Quốc tế

Mỹ quên nâng cấp lọc gió cho V-22 Osprey

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) vừa tiếp nhận những chiếc V-22 Osprey sau nâng cấp đầu tiên.

Đi tìm máy bay ném bom Mỹ được "réo tên" kinh hoàng nhất năm 2019 / Trực thăng Ka-52 Alligator Nga đuổi đánh máy bay Mỹ trên bầu trời Syria?

Những chiếc máy bay cánh lật V-22 Osprey này thuộc Chương trình hiện đại hóa (CC-RAM) của Bộ Quốc phòng Mỹ do nhà thầu Bell và Boeing thực hiện. Theo hợp đồng được ký kết, có tổng số 129 chiếc Osprey được nâng cấp lên chuẩn mới với nhiều trang thiết bị tối tân hơn.

Chương trình được hoàn thành trước khi kết thúc năm 2022. Sau khi nâng cấp, những chiếc V-22 được trang bị radar thế hệ mới thích nghi với hoạt động tại môi trường khắc nghiệt tại Syria, Iraq và Afghanistan. Cùng với đó là hệ thống màn hình buồng lái và một số thiết bị trong khoang điều khiển đều được thay mới.

Máy bay V-22 Osprey.

Máy bay V-22 Osprey.

Nội dung nâng cấp dành cho V-22 Osprey đã khá rõ ràng, tuy nhiên điều bất ngờ là gói nâng cấp này không hề đả động gì đến thiết bị lọc khí động cơ (EAPS) - đây là hệ thống được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn nhất trong thời gian qua với chiếc V-22 Osprey.

Thông tin này được chính Cơ quan Tổng thanh tra Lầu Năm Góc (OIG) công bố hồi cuối tháng 11/2019. Theo OIG, thiết bị EAPS trên V-22 Osprey đã không được thiết kế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất động cơ Roll-Royce để bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động ổn định ở điều kiện nhiều cát bụi như ở sa mạc hay môi trường tác chiến ở Trung Đông.

Loạt vấn đề với thiết bị EAPS và cả động cơ là nỗi ám ảnh V-22 Osprey, gây ra nhiều tai nạn chết người trong vòng 10 năm qua. Hải quân Mỹ hai lần thiết kế lại EAPS vào năm 2010 và 2011, nhưng đều không thể giải quyết dứt điểm lỗi của bộ phận này. Các chuyên gia lo ngại nỗ lực sửa lỗi lần thứ ba cũng không bảo đảm dòng Osprey có thể hoạt động được trong môi trường sa mạc.

"Lần tái thiết kế này giúp tăng khả năng lọc cát bụi khỏi luồng khí đầu vào động cơ V-22 Osprey so với mẫu EAPS nguyên bản. Nhưng lượng cát bụi còn lại vẫn nhiều gấp 4 lần tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Những rủi ro khi vận hành V-22 Osprey vẫn chưa được khắc phục triệt để, bất chấp những nỗ lực cải tiến thiết bị EAPS gần 10 năm qua", báo cáo của OIG có đoạn.

 

Do thiết kế với 2 cánh quạt của chiếc Osprey tạo ra lực đẩy rất lớn, giúp phi cơ có thể cất hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn như trực thăng. Nhưng chính thiết kế này đã thổi cát bụi lên không và bao phủ toàn bộ máy bay khi hạ cánh ở sa mạc, làm giảm tầm nhìn và công suất động cơ, có thể dẫn tới mất lực nâng khiến máy bay rơi.

Nếu may mắn không bị rơi, sỏi đá, cát bụi trong luồng khí cũng mài mòn, làm hư hại lá cánh turbine và thành động cơ. Những loại cát chứa kim loại kiềm có thể bị nóng chảy bởi nhiệt độ cao trong động cơ, gây kết dính các bộ phận nhạy cảm và khiến chúng ngừng hoạt động.

Đây chính là lý do khiến V-22 Osprey bị tai nạn nhiều nhất trong suốt thời gian hoạt động. Một chiếc Osprey rơi ở Hawaii hồi tháng 5/2015 khiến hai lính thủy quân lục chiến thiệt mạng và 20 người bị thương. Hải quân Mỹ phát hiện vấn đề của EAPS và bắt đầu thiết kế lại bộ phận này từ năm 2010.

Khi đó, mỗi chiếc V-22 được đánh giá đủ sức hoạt động 500 giờ trước khi phải đổi bộ lọc, nhưng con số thực tế khi vận hành ở sa mạc chỉ là 200 giờ. Máy bay Osprey từng 8 lần gặp sự cố đột ngột mất lực đẩy trong giai đoạn 2008-2015. Dù những sự cố này không dẫn tới tai nạn rơi máy bay, chúng vẫn cho thấy động cơ của V-22 đã xuống cấp nhanh chóng.

Hàng loạt chương trình chỉnh sửa động cơ và EAPS được đề xuất sau đó đều không mang lại kết quả như mong muốn. "Không một mẫu đất đá nào trong thử nghiệm phù hợp với điều kiện tự nhiên trên thế giới. Hải quân chỉ kiểm tra EAPS với 100% cát hoặc 100% bùn, trong khi các loại đất trên thế giới được cấu thành chủ yếu bởi cát, bùn và đất sét", OIG tiết lộ.

 

Và trong chương trình nâng cấp mới đang thực hiện, việc thay thế EAPS cũng không được nhắc đến khiến những chiếc Osprey vẫn phải sử dụng EAPS trong thời gian tới và nguy cơ bị rơi vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm