Máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ từ vô danh trở thành biểu tượng
Chiến sự tại chảo lửa Mariupol ở Ukraine nóng rực, quân Nga vừa hạ quyết tâm lớn / Bí ẩn lính đánh thuê Wagner: 4h bất phân thắng bại với lính Delta - Phương Tây dè chừng?
Ngành công nghiệp hàng không quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang ăn nên làm ra khi Ankara liên tiếp có các hợp đồng cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho nhiều quân đội nước, nhất là sau những cuộc xung đột như ở Syira, Libya, Azerbaijan và Ukraine.
Từ kẻ vô danh trở thành biểu tượng
Ngày 26/10/2021, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết nước này đã lần đầu tiên sử dụng UAV tấn công Bayraktar TB2 không kích các mục tiêu của phe ly khai ở miền đông Ukraine (Donbass). Từ thời điểm đó TB2 Bayraktar chính thức tham chiến ở Ukraine.
Ngay từ năm 2019, quân đội Ukraine đã bắt đầu để mắt đến mẫu UAV tấn công Thổ Nhĩ Kỳ sau màn trình diễn ấn tượng của TB2 tại chiến trường Syria, ngay sau đó là hợp đồng mua 6 UAV đầu tiên. Tính đến đầu năm 2022, Ukraine đã sở hữu phi đội khoảng 20 chiếc TB2.
Khả năng tác chiến bằng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế chú ý sau các chiến dịch thành công ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh.
Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng UAV Bayraktar TB2 và TAI Anka do chính nước này chế tạo để tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào quân đội Syria (SAA) vốn đang đe dọa lực lượng đối lập Syria được Ankara hậu thuẫn ở tỉnh Idlib. Sự xuất hiện của UAV TB2 đã ít nhiều khiến SAA gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lần cứu nguy cho lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn tại Libya, các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy chiếm thủ đô Tripoli từ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) vốn nhận sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy vậy, trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh (2020) thì chương trình UAV của Thổ Nhĩ Kỳ mới thực sự trở thành tâm điểm.
Trong cuộc xung đột đó, Azerbaijan đã sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể hơn là Bayraktar TB2 đã vô hiệu hóa phần lớn lực lượng Armenia, giúp Baku giành lại một phần lãnh thổ tại Nagorno-Karabakh. Kể từ đó, một số quốc gia như Qatar, Morocco, Ba Lan, Tunisia và Kyrgyzstan đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, các chuyên gia quân sự gọi đó là "cuộc chiến của máy bay không người lái hay những vị thần mới của chiến tranh" do sự xuất hiện lâu dài, liên tục của UAV như một phương tiện trinh sát trên chiến trường, làm thay đổi đáng kể bức tranh toàn cảnh về việc tiến hành các hoạt động chiến đấu.
Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, máy bay không người lái không chỉ là phương tiện do thám, xác định mục tiêu mà còn là phương tiện sử dụng vũ khí chính xác cao. Với sự giúp đỡ của Bayraktar TB2, Azerbaijan dễ dàng đạt được ưu thế trên không dù sở hữu lực lượng không quân hạn chế.
Vươn lên top 4 thế giới
Theo Anil Shahin - chuyên gia quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay trên thế giới có bốn quốc gia làm chủ công nghệ chế tạo UAV với những thành tựu riêng, gồm Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Cần phải nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc chỉ mất vài năm để vượt mặt các nước châu Âu vươn lên trở thành những quốc gia đi đầu trong công nghệ UAV.
Trước đây, thị trường UAV thế giới gần như do Mỹ và Israel độc quyền. Mỹ với định hướng chính sách nhất định, gần như không quan tâm nhiều đến việc xuất khẩu công nghệ UAV ra bên ngoài, Washington chỉ bán phương tiện bay này cho các đồng minh chiến lược, như Anh. Còn Israel khá tích cực xuất khẩu máy bay không người lái, nhưng UAV của Israel có giá bán rất cao.
Trong điều kiện đó, Trung Quốc đã tạo bất ngờ lớn khi sẵn sàng xuất khẩu các dòng UAV trinh sát lẫn tấn công cao cấp cho bất kỳ quốc gia nào muốn mua với mức giá thấp hơn rất nhiều nếu so với sản phẩm cùng loại của Mỹ và Israel. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không giữ được thị trường này khi các mẫu UAV của họ gặp nhiều vấn đề về chất lượng.
Theo chuyên gia Shahin, trong bối cảnh đó vị thế của UAV Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ được nâng cao nhờ vào chất lượng và mức giá cạnh tranh.
Shahin cho rằng sở dĩ Mỹ khó thành công ở thị trường UAV bởi các sản phẩm của họ có mức giá quá cao. Chẳng hạn, Mỹ đang bán cho Australia 12 chiếc MQ-9B Reaper với giá lên đến 1,6 tỷ USD, các sản phẩm tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ cùng số lượng chỉ bằng 1/2.
Sức mạnh của UAV tấn công Bayraktar TB2
Bayraktar TB2 (trong tiếng Thổ nghĩa là “Người cầm cờ"), một phương tiện tấn công không người lái có thể giám sát và điều khiển từ xa (bởi trạm điều khiển mặt đất) hoặc bay tự động, do công ty tư nhân Baykar Makina sản xuất cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực tình báo, chỉ định và cả tấn công mục tiêu.
Việc phát triển Bayraktar TB2 được thúc đẩy bởi lệnh cấm xuất khẩu UAV của Mỹ sang cho Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan tới đến vấn đề người Kurd. TB2 được xây dựng dựa trên Bayraktar TB1 trước đó, nguyên mẫu đầu tiên bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 8/2014.
Tháng 6 và tháng 8/2014, Bayraktar TB2 đã lập kỷ lục thế giới về máy bay không người lái thuộc hạng chiến thuật tầm trung về thời lượng bay - 24 giờ 34 phút (ở độ cao 8.000 m).
Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang được trang bị 86 chiếc Bayraktar TB2. Ngoài ra, UAV này có trong trang bị của Không quân Qatar (6 chiếc), Libya, Azerbaijan và Ukraine (12 chiếc Bayraktar TB2 và 3 trạm điều khiển).
Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg, được trang bị động cơ đốt trong Rotax 912 công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km.
Cấu hình tiêu chuẩn TB2 bao gồm mô-đun camera quang điện tử (EO), mô-đun camera hồng ngoại (IR), thiết bị, công cụ tìm kiếm và hệ thống điều khiển laser, được tích hợp phần mềm và hệ thống điều khiển tiên tiến.
Bayraktar TB2 có thể được coi là một hệ thống UAV tấn công (UCAV), mỗi hệ thống gồm 6 UAV, 2 trạm điều khiển mặt đất, 3 thiết bị đầu cuối dữ liệu mặt đất, 2 thiết bị đầu cuối video từ xa và thiết bị hỗ trợ mặt đất. Nó có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS (tầm bắn 500-8.000 m) hoặc bom dẫn đường MAM cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo