Quốc tế

Mức độ "sát thương" trong các lệnh trừng phạt của Nga đối với Tổng thống Mỹ

Ngày 15/3, Nga đã công bố lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Joe Biden và một số quan chức cấp cao của Mỹ như một phản ứng đáp trả các lệnh trừng phạt của nước này đối với Nga.

Mỹ vừa cấp cho Ukraine loại vũ khí cực kỳ lợi hại: Lầu Năm Góc mới chỉ dùng có vài lần! / Đệ nhất phu nhân Ukraine nói điều phải làm mỗi sáng, lo chồng là "mục tiêu số 1" của Nga

Do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong những tuần gần đây, Mỹ đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm các mục tiêu nhắm vào Tổng thống Putin, các nhà tài phiệt Nga, lĩnh vực ngân hàng của Nga, cũng như phát triển công nghệ.

Hãng tin CNN (Mỹ) đưa tin, ngày 15/3, Nga đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một loạt quan chức Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đánh dấu sự leo thang căng thẳng khác trong căng thẳng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và phương Tây.

Nhiều quan chức Mỹ bị đưa vào "danh sách đen"

Thông báo do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra nêu rõ, nhằm đáp trả một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có, trong đó có lệnh cấm các quan chức cấp cao của Nga nhập cảnh vào Mỹ, bắt đầu từ ngày 15/3, Tổng thống Joe Biden và 12 quan chức cấp cao của Mỹ sẽ bị Nga đưa vào "Danh sách cấm nhập cảnh". Ngoài việc bị cấm vào Nga, tài sản của họ tại Nga cũng sẽ bị đóng băng.

Mức độ sát thương trong các lệnh trừng phạt của Nga đối với Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden và 12 quan chức cấp cao của Mỹ bị Nga đưa vào "Danh sách cấm nhập cảnh". Ảnh: AP

Theo CNN, các lệnh trừng phạt "phần lớn mang tính biểu tượng" vì các thành viên của chính quyền Tổng thống Biden khó có thể tới Nga khi Mỹ và phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Putin và giới "tinh hoa" của Nga. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden cũng bác bỏ khả năng về cuộc gặp của hai ông Biden và Putin.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba (15/3): "Không ai trong số chúng tôi có kế hoạch đi du lịch Nga và cũng không ai có tài khoản ngân hàng không thể truy cập,".

Khi được hỏi liệu các biện pháp trừng phạt mới có phải là tín hiệu về việc Nga "leo thang" xung đột hay không, bà Psaki đã trả lời rằng, phía Mỹ "tin tưởng" rằng các quan chức Mỹ "sẽ có thể" duy trì liên lạc trực tiếp và gián tiếp với Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố rằng, chính phủ Nga "sẽ không từ chối duy trì liên lạc chính thức" khi nó phù hợp với lợi ích quốc gia; đồng thời sẽ sắp xếp các cuộc tiếp xúc cấp cao khi cần thiết, và giải quyết vấn đề danh tính của những người đã bị đưa vào "danh sách đen".

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đề cập rằng, Nga có thể sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt tiếp theo, mở rộng "danh sách đen" bao gồm "các quan chức cấp cao của Mỹ, tướng lĩnh quân đội, nghị sĩ, doanh nhân, chuyên gia và những nhân vật truyền thông khủng bố Nga hoặc kích động hận thù với Nga".

 

Phương Tây tiếp tục trừng phạt, Nga liền đáp trả

Ngoài việc trừng phạt các quan chức cấp cao của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/3 cho biết họ đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thủ tướng Justin Trudeau, các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao cùng hơn 300 nghị sĩ của Canada.

Cùng ngày, Nga đã chính thức rút khỏi Ủy ban châu Âu (EC). Pyot Tolstoy - Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết, thư thông báo về việc Nga quyết định rút khỏi tổ chức này của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã được chuyển cho Tổng thư ký EC.

Tối muộn hôm đó, các thành viên của Hội đồng Nghị viện Uỷ hội châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu trục xuất Nga ra khỏi tổ chức này. Quyết định đã được thông qua với 216 phiếu thuận và 3 phiếu trắng trên tổng số 219 phiếu.

Mức độ sát thương trong các lệnh trừng phạt của Nga đối với Tổng thống Mỹ - Ảnh 2.

Hội đồng Nghị viện Uỷ hội châu Âu tiến hành bỏ phiếu trục xuất Nga ra khỏi Uỷ ban châu Âu. Ảnh: Getty Images

Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 15/3 cho biết, vòng trừng phạt thứ tư của EU đối với Nga có hiệu lực cùng ngày, bao gồm việc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga, hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm trong ngành thép của Nga và lệnh cấm toàn diện về đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng của Nga - biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến các công ty dầu mỏ lớn của Nga, nhưng các nước thành viên EU vẫn có thể mua dầu và khí đốt từ họ.

 

Theo hãng tin RFI của Pháp, EU cũng đã đồng ý bãi bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga. Việc bãi bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác đối với Nga.

Theo kênh truyền hình NHK (Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 16/3 thông báo, nước này sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga nhằm tăng cường trừng phạt nước này liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Sau khi công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu từ ngày 14/3, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và một số người Nga vào ngày 15/3.

Cùng ngày, Anh tuyên bố thực hiện lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga. Hãng thông tấn BBC (Anh) đưa tin, ước tính có thêm 100 người sẽ bị xử phạt theo luật mới. Luật này cho phép Anh, cùng với các quốc gia Âu – Mỹ, nhắm mục tiêu trừng phạt vào các cá nhân.

Về các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tờ "Quan điểm" của Nga đưa tin, Phó Thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko ngày 15/3 cho biết, không có nguy cơ thiếu hụt hàng hóa tại thị trường nội địa Nga do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. Nga đang xác định lại phương hướng của thị trường và mở rộng nguồn cung cấp hàng hóa từ các quốc gia thân thiện.

 

Bà Abramchenko nói: "Thế giới không chỉ giới hạn ở Mỹ và châu Âu. Nga đang khám phá thị trường mới và đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp mới. Trong một tháng rưỡi vừa qua, Nga đã chấp thuận cho hơn 140 công ty nước ngoài xuất khẩu sản phẩm sang Nga".

Danh sách cấm nhập cảnh của Nga bao gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tướng Mark Milley, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden Jake Sullivan, Giám đốc CIA William Burns, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Phó cố vấn an ninh quốc gia Daleep Singh, Giám đốc USAID Samantha Power, Thứ trưởng Bộ Tài chính Adewale Adeyemo và Chủ tịch Ngân hàng US Export-Import Reta Jo Lewis.

Danh sách này cũng có tên của các cá nhân phi chính phủ khác, bao gồm con trai của Tổng thống Hunter Biden, và cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm