Mỹ nghiên cứu phát triển súng và đạn bộ binh mới
Lai lịch khẩu tiểu liên "lạ" của nữ Đặc công Việt Nam / Thổ Nhĩ Kỳ đưa đề xuất xoa dịu căng thẳng S-400, Mỹ thẳng thừng từ chối
Lịch sử
Nhiều tài liệu cho biết, Quân đội Mỹ đã nỗ lực nhiều năm để tìm kiếm một cỡ trung gian giữa hai cỡ đạn 5,56 và 7,62 mm. Năm 2008, Tiến sĩ Roberts - một chuyên gia về đạn đạo và là cựu sĩ quan Hải quân, trong buổi thuyết trình tại Diễn đàn Hệ thống Vũ khí của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ - đã chỉ ra những điểm yếu cố hữu của vũ khí và đạn dược đang được các lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng.
Roberts đã trích dẫn các thử nghiệm của Quân đội Mỹ trong những năm 1920, qua đó, họ đã chọn cỡ đạn 0,276 inch Pederson (7x51 mm). Nhưng việc sản xuất súng trường Garand T3E2 cùng với cỡ đạn trên đã bị hoãn lại và thay thế bằng việc sử dụng súng máy có cỡ đạn 0,3 inch (7,62×33 mm) vì Mỹ vẫn còn dư thừa loại đạn này từ Thế chiến I. Sau Thế chiến II, Mỹ đã phát triển đạn T65 (7,62x51 mm), có các đặc điểm gần như giống với đạn 0,30 inch-06 Springfield (7,62x63 mm) đã được kiểm chứng trong các trận chiến trước đó.
Sau đó, các đồng minh của Mỹ trong khối quân sự NATO đã phải chấp nhận nó thành đạn tiêu chuẩn thay vì các lựa chọn cỡ đạn trong khoảng 6,8 và 7 mm. Vào cuối những năm 1950 một thay đổi lớn diễn ra khi một mẫu súng trường hạng nhẹ đã được chấp thuận sử dụng cỡ đạn 5,56x45 mm, theo mẫu đạn 0,223 inch Remington - thường được sử dụng để săn bắn ở Mỹ.
Vào thời điểm đó, các viên đạn nhẹ, tốc độ cao được cho là bắn chính xác hơn, gây ra vết thương trầm trọng hơn do đường di chuyển trong mục tiêu và các mảnh vỡ đầu đạn - hiệu ứng có tên là sốc thủy tĩnh, mặc dù một số chuyên gia đã tranh cãi cả hai giả thiết về hiệu quả của đạn đó.
Đến năm 2002, các nhà nghiên cứu vũ khí của Quân đội Mỹ lại phải xem xét lựa chọn cỡ đạn trung gian giữa 5,56 và 7,62 mm sau khi họ nhận được rất nhiều phản ánh về hiệu quả của loại đạn 5,56 mm tiêu chuẩn được sử dụng trong chiến đấu vào thời điểm đó.
Thời khắc chuyển đổi
Theo quan chức phụ trách bộ phận phát triển lực lượng tại Lầu Năm Góc, yêu cầu cần phải gây sát thương các mục tiêu mặc áo chống đạn phát sinh trong điều kiện hiện đại và yêu cầu thực tế về sát thương tầm xa phát sinh từ chiến trường Afghanistan - nơi lính Mỹ phải chiến đấu với khoảng cách từ đỉnh núi này đến đỉnh núi khác trong một không gian rộng.
Sau nhiều tin đồn, tháng 3/2018, Quân đội Mỹ xác nhận Chương trình Vũ khí cấp tiểu đội thế hệ mới (Next Generation Squad Weapons - NGSW) sẽ sử dụng cỡ đạn 6,8 mm, có vỏ polymer hoặc không vỏ. Việc chuyển đổi từ cỡ đạn 5,56x45 mm sang cỡ đạn 6,8 mm đồng nghĩa với việc loại biên súng M16, M4 Carbine và trung liên M249. Sau hơn nửa thế kỷ sử dụng M16 hoặc các biến thể của nó, binh sĩ Mỹ có thể sẽ có súng cá nhân mới bắn đạn 6,8 mm vào năm 2020.
Trong thông báo gửi các nhà thầu, Quân đội Mỹ yêu cầu họ phải cung cấp hai biến thể súng sử dụng đạn tiêu chuẩn 6,8 mm và một hộp tiếp đạn có thể sử dụng chung cho cả hai. Mẫu yêu cầu đầu tiên là tiểu liên NGSW, sẽ thay thế M4/M4A1 Carbine hiện tại; mẫu thứ hai là trung liên NGSW-AR để thay thế cho súng M249 ở cấp Lữ đoàn. Thông báo trên được đưa ra vào tháng 3/2018, thời gian phát triển chỉ có 12 tháng, các mẫu súng sẽ phải xuất hiện vào tháng 3/2019.
Tiểu liên sẽ kết hợp hỏa lực với độ chính xác, tầm bắn và tầm sát thương; có trọng lượng nhẹ; ít giật và ít phát lửa. Súng trung liên sử dụng chống lại các mục tiêu tầm gần, tầm trung và tầm xa trong mọi địa hình và điều kiện; đồng thời, sẽ tương thích với các thiết bị quang học và thiết bị nhìn đêm hiện có và có thể tích hợp với các phụ kiện và hỗ trợ cải tiến, tiên tiến hơn về sau… Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến đặt hàng tổng số 85.986 súng, giai đoạn đầu là 17.972 khẩu.
Các nguyên mẫu phải bao gồm: vũ khí nguyên mẫu, 2.000 viên đạn, hệ thống điều khiển hỏa lực (ngày và đêm), một giá ba chân, bộ giảm âm, các công cụ và phụ tùng để hỗ trợ thử nghiệm khai hỏa 2.000 viên đạn. Chúng sẽ được đánh giá theo ba yếu tố: khả năng đáp ứng yêu cầu của Quân đội, tính khả thi (khả năng sản xuất vũ khí) và giá cả. Quân đội Mỹ xác nhận 5 công ty đã được chọn để sản xuất sáu mẫu cho chương trình NGSAR gồm SIG Sauer, FN America, Textron Systems, General Dynamics và PCP Tactical. Riêng Công ty FN đệ trình hai biến thể.
Quân đội Mỹ đưa ra các đặc điểm mong muốn cho NGSAR: trọng lượng: 12 5,4 kg trở xuống; trọng lượng hộp tiếp đạn: nhẹ hơn 20% hộp tiếp đạn hiện hành; dài: 35 inch (88 cm) hoặc ngắn hơn; tốc độ bắn: 60 viên mỗi phút với chế độ điểm xạ 3 viên trong 15 phút mà không cần thay nòng; độ tản mát của đạn: bán kính trung bình 7 inch (18 cm) với chế độ bắn bán tự động và 14 inch (36 cm) với chế độ tự động ở khoảng cách 400m; âm thanh (không dùng giảm thanh) - 140 decibel hoặc bé hơn; khả năng điều khiển vũ khí: người lính sử dụng súng với kính ngắm quang học ở mục tiêu 50m khai hỏa ở chế độ từ 3 đến 5 viên phải có thể thực hiện chỉ trong 2 - 4 giây, và có tỉ lệ chính xác vào khoảng 70%; yêu cầu về tính sát thương: không được công bố.
Chương trình NGSAR nhằm mục đích mang lại một cỡ đạn mới và súng mới sẽ bắn mạnh hơn, xa hơn và độ chính xác cao hơn... Giữa năm 2019, các nguyên mẫu của vũ khí sẽ sẵn sàng cho thử nghiệm; cuối năm 2019, một hệ thống ngắm quang học và tầm nhiệt ban đêm tiên tiến, vượt xa trang bị của các đối thủ tiềm năng trong nhiều năm tới, sẽ được đưa vào trang bị.
Theo Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ - Tướng Milley, đây là vũ khí của tương lai, hệ thống nhận biết mục tiêu được tích hợp không giống với các trang bị hiện có, rất tinh vi và cũng rất bền, chịu được mọi sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình và việc sử dụng liên tục của người lính..., hơn bất kỳ vũ khí cá nhân nào đã được sản xuất trên thế giới.
Mặc dù đây là chương trình của Lục quân, Thủy quân Lục chiến và các Lực lượng đặc nhiệm cũng tham gia vào việc cung cấp đánh giá, nhận xét về vũ khí và sẽ nhận được vũ khí mới khi được sản xuất đại trà. Thủy quân lục chiến có lẽ là đơn vị sẽ được trang bị đầu tiên với hàng nghìn khẩu súng đi kèm thiết bị nhìn đêm mới vào năm 2020.
End of content
Không có tin nào tiếp theo