Mỹ lo lắng khi tuần dương hạm “khủng” nhất của Nga trở về Biển Đen?
Tuần dương hạm Nga đưa căn cứ Anh vào tầm ngắm / Tuần dương hạm Nga tập trận ngay sát lãnh hải Anh
Theo báo cáo ngày 3/5 của hãng thông tấn CCB News, tuần dương hạm tên lửa Moscow thuộc dự án 1164 Atlant lớp Slava (Vinh Quang) gần đây đã hoàn thành đại tu và đang quay trở lại Hạm đội Biển Đen, hoạt động vào ngày 9/5, kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tàu tuần dương Moscow lớp Slava (Vinh Quang). Nguồn: eastday.com. |
Con tàu này đã trải qua một cuộc nâng cấp “vô tiền khoáng hậu”, nó được kỳ vọng sau khi “vương giả” trở về, nó sẽ làm cho khả năng chiến đấu của Hạm đội Biển Đen bước sang một giai đoạn mới.
Theo các báo cáo, Nga hiện có 3 tuần dương hạm lớp Slava trong biên chế Hải quân Nga: Chiếc tuần dương hạm Moscow hiện tại là soái hạm của Hạm đội Biển Đen, tuần dương hạm Varyag là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, chiếc tuần dương hạm còn lại mang tên Marshal Ustinov hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc, cả 3 tàu này đều được chế tạo từ thời Liên Xô.
Giới quan sát cho rằng, Hải quân Nga đang có nhu cầu khẩn cấp các tàu mặt nước lớn, tuy nhiên do vấn đề khó khăn tài chính, nên các kế hoạch chế tạo tàu chiến mới của Nga cơ bản bị tạm dừng. Vì vậy, việc nâng cấp các tàu chiến này mang tính cách mạng khi mà tàu chiến Mỹ ngày càng bỏ xa tàu chiến của Nga.
Tuần dương hạm Varyag của Hải quân Nga. Nguồn: eastday.com. |
Tàu Moscow có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn, do thời gian phục vụ tương đối dài (38 năm), nên trang thiết bị của con tàu này cần phải trải qua một cuộc “cách mạng” mới, trong đó hệ thống dây điện, cáp nội bộ và trang thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường và cả hệ thống điện đều được thay thế.
Mặc dù tương đối cũ, nhưng con tàu này vẫn được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ trong tác chiến phòng thủ và tiến công. Nổi bật trong hệ thống vũ khí của tuần dương hạm này là 16 bệ phóng tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa P-500 Bazalt cải tiến (NATO gọi là SS-N-12 Sandbox), tầm bắn lên đến 550 km (700 km đối với biến thể cải tiến P.1000).
Tốc độ bay mach 2,5, được coi là một trong những vũ khí chống tàu ngầm và tàu sân bay hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 350 kiloton.
Tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa P-500 Bazalt. Nguồn: eastday.com. |
Chiến hạm này được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại S-300F có khả năng phòng thủ chống không kích trong phạm vi vài trăm km. Theo các tài liệu, 8 bệ phóng tên lửa đối không tầm xa S-300F (NATO định danh là SA-N-6 Grumble), tầm tác chiến chống máy bay là 150 km và 30 km chống tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, tuần dương hạm Moscow có khả năng tiêu diệt tàu địch ở ngay cửa ngõ vào Biển Đen.
Tàu còn được trang bị 5 ống phóng ngư lôi kép 533 mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Ngoài ra, nó cũng được trang bị hệ thống điều khiển điện tử tiến tiến gồm: radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800 Voshkod; radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA.
Bệ phóng tên lửa đối không tầm xa S-300F. Nguồn: eastday.com. |
Tàu tuần dương Moscow là tàu mặt nước lớn duy nhất trong hạm đội Biển Đen có lượng giãn nước hơn 10.000 tấn, khi được trở lại Hạm đội Biển Đen, ở một mức độ nhất định, sẽ cải thiện tình hình thụ động của Hải quân Nga trong cuộc đối đầu với Mỹ ở khu vực Biển Đen.
Bởi vì Nga luôn coi Biển Đen là một nửa vùng “nội thủy” của mình và muốn hạn chế sự hiện diện quân sự của các cường quốc ngoài lãnh thổ ở khu vực này, cho nên ngay từ năm 1936, Liên Xô đã ký Công ước Montreux. Nội dung Công ước quy định rõ, các tàu chiến của các quốc gia ngoài khu vực Biển Đen khi đến khu vực này hoạt động phải có những hạn chế.
Các tàu chiến ngoài khu vực mỗi lần qua các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ để vào Biển Đen chỉ được duy trì số tàu có tổng tải trọng không vượt quá 15.000 tấn; các tàu chiến dừng chân tại Biển Đen có tổng tải trọng không quá 30.000 tấn, và không được phép hoạt động quá 21 ngày.
Công ước Montreux là công cụ để Nga khống chế Biển Đen. Nguồn: eastday.com. |
Trong khi đó, các tàu chiến chủ lực của Mỹ, như tàu khu trục lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước từ 8.000 – 9.000 tấn, để có thể vào Biển Đen, mỗi lần hoạt động Mỹ chỉ được đưa 1 tàu khu trục lớp này, chưa kể đến việc tàu sân bay Mỹ không thể vào hoạt động tại Biển Đen.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, Hiệp ước này chỉ là một tờ giấy mang tính lịch sử và việc duy trì Hiệp ước phụ thuộc vào sức mạnh quân sự. Hiện nay, Mỹ thường đưa hơn hai tàu chiến vào Biển Đen và Nga cũng không có biện pháp nào để ngăn chặn. Do vậy, khi tàu tuần dương Moscow trở lại Biển Đen, tình hình phòng thủ thụ động của Hải quân Nga ở đây chắc chắn sẽ giảm bớt, đó là lý do tại sao Nga có hy vọng cao cho tàu chiến này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo