Mỹ sắp đưa “Tia tử thần” lên máy bay chiến đấu
Tiêm kích F-15E của Mỹ mạnh ngang máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc / Phát hiện máy bay lạ tại căn cứ quân sự Nga ở Syria
Theo PMC, sau nhiều năm, cuối cùng Không quân Mỹ (USAF) đã quyết định đưa Tia tử thần (Death Rays) lên cho các chiến đấu cơ của không quân nhằm bảo vệ máy bay trước tên lửa đất đối không và không đối đất. Dự kiến sẽ có một cuộc thử nghiệm đầy đủ về hệ thống phòng thủ này trong năm 2024.
Tia tử thần hay vũ khí laser hiện đang được USAF thử nghiệm và lắp cho máy bay chiến đấu. |
Tia tử thần là gì?
Tia tử thần thực chất là Hệ thống phòng vệ bằng laser năng lượng cao (The Self-Protect High Energy Laser Demonstrator) hay SHiELD để giúp máy bay chiến đấu tự vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Nguyên thủy, SHiELD được dùng để bảo vệ những máy bay chiến đấu cũ, không có khả năng tàng hình để tránh sự phát hiện của đối phương. Khi được gắn trên thân hoặc cánh của máy bay chiến đấu, nó có thể bắn hạ tên lửa đất đối không và không đối đất.
Các máy bay chiến đấu hiện tại, phần lớn chỉ dừng lại ở việc sở hữu khả năng phòng thủ bị động trước một tên lửa đang lao tới.
Phi công có thể điều khiển máy bay tránh quỹ đạo của lên lửa, phóng pháo sáng để đánh lạc hướng chúng, hoặc rải các đám mây kim loại khiến tên lửa dẫn đường bằng radar không thể phát hiện mục tiêu.
Sóng điện từ của radar đối phương khi gặp các đám mây kim loại sẽ phản xạ gây ra các chấm trắng nhỏ li ti nhấp nháy trên màn hình của radar đối phương làm che lấp và lẫn tín hiệu mục tiêu thực.
Tia laser được xem là phương tiện phòng thủ tên lửa của máy bay chiến đấu. Vũ khí laser tạo ra những hiệu ứng khác biệt mà các loại vũ khí động năng hay vũ khí hóa học không thể có được.
Thực chất là sử dụng các xung ánh sáng tập trung để truyền năng lượng đến mục tiêu, nhanh chóng đốt nóng và phá hủy nó.
SHiELD cần đến giá treo nên có lẽ phù hợp hơn với những dòng máy bay chiến đấu không có khả năng tàng hình như F-15E, F-15C,F-15EX Eagle, F-16 Fighting Falcons và thậm chí cả “thần sấm” A-10C Warthog.
Về lý thuyết, thay vì mang thêm một quả bom hay một tên lửa, việc mang được hệ thống laser sẽ giúp chúng bắn hạ bất cứ tên lửa nào của đối phương đang bay tới.
SHiELD, cùng với hệ thống bắn pháo sáng và thiết bị gây nhiễu một ngày nào đó có thể được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo R2D2 để bảo vệ máy bay khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và giúp phi công tập trung hoàn thành các nhiệm vụ khác.
Laser sẽ là vũ khí hữu ích trên không trung. Nó có thể được kích hoạt bởi động cơ của máy bay, giúp loại bỏ nhu cầu về tích trữ đạn dược trên máy bay và cung cấp số lượng phát bắn không giới hạn về mặt lý thuyết. Các tia laser di chuyển với tốc độ ánh sáng, khiến tên lửa đạn đạo của đối phương khó bề né tránh.
Theo USAF, SHiELD hiện đang được xây dựng tại Căn cứ Không quân Kirtland, New Mexico. Nếu thành công, một trong những hậu duệ của SHiELD sẽ bảo vệ các máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu và máy bay giám sát cũ của USAF để tránh các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Hệ thống SHiELD đã được USAF hợp tác với Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman phát triển. Bao gồm ba hệ thống con chính bao gồm bản thân vỏ, điều khiển tia laser và chùm tia.
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL) đã nhận được một hệ vũ khí SHiELD trong tháng 2/2021, hai hệ thống còn lại sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Tên lửa chiếm ưu thế trong tác chiến không đối không hiện đại. Máy bay sẽ trở thành miếng mồi cho tên lửa đất đối không và không đối đất, cả hai đều bay với tốc độ Mach 2+ để đuổi kịp và đánh chặn máy bay.
Những tên lửa này bay quá nhanh nên các loại súng thông thường khó có thể theo dõi và tiêu diệt chúng một cách đáng tin cậy, đặc biệt là tác động không nhỏ bởi tác động của gió, trọng lực và các yếu tố khác.
So với vũ khí thông thường, laser lại miễn nhiễm với các yếu tố nói trên mặc dù nó không có tốc độ như đạn đạo, nhưng có thể đạt tốc độ cực cao, 186.000 dặm mỗi giây (khoảng 300.000 km) theo một đường thẳng hoàn hảo, đặc biệt, không giới hạn số lần bắn.
AFRL cho biết SHiELD là “sát thủ trên không” có thể gắn trên thân hoặc cánh của máy bay chiến đấu. thực chất, SHiELD là một trình diễn công nghệ, có nghĩa, nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy trong chiến đấu.
Nhưng nếu thành công, sản phẩm cuối sẽ là một tia laser gắn trên gắn trên thân hoặc cánh của máy bay chiến đấu của USAF. Các chiến đấu cơ cũ hơn như F-15 và F-16 có thể mang vũ khí laser để chủ động bảo vệ trước tên lửa của đối phương.
Trong khi đó, các máy bay vận tải như C-17 Globemaster III, các máy bay tiếp dầu như KC-135 Stratotanker và KC-46 Pegasus, và thậm chí cả các máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không như E-3 Sentry cũng có thể được trang bị vũ khí này để bắn hạ tên lửa đối phương ngay từ đầu.
Những hạn chế của vũ khí laser
SHiELD là hệ thống lắp trên giá treo. Điều này đồng nghĩa cần đến một giá treo lắp bên ngoài máy bay chiến đấu thường để dự trữ bom, tên lửa hoặc cảm biến.
Hệ thống này khó tích hợp với các máy bay tàng hình như F-22 Raptor hoặc F-35 Joint Strike Fighter bởi việc lắp giá treo sẽ phá vỡ cấu trúc làm giảm tiết diện radar, giảm khả năng tàng hình của máy bay.
Cả hai dòng máy bay này có lẽ không cần đến vũ khí laser mới vì chúng được tích hợp sẵn công nghệ tàng hình để qua mắt tên lửa của đối phương.
PMC trích dẫn nhận xét của chuyên gia phân tích quân sự người Australia, J. Freedberg cho rằng, có rất nhiều thách thức mà vũ khí laser cần phải vượt qua để đạt được hiệu quả cao trong các cuộc không chiến.
Nhược điểm của vũ khí laser chính là hiệu ứng khí quyển, đặc biệt là hơi nước và các phần tử khói sẽ nhanh chóng làm loãng cường độ của tia laser. Tia laser càng truyền đi xa thì lại càng có cường độ yếu hơn.
Chưa hết, tia laser cần phải được chiếu vào tên lửa đang di chuyển nhanh trong thời gian đủ lâu mới có thể phát huy tác dụng.
Không giống như tên lửa vốn có đầu đạn nổ mạnh để hạ gục đối phương ngay lập tức, hệ thống vũ khí laser chiếu ra một luồng ánh sáng tập trung làm nóng mục tiêu cho đến khi chúng bị hỏng hóc hay phát nổ.
Trong trường hợp này tốc độ nhanh của tên lửa chính là thử thách đối với vũ khí laser, khiến chúng khó có thể bắn các chùm tia laser trong thời gian đủ lâu để đạt hiệu quả.
Trên thực tế, việc sử dụng hệ thống laser để bắn hạ tên lửa khó hơn so với tưởng tượng. Hệ thống phải tích hợp được các khả năng phát hiện, theo dõi và bắn hạ tên lửa đang bay tới.
Điều này đồng nghĩa, tia laser phải đủ mạnh để phá hủy các thiết bị điện từ của tên lửa, hoặc gây hư hại vỏ ngoài hay hệ thống kiểm soát của nó, khiến tên lửa không thể hoạt động được.
Công suất của ShiELD vẫn chưa được công bố, nhưng theo Defense News, mức công suất này vào khoảng hàng chục kilowatt.
Tương lai, một hệ thống vũ khí như SHiELD sẽ có mặt trên hầu hết các loại máy bay, giúp chúng có khả năng tự vệ tốt hơn.
Khi hệ thống vũ khí laser thực sự hoàn thiện và đủ mạnh, thì khả năng tấn công những mục tiêu lớn và phức tạp sẽ tăng gấp bội và có thể thay thế súng trở thành vũ khí phòng vệ lý tưởng.
Ví dụ, vào năm 2019, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống SHiELD bắn hạ một loạt các mục tiêu di động trên không, khiến giới quân sự lẫn dư luận không khỏi ngạc nhiên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo