Mỹ - Na Uy bí mật nâng cấp hệ thống phòng không NASAMS theo 'kinh nghiệm Ukraine'
Bom hạt nhân B61-13 của Mỹ đắt hơn đúc bằng vàng / Nga dùng tổ hợp vũ khí điện từ Alabuga bí ẩn 'thiết lập lại' tiềm năng của NATO?
Tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS đã được Ukraine vận hành gần một năm và kinh nghiệm của Kyiv có thể ảnh hưởng sâu sắc đến những cải tiến tiếp theo đối với hệ thống vũ khí này.
Bộ Quốc phòng Na Uy cùng với Công ty RTX (Raytheon Technologies) của Mỹ và Kongsberg của Na Uy đã ký một thỏa thuận mới về hợp tác theo hướng nâng cao năng lực cho hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS.
Một tuyên bố như vậy đã được công bố vào hôm 31/10/2023, trên trang web của chính phủ Na Uy và thu hút sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông.
Tuy nhiên cho đến hiện tại, chưa có thông tin cụ thể cho biết hệ thống phòng không NASAMS cải tiến sẽ như thế nào - vẫn chưa biết liệu nó có khác biệt về hình dáng, được tự hành hóa hay một cải tiến nào khác.
Tuyên bố chỉ giới hạn ở những cụm từ chung chung như thỏa thuận "đặt nền tảng để tăng cường hơn nữa khả năng của hệ thống phòng không vốn đã mạnh mẽ và đã được chứng minh trên chiến trường như NASAM".
Ngoài ra thông báo còn cho biết: "Thỏa thuận hợp tác mới sẽ mở rộng khả năng của hệ thống phòng không NASAMS và cho phép nó theo kịp với các mối đe dọa phức tạp không ngừng phát triển".
Đồng thời ông Tom Laliberty - Người đứng đầu bộ phận Hệ thống phòng không và mặt đất của RTX lưu ý rằng "ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc củng cố di sản của NASAMS, với tư cách là hệ thống phòng không tầm trung hàng đầu thế giới".
Có thể giả định rằng hệ thống tên lửa phòng không NASAMS sẽ được cải tiến dựa trên kết quả sau quá trình sử dụng tích cực ở Ukraine để chống lại mối đe dọa từ tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái.
Hệ thống NASAMS đã được Lực lượng Vũ trang Ukraine vận hành trong gần một năm, lần đầu tiên việc sử dụng hệ thống phòng không này ở Ukraine diễn ra vào giữa tháng 11/2022.
Trong bối cảnh hiện đại hóa NASAMS, có một số tin tức đáng chú ý đã được nhắc lại, đó là hơn một năm trước, vào tháng 11/2022, Raytheon cùng với Kongsberg đã tiến hành một bài thử nghiệm đặc biệt.
Cụ thể, họ đã kiểm tra phiên bản hiện đại hóa của hệ thống phòng không NASAMS Mk 2 với 3 tên lửa khác nhau trong các bệ phóng, bao gồm AMRAAM-ER, AIM-120 AMRAAM và AIM -9X Sidewinder Block II (tầm bắn tối đa 20 km).
Đồng thời, điểm mấu chốt của các bài thử nghiệm này là hệ thống điều khiển hỏa lực Raytheon Solipsys chỉ đưa ra gợi ý về việc lựa chọn tên lửa để tiêu diệt một số mục tiêu nhất định trên không và quyết định phóng tên lửa là do người điều khiển.
Bên cạnh đó vào tháng 5/2023, Kongsberg đã tổ chức buổi trình diễn đầu tiên đối với hệ thống phòng không tầm ngắn, được chế tạo trên khung gầm ACSV G5 của công ty FFG của Đức, sử dụng tên lửa IRIS-T và một số thành phần từ NASAMS.
Cần nhắc lại, tổ hợp NASAMS có thiết kế module và bao gồm trạm chỉ huy, radar AN/MPQ-64F1 Sentinel, các cảm biến và một số bệ phóng. Nhiều thiết bị có thể được nối mạng để "đảm bảo độ trễ tối thiểu trên khoảng cách xa và tối đa hóa hiệu suất hệ thống".
End of content
Không có tin nào tiếp theo