Mỹ "đánh trống la làng" vì tàu Nga do thám?
Ngoại trưởng Iran: "Tấn công căn cứ Mỹ là tự vệ hợp pháp" / Những dự án máy bay tối mật nhất ở Khu vực 51 của Mỹ
Cường điệu kiểu Mỹ
Trang CNN của Mỹ đăng tải tin “Tàu do thám Nga có những hành vi ‘không an toàn’ ngoài khơi nước Mỹ”. Sau đó, truyền thông Mỹ và thế giới đồng loạt khai thác nội dung này, trong đó nhấn mạnh vào chi tiết “không an toàn”.
Theo CNN, tàu do thám Victor Leonov hoạt động ngoài khơi bang Nam Carolina và Florida, bị lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ nhận định là đã có những “hành vi không an toàn”, như không sử dụng đèn báo khi hoạt động trong tình trạng tầm nhìn kém, không phản hồi các tàu khác khi họ cố xác định vị trí của Victor Leonov để tránh va chạm, đồng thời có những “hoạt động bất thường”.
Theo thông tin giám sát của một tàu khu trục Mỹ, tàu Victor Leonov chuyên thu thập thông tin tình báo về các tàu ngầm Mỹ ra vào một căn cứ tàu ngầm và còn có thể giám sát các đường cáp quang Internet dưới đáy biển.
Con tàu của Nga xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ giữa lúc tàu khu trục tên lửa USS Ross của hải quân Mỹ thăm Constanta, Romania ngày 16/12. Hải quân Mỹ thông báo đây là “chuyến thăm định kỳ”, một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen và hỗ trợ các đối tác trong liên minh NATO mà Romani là một thành viên.
Giới phân tích quốc tế đã nhanh chóng chỉ ra việc truyền thông Mỹ đang cường điệu hóa những diễn biến thông thường và coi đây là một trong những nỗ lực tuyên truyền đậm chất “đạo đức giả” của Mỹ về cái gọi là các hoạt động “do thám”.
Trang phân tích Á-Âu chỉ ra rằng chính hải quân Mỹ vẫn tiến hành những hoạt động tương tự tại nhiều vùng biển ngoài khơi các quốc gia khác, trong đó có Nga.
Mỹ đang cường điệu hóa hoạt động của Nga? |
Cũng theo giới phân tích, tàu Victor Leonov của Nga hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý của vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Mỹ và tuân thủ quyền tự do đi lại, một nguyên tắc luật pháp quốc tế mà Mỹ tuyên bố tôn trọng. Những quan chức Mỹ nắm được vấn đề cho rằng những gì con tàu này thực hiện “hoàn toàn đúng luật”.
Trang phân tích Á-Âu dẫn lời một quan chức Mỹ thừa nhận “các hoạt động này chưa từng có tiền lệ, không phải là điều thường diễn ra song không đáng báo động”.
Theo trang này, con tàu Victor Leonov của Nga không vi phạm UNCLOS. Trong khi đó, hải quân Mỹ thường xuyên bí mật xâm phạm lãnh hải và vi phạm UNCLOS khi thực hiện các chiến dịch thu thập tin tức tình báo trong các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều quốc gia khác.
Mỹ cũng thường xuyên sử dụng tàu hải quân để do thám các nước khác |
Mỹ biện hộ rằng các hoạt động mà họ tiến hành đều là hợp pháp khi chiểu theo Điều 58 UNCLOS, rằng “tất cả các quốc gia… trong những điều kiện được quy định theo Công ước, được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không… cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của công ước,… như việc triển khai tàu và máy bay…”.
Theo trang bình luận Á-Âu, người Mỹ cho rằng việc tiến hành các hoạt động thu thập tin tức tình báo là “quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế”, hoàn toàn đúng với nội dung Công ước.
Đạo đức kiểu Mỹ
Theo bài viết trên trang phân tích Á-Âu, hoạt động quân sự tại EEZ từng là vấn đề gây tranh cãi trong tiến trình đàm phán nội dung UNCLOS và vẫn kéo dài tới tận ngày nay trên thực địa.
Một số quốc gia ven biển cho rằng các nước khác không có quyền tiến hành tập trận hoặc hoạt động có tính quân sự tại EEZ của họ nếu chưa được cho phép. Các nước này lo ngại rằng những hoạt động quân sự “không mời mà đến”- như “ngoại giao pháo hạm”- có thể đe dọa an ninh quốc gia hoặc chủ quyền tài nguyên của mình.
Trong khi đó, một số quốc gia khác lại có những lập luận trái ngược. Trên thực tế, việc các cường quốc biển như Mỹ luôn nhấn mạnh tự do trong các hoạt động quân sự tại EEZ là do lo ngại phong trào kêu gọi “đóng cửa” EEZ sẽ khiến các hoạt động trên biển và trên không, cùng tính cơ động của chính họ bị hạn chế đáng kể.
Các tranh cãi này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ và một trong những điểm nổi cộm chính là mâu thuẫn về quyền tự do thu thập tin tức tình báo.
Tầm nhìn từ tàu USS Ross của Mỹ trên Biển Đen |
Vấn đề cần thiết đặt ra là một thỏa thuận về những nguyên tắc tự nguyện trong hoạt động quân sự và tình báo tại EEZ của một quốc gia, cũng như định nghĩa được các bên nhất trí về những gì được phép và không được phép tiến hành.
Những nguyên tắc này sẽ là chỉ dấu xác định các hành vi thân thiện (hoặc không), giúp các bên tránh được những vụ va chạm không cần thiết mà không cần phải có các lệnh cấm cứng nhắc.
Đây cũng có thể sẽ là yếu tố hạn chế những hành vi khiêu khích như thu thập tin tức phục vụ các lực lượng chống lại các quốc gia ven biển hay can thiệp vào hệ thống điện tử của lực lượng hải quân. Tuy nhiên, Mỹ cho đến nay vẫn phản đối các nỗ lực này.
Theo trang phân tích Á-Âu, các nguyên tắc, dù tự nguyện hay không, đều là thứ không chấp nhận được với Mỹ bởi điều mà Washington muốn là duy trì lợi thế về công nghệ. Do đó, trong thời gian tới, rất có thể dư luận sẽ được chứng kiến thêm những vụ va chạm được báo chí Mỹ tiếp tục làm rùm beng.
Trên thực tế, trang phân tích Á-Âu dẫn ra nhiều dẫn chứng cho thấy Mỹ mới là bên tiến hành những hoạt động do thám đối với các nước khác. Ví dụ, Mỹ vẫn tiếp tục các hành động thời Chiến tranh Lạnh như nghe lén các đường dây liên lạc dưới đáy biển có từ thời Liên Xô.
Năm 1992, đã có một vụ va chạm giữa tàu USS Baton Rouge của Mỹ và một tàu ngầm hạt nhân của Nga trong lãnh hải của Nga, gần căn cứ hải quân Severomorsk.
Ngày 7/8/2014, lực lượng chống ngầm thuộc Hạm đội biển Bắc của Nga đã đuổi một tàu ngầm của Mỹ khỏi khu vực biển Barents được cho là cũng đang tiến hành hoạt động nghe lén đường dây liên lạc dưới đáy biển của Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo