Mỹ chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga
Nga công bố đề xuất mới sơ tán người dân ra khỏi vùng chiến sự ở Ukraine / Ukraine mong muốn vòng 4 đàm phán trực tiếp sẽ diễn ra giữa hai tổng thống Zelensky và Putin
Giếng lọc dầu ở gần sông Irtysh ở Omsk, Tây Nam Siberia, Nga. (Ảnh: Nsenergy Business/TTXVN)
Trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả "khủng khiếp" đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng.
Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt.
Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Trước đó, các nước phương Tây cũng đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này, đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã mua 1 chuyến dầu thô của Nga hồi tuần trước.
Anh sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022
Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Tuyên bố của London được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hãng tin AFP dẫn thông báo được Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh - ông Kwasi Kwarteng - đăng tải trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu (dầu mỏ) của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh.”
Đáng chú ý, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở “xứ sở sương mù.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwarteng cho biết ông đang “nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng này.”
Biện pháp trên của chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy vậy, Bộ trưởng Kwarteng cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu của Anh đến từ “những đối tác đáng tin cậy” như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẽ phối hợp với họ trong năm nay để đảm bảo có thêm nguồn cung.”
Cũng trong ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030.”
Theo EC, mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện.
Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU..
Giá dầu Brent tăng 6,8% sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Phóng viên TTXVN tại Anh đưa tin giá dầu thô ngày 8/3 đã tăng mạnh sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi giá niken cũng đạt mức cao kỷ lục do lo ngại nguồn cung từ Nga - nước xuất khẩu niken hàng đầu thế giới.
Tại một điểm bán xăng ở Alhambra, bang California (Mỹ) ngày 4/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mặc dù thấp hơn mức kỷ lục 139,13 USD/thùng hôm 7/3, giá dầu Brent vẫn tăng 6,8% lên mức 131,63 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 6,7% lên mức 127,44 USD/thùng.
Trong khi đó, sàn giao dịch kim loại London đã đình chỉ giao dịch niken sau khi giá kim loại này tăng lên mức kỷ lục 101.365 USD/tấn. Giá niken biến động mạnh do những lo ngại về nguồn cung từ Nga.
Theo trưởng nhóm phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến XTB - Walid Koudmani, khả năng Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào phương Tây có thể gây nên cú sốc nguồn cung đáng kể trong ngắn hạn trên thị trường, khiến giá cả có thể tiếp tục tăng cao cho đến khi tình hình ổn định.
Giá niken đã tăng từ mức 20.000 USD/tấn vào tháng Một vừa qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này