Thay thế năng lượng nhập khẩu từ Nga - bài toán không dễ của EU
Những loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine / Các nước phương Tây chịu tác động từ đòn trừng phạt Nga
Bài toán không dễ
Trong một thông báo, ông Scholz nêu rõ: “Châu Âu đã cố ý miễn trừng phạt các nguồn cung năng lượng từ Nga. Hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu để sưởi ấm, di chuyển, sản xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp cho các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân châu Âu”.
Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga. Tuần này, khi phương Tây hợp lực cùng Mỹ siết mạnh hơn các biện pháp trừng phạtNga, EU đã phải bỏ ra khoản tiền 722 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhiều gấp ba lần so với thời điểm trước khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt liên quan tớiUkraine - số liệu do tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) cung cấp.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào tuần trước, Cao ủy phụ trách năng lượng EU, ông Kadri Simson, cho rằng EU không được phép để bất kỳ nước thứ ba nào sở hữu quyền lực đủ đểgây bất ổn tới thị trường năng lượng của EU cũng như lựa chọn chính sách năng lượng của liên minh này. Thế nhưng thay thế năng lượng nhập khẩu Nga là bài toán không dễ. Việc xây dựng một số trạm, cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hay Qatar có hạn chế nhất định. Chính phủ Đức mới đây thông qua kế hoạch xây dựng hai trung tâm lưu trữ LNG kiểu này, nhưng sớm nhất phải ba năm nữa mới hoàn tất.
Hơn thế, LNG có mức giá cao hơn nhiều so với khí đốt Nga, khiến kinh tế châu Âu sẽ gặp phải khó khăn. Nếu mùa Đông tới chuyển sang sử dụng hoàn toàn LNG, châu Âu sẽ phải bỏ ra khoản tiền trên 70 tỷ euro (79 tỷ USD) , tăng mạnh so với 12 tỷ euro (13,5 tỷ USD) nếu dùng khí đốt của Nga.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/3 nói rằng EU cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc dạng hóa, sử dụng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng.Bà Ursula von der Leyen nói: “Năng lượng vẫn là một trong những vấn đề quan trọng. EU phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Để làm được điều này, chúng ta cần đa dạng hóa nguồn cung, đạt kết quả tốt hơn về hiệu quả năng lượng và chúng ta phải đầu tư ồ ạt vào các nguồn năng lượng tái tạo”. Bà lấy ví dụ Tây Ban Nha, nước chưa bao giờ là “nhà nhập khẩu nhiên liệu đáng kể của Nga”.
Tuy vậy, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Trong khi những nhà cung ứng khí đốt khác như Na Uy, Algeria hay Azerbaijanchưa thể nâng sản lượng trong một sớm một chiều. Cùng lúc, hệ thống mạng lưới đường ống khí đốt tại châu Âu không có được tính hoàn chỉnh, đồng bộ cao, khiến rất khó để phân phối khí đốt từ những nơi dư thừa sang địa điểm thiếu hụt. Thực tế này đẩy giới hoạch định chính sách EU trước lựa chọn không mấy dễ dàng nếu dòng khí đốt từ Nga bị chặn lại.
Đi tìm lời giải
Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Italy Roberto Cingolani nhận định tình hình căng thẳng leo thang liên quan đến Ukraine đang thúc đẩy sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu thị trường năng lượng châu Âu hơn nữa.
Phát biểu tại quốc hội Italy, ông Cingolani cho biết cho đến cuối năm ngoái, nhiều nước tại EU đã ban hành nhiều biện pháp tạm thời để hạn chế đà tăng giá năng lượng. Nhưng ông cho rằng diễn biến leo thang nhanh chóng trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã phát đi tín hiệu cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp dài hạn trong các quá trình như dự trữ khí đốt để giúp các thị trường an toàn và ổn định hơn.
Hiện dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức thấp, trong khi giá năng lượng lại tăng cao. Vì thế, châu lục này cần hành động nhiều hơn để đảm bảo năng lực dự trữ khí đốt được tận dụng đủ cho mùa đông sắp tới. Tuần trước, Italy đã thông qua các biện pháp để đảm bảo tận dụng đến ít nhất 90% năng lực dự trữ khí đốt trước mùa đông tới.
Ông Cingolani cho biết EC cần xem xét một hệ thống cho phép các nước EU tình nguyện mua chung khí đốt để tạo ra kho dự trữ khí đốt chiến lược. Biện pháp này được đề xuất nhằm ứng phó với giá năng lượng tăng cao.
Nga là nước cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục này. Vì thế, những lo ngại về căng thẳng tại Ukaine đang góp phần đẩy giá khí đốt tăng cao hơn nữa. Thêm vào đó, tuần này, Đức cho biết sẽ ngừng đướng ổng Dòng chảy phương Bắc 2, vốn được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga được vận chuyển trực tiếp sang Đức. Động thái này có thể đẩy giá khí đốt tại châu Âu lên cao hơn.
Ông Cingolani dự đoán giá khí đốt sẽ vẫn ở mức khá cao và sẽ không thể quay trở về mức giá của một năm trước. Italy mới đây đã ban hành một loạt biện pháp dài hạn để giải quyết vấn đề giá năng lượng, trong đó có việc tăng cường sản xuất khí đốt trong nước và tìm cách thúc đẩy việc vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo.
Trước đó, giới chức Chính phủ Đức cũng đã quyết định chi 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) để mua khí đốt dự trữ cho tương lai gần để đối phó với nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa Đông.
Trong khi đó, để độc lập hơn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Đức đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035. Kế hoạch này phù hợp với mục tiêu đã thống nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Đức đặt lộ trình đến năm 2030, tỷ trọng điện gió hoặc năng lượng Mặt Trời sẽ chiếm 80%. Cụ thể, tới năm 2030, công suất năng lượng gió trên đất liền sẽ tăng gấp đôi lên 110 gigawatt, trong khi năng lượng gió trên biển tới năm 2030 cũng sẽ đạt 30 gigawatt, tương đương công suất của 10 nhà máy điện hạt nhân.
Đối với năng lượng Mặt Trời, tới năm 2030, công suất điện từ nguồn này cũng sẽ tăng gấp 3 lần, lên 200 gigawatt. Kế hoạch hiện đã được đưa vào Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG) sửa đổi và dự kiến sớm được Quốc hội thông qua để có thể có hiệu lực trước tháng 7/2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo