Mỹ phát triển siêu tên lửa có tốc độ gấp 17 lần hiện nay?
F-35 Mỹ áp sát căn cứ không quân Nga tại Syria / Cảnh báo sức mạnh al Qaeda, thành công thỏa thuận Mỹ - Taliban vào diện nghi vấn
Không có lựa chọn nào khác
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, Tổng thống Donald Trump đã gọi tên lửa này là “siêu việt”. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, Mỹ phát triển tên lửa “siêu việt” vì không có sự lựa chọn nào khác. “Chúng ta có tên lửa bay nhanh gấp 17 lần. Chúng ta phải làm vậy để đối phó với các đối thủ”, tờ The Guardian dẫn lời Tổng thống Mỹ.
Đứng bên cạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định những gì ông chủ Nhà Trắng tuyên bố “là đúng”. Theo tờ Business Insider, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman dường như cũng xác nhận tuyên bố của Tổng thống Donald Trump khi viết trên mạng xã hội Twitter rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển một loạt tên lửa siêu thanh nhằm “đối phó các đối thủ”.
Lầu Năm Góc thực hiện một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh tại Hawaii hồi tháng 3-2020. Ảnh: www.defense.gov. |
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh giữa các cường quốc quân sự và Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đang bị tụt hậu trong cuộc đua này. Theo Sputnik, cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí siêu thanh. Hồi cuối năm 2018, Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh chiến lược Avangard, có tốc độ Mach 20 (gấp 20 lần vận tốc âm thanh) và có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 3.500 dặm. Cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “chưa một quốc gia nào có vũ khí siêu thanh, chứ đừng nói đến vũ khí siêu thanh liên lục địa” và “họ đang tìm cách bắt kịp chúng ta”. Với Trung Quốc, tạp chí National Interest cho biết, số lần thử vũ khí siêu thanh của quốc gia này trong năm 2018 còn nhiều hơn số lần thử của Mỹ trong một thập niên.
Trong khi đó, theo Sputnik, thừa nhận Mỹ chưa thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh, Lầu Năm Góc cho rằng Washington có thể sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể giành lại được vị trí dẫn đầu. Lầu Năm Góc đánh giá tốc độ phát triển công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh của Nga đã tạo ra “sự bất cân xứng trong khả năng chiến đấu” mà Washington cần phải khắc phục. Vì vậy, vũ khí siêu thanh đã được Lầu Năm Góc xác định sẽ là “ưu tiên nghiên cứu kỹ thuật cao nhất” của Bộ Quốc phòng Mỹ “để không phải nghi ngờ về khả năng duy trì vị trí thống lĩnh của chúng ta tại các chiến trường trong tương lai”.
“Bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”
Tạp chí National Interest cho biết, tên lửa siêu thanh có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường và có vận tốc lớn hơn Mach 5. Đây là “một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội”.
Không giống các tên lửa đạn đạo, các tên lửa siêu thanh không bay theo quỹ đạo hình parabol để có thể đoán trước mà đánh chặn. Để bắn hạ một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay hoàn toàn đủ khả năng nhắm trúng mục tiêu và “bắn một viên đạn bằng một viên đạn”. Nhưng đối phó với các tên lửa siêu thanh thì lại chẳng khác nào đang cố gắng “bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”. “Số lượng các hệ thống phòng thủ có khả năng làm như vậy là vô cùng ít. Các hệ thống ra-đa hiện tại cũng không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí ngay cả khi những người vận hành biết được về vụ phóng tên lửa siêu thanh thì các hệ thống ra-đa mặt đất hiện có cũng không thể phát hiện chính xác để cảnh báo cho hệ thống đánh chặn. Ngoài ra, mặc dù các tên lửa siêu thanh bay cao trong tầng khí quyển Trái Đất nhưng lại quá thấp để các hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo trong không gian hiện nay có thể phát hiện ra”, tạp chí National Interest khẳng định.
Chỉ là phóng đại?
Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, RT cho biết, ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã mỉa mai rằng, Moscow “xin đầu hàng”. “Chúng tôi chẳng thể làm được gì để chống lại siêu tên lửa này!”, ông Dmitry Rogozin viết trên trang mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, tờ Business Insider cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump dường như ám chỉ tới dự án các phương tiện lượn siêu thanh (HGV) mà Lầu Năm Góc đang theo đuổi. Theo chuyên gia Kingston Reif tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Mỹ, tốc độ “nhanh gấp 17 lần” mà ông chủ Nhà Trắng đề cập có thể là vận tốc ước tính của HGV-dao động trong khoảng Mach 5 và Mach 20. Tuy nhiên, tuyên bố tên lửa “siêu việt” có tốc độ bay nhanh hơn mọi loại tên lửa hiện nay là không chính xác. “Tốc độ được báo cáo của HGV (và tên lửa hành trình siêu thanh, vốn có tốc độ chậm hơn HGV) thực sự nhanh hơn so với các tên lửa mang đầu đạn thông thường phóng từ trên không và trên biển của Mỹ như AGM-158 JASSM và Tomahawk, vốn bay ở tốc độ cận âm. Tuy nhiên, HGV không thể bay nhanh hơn tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, vốn có tốc độ hơn Mach 20”, chuyên gia Kingston Reif nhận định. Trên thực tế, một ICBM của không quân Mỹ là LGM-30 Minuteman III có thể đạt tới tốc độ Mach 23.
Theo tờ Business Insider, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump dùng mỹ từ để nói về vũ khí siêu thanh của Mỹ. Hồi tháng 2 vừa qua, ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố Mỹ sở hữu “các tên lửa siêu nhanh” với tốc độ “nhanh hơn gấp 4, 5, 6 và thậm chí là 7 lần tên lửa thông thường”. “Sự ám ảnh về vũ khí siêu thanh của Tổng thống Donald Trump phản ánh sự cường điệu quá mức và hiểu lầm về giá trị, năng lực thực sự của vũ khí siêu thanh. Điều đó không chỉ xảy ra đối với Tổng thống Donald Trump mà còn được phản ánh trong nhiều cuộc thảo luận về những vũ khí này”, chuyên gia Kingston Reif nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này