khi tạm dừng các hoạt động này trong hơn một năm qua.

 

Trong bài xã luận đăng hôm 21/3, Rodong Sinmun cho biết Triều Tiên đang phải trải qua “giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử”. Đây là lần hiếm hoi truyền thông nhà nước Triều Tiên công khai thừa nhận tình trạng khó khăn của đất nước.

Giới quan sát nhận định ban lãnh đạo Triều Tiên dường như coi bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là mối đe dọa với sự tồn vong của chính quyền.

Bộ Tài chính Mỹ tuần trước thông báo áp lệnh trừng phạt với hai công ty vận tải Trung Quốc vì giúp Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Đây là đòn trừng phạt đầu tiên của Washington sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Trong khi Washington vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng, Tổng thống Donald Trump dường như cẩn trọng hơn trong việc gia tăng sức ép với Triều Tiên. Ngày 22/3, ông Trump thông báo đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ rút các lệnh trừng phạt bổ sung với Triều Tiên.

Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney vẫn để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba, song với điều kiện Bình Nhưỡng không có động thái khiến Washington thất vọng.

 

“Các cuộc thảo luận có thể và nên tiếp tục. Tôi có thể dự đoán tổng thống (Donald Trump) và chủ tịch (Kim Jong-un) sẽ gặp nhau vào thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng nếu Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa trở lại, đó sẽ ngã rẽ đáng thất vọng”, ông Mulvaney nói.

Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm