Mỹ dạy robot chiến đấu với Armata
Bayraktar TB2 Ukraine lần đầu tấn công chống lại DPR / Belarus trở thành chiến trường mới trong ‘trò chơi’ tình báo giữa Nga và Mỹ?
Trong ảnh: xe tăng T-14 "Armata" (Ảnh: Sergey Bobylev / TASS) |
Ấn bản Breaking Defense của Mỹ vừa đưa tin về việc phát triển các loại xe bọc thép robot có nhiều chuyên dụng khác nhau, được mệnh danh là "sát thủ của Armata".
Lầu Năm Góc đang tài trợ và tham gia vào dự án Mission Enabler Technologies - ý tưởng là dùng các robot để thay thế con người trên chiến trường. Đề tài này đang được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu của Quân đội Hoa Kỳ.
Vào mùa hè năm ngoái, Trung tâm đã tổ chức buổi giới thiệu nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên - Xe chiến đấu robot (RCV) được tạo ra trên cơ sở xe bọc thép M113.
Bộ chỉ huy quân đội đang có những kế hoạch đầy tham vọng: tạo ra dòng xe bọc thép sử dụng cho các mục đích khác nhau. Loại xe nhẹ nhất có trọng lượng tới 7 tấn là phương tiện trinh sát. Với bộ hệ thống theo dõi và phát hiện tối đa, còn khả năng xung kích tối thiểu dưới dạng pháo cỡ nhỏ hoặc súng máy.
Loại xe được trang bị pháo cỡ trung bình và súng máy cỡ lớn nặng tới 20 tấn. Nó được thiết kế để hỗ trợ cho bộ binh.
Còn loại xe “hoành tráng” nhất có trọng lượng trong vòng 30 tấn. Nó chỉ nặng hơn một nửa trọng lượng của xe tăng chiến đấu chủ lực “Abrams” của Mỹ. Tuy nhiên, theo các nhà phát triển, nó có thể thay thế “Abrams” trên chiến trường.
Việc giảm trọng lượng và kích thước của cỗ xe tăng hứa hẹn đạt được là nhờ hai yếu tố. Bốn thành viên trong ê kíp được đưa ra khỏi chiếc xe tăng hiện đại, thể tích bên trong của xe tăng có thể được giảm xuống mức tối thiểu cần thiết để di chuyển các phần tử kết cấu chuyển động.
Ngoài ra, việc giảm trọng lượng đạt được là do giảm đáng kể độ dày của lớp giáp vốn được sử dụng trên các phương tiện bọc thép hiện đại chủ yếu để bảo vệ tổ lái.
Điều quan trọng nhất và phức tạp nhất trong việc xây dựng các tổ hợp này là thành phần “phi vật chất”. Đó là, các chương trình cho phép robot hoạt động độc lập trong hầu hết thời gian hoạt động mà chúng tham gia như một đơn vị chiến đấu.
Breaking Defense tuyên bố rằng các nhà phát triển RCV của Mỹ đã đạt được thành công đáng kể trong vấn đề này. Trong một cuộc hành quân, các xe này có thể chọn mục tiêu để tấn công, ẩn nấp sau các vị trí khuất của địa hình, hỗ trợ lẫn nhau, và thực hiện hầu hết những việc mà những lính bộ binh có thể làm, ngoại trừ việc sử dụng vũ khí vì đã có người điều khiển từ xa cho phép bắn vào các mục tiêu bằng radio.
RCV chỉ có được "giác quan của con người". Tức là, cỗ xe này quan sát môi trường bằng hệ thống theo dõi quang điện tử. Không có radar. Điều này được thực hiện để robot không bị tác động bởi các trường phát ra.
Nó có các cơ quan quan sát thụ động, bao gồm các cơ quan thụ cảm thính giác. Do đó, người máy định hướng trên địa hình gần giống như một người được trang bị thiết bị nhìn ban đêm. Hệ thống theo dõi quang điện tử RCV cũng phải có kênh hồng ngoại.
Dự án do Chuẩn tướng Richard Ross Coffman chỉ đạo. Ông ta nhấn mạnh rằng RCV không phải là phương tiện điều khiển từ xa, thực hiện mọi hành động dưới sự điều khiển của con người.
Đối với các phương tiện chiến đấu được tạo ra như một phần của dự án Mission Enabler Technologies - Demonstrator, cách tiếp cận này là không thể chấp nhận được. Bởi vì với một số lượng lớn xe bọc thép các loại hoạt động trên chiến trường, không thể chỉ định mỗi người điều hành một xe riêng.
Chương trình Demonstrato giả định sự hiện diện của một người điều hành, người này sẽ không đóng vai trò hướng dẫn, mà chỉ là nhà tư vấn. Còn các xe sẽ tự làm lấy mọi việc, nhưng trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, có thể cần đến sự giúp đỡ của con người. Tuy nhiên, đây là câu chuyện trong tương lai, vì người ta mới chỉ đưa những trí tuệ nhân tạo sơ khai vào xe RCV.
Ông Coffman nói rằng có một số trường đại học đang tham gia vào dự án. Ông coi việc tạo ra thị giác hiệu quả của xe là một chiến thắng lớn. “Tôi đã đến Đại học Carnegie Mellon, nơi có một nhóm các chuyên gia quân sự về trí tuệ nhân tạo đang nghiên cứu.
Cách đây 8 tháng, tôi đã thách thức họ thả robot ra và để nó xác định mục tiêu, và nó phải di chuyển mà không cần sự trợ giúp của radar hoặc máy đo khoảng cách bằng laser”, Coffman nói.
Một vấn đề khó khăn hơn nữa là việc nhận dạng mục tiêu. Robot đầy hứa hẹn có thể phân biệt xe tăng “Abrams” của Mỹ với xe tăng T-72 của Nga cũng như xe Toyota thông thường với loại xe jeep của các chiến binh thánh chiến.
Và các lực lượng xe mặt đất phải có khả năng phân biệt được quân địch với quân ta và với dân thường trong cuộc hỗn chiến, và không phải nhờ các hình ảnh trinh sát rõ ràng từ trên không gửi xuống mà còn từ ngay ở mặt đất. Và điều này phải được thực hiện, cho dù kẻ thù có sử dụng các phương tiện ngụy trang, che giấu hình dạng dễ nhận biết.
Coffman cho biết: “Việc học các thuật toán để nhận dạng các loại xe là vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã thu thập và gắn thẻ hơn 3,5 triệu hình ảnh để sử dụng đào tạo trong các thuật toán.
Để thực hiện tất cả công việc này, một nhà phân tích được đào tạo bài bản phải đánh giá từng bức ảnh và cho máy tính biết đó là hình gì: một người đang ngồi hay đang di chuyển, đâu là xe tăng T-72, đâu là xe chiến đấu bộ binh, v.v."
Mỹ hiện đang bắt đầu hành trình tạo ra những chiếc xe bọc thép robot phù hợp với quân đội. Hai mẫu RCV thử nghiệm được chế tạo chưa phải là nguyên mẫu để sản xuất hàng loạt.
Đây mới chỉ là những nền tảng hoặc còn gọi là phòng thí nghiệm di động để chỉnh sửa phần mềm của các phương tiện chiến đấu trong tương lai. Coffman nói rằng kết quả có thể được sử dụng trong quân đội sẽ đạt được sau một vài năm nữa.
Hiện chưa có thông tin gì về các dự án đầy tham vọng như vậy của Nga. Tuy nhiên, Nga cũng đã từng có một cỗ xe tương tự, được gọi là tổ hợp robot chiến đấu đa chức năng “Uran-9”. Nhưng, khó có thể coi nó là một robot, vì nó chỉ là một phương tiện không người lái trên mặt đất được điều khiển hoàn toàn bởi con người.
"Uran-9" chạy bằng bánh xích. Nó được thiết kế cho cả việc trinh sát và hỗ trợ bộ binh. Nó được trang bị một khẩu pháo 30 mm và một súng máy 7,62 mm đồng trục, cũng như 4 tên lửa chống tăng “Attack” và súng phun lửa “Shmel”.
Loại xe này đã được thử nghiệm ở Syria và nhận được nhiều ý kiến, trong đó có một số nhược điểm không thể khắc phục được.
Ví dụ như nó không thể bắn khi đang di chuyển, chỉ có thể phát hỏa ở một vị trí tĩnh. Độ tin cậy của súng thấp. Và còn có một khoảng cách lớn giữa lệnh bắn và việc phát hỏa. Con lăn ở bánh xích thường xuyên hỏng hóc. Tốc độ thấp – chỉ 35 km / h. Hỏa lực thấp.
Ở chế độ trinh sát, camera ảnh nhiệt chỉ nhận diện được mục tiêu ở khoảng cách 2 km và trong điều kiện thời tiết xấu, khoảng cách này còn giảm xuống nữa. Kênh liên lạc giữa người điều khiển và robot không đáng tin cậy, mặc dù khoảng cách tối đa từ vị trí người điều khiển là 3 km.
Một phần đáng kể các nhược điểm đã bị loại bỏ. Và có thông tin rằng "Uran-9" đã được đưa vào biên chế. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga không mua loại xe này bởi vì ủy ban quân sự đã đi đến kết luận rằng các tổ hợp như vậy sẽ không thể tham gia vào các cuộc chiến trong vòng mười năm tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo