Mỹ vừa kêu gọi ngừng bắn, vừa lên kế hoạch bán lô vũ khí hơn 700 triệu đô la cho Israel?
Không quân Mỹ lần đầu triển khai máy bay do thám MQ-4C Triton tới Nhật Bản / Chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ
Quân đội Israel nã đạn vào Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đan Mạch ở Copenhagen, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đang “nỗ lực suốt ngày đêm thông qua các kênh ngoại giao nhằm khôi phục hòa bình cho khu vực”.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu các bên tìm kiếm một lệnh ngừng bắn,” ông Blinken nói, đồng thời kêu gọi cả hai bên bảo vệ dân thường.
Hiện, cả Israel lẫn nhóm chiến binh Hamas đều chưa công khai bày tỏ mối quan tâm đến lệnh ngừng bắn. Nhưng hãng tin BBC hôm thứ Hai trích dẫn báo giới địa phương cho biết Hamas đã tiếp cận Israel để đề nghị ngừng bắn, và bị từ chối.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày Chủ nhật, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch không kích của quân đội nước này nhằm vào Dải Gaza sẽ tiếp tục được tiến hành ”toàn lực”, vì Israel muốn Hamas phải trả giá đắt.
Trong ba phiên họp gần đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Mỹ đã liên tục phản đối việc thông qua nghị quyết chung về tình hình Israel và Palestine, với lí do "muốn thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao của riêng mình."
Việc Mỹ từ chối ủng hộ tuyên bố của HĐBA đã nhận được sự khen ngợi từ Tel Aviv, trong đó Bộ Quốc phòng Israel Benny Gantz gửi lời “cảm ơn chân thành tới chính quyền Mỹ” vì đã “ngăn chặn tuyên bố bất công của HĐBA”.
“Lời chỉ trích nhằm vào Israel là đạo đức giả và gây bất lợi cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, Gantz nói thêm, cho rằng mục tiêu của Israel chỉ là “phá bỏ cơ sở hạ tầng chống khủng bố và bảo vệ người dân vô tội”.
Dù liên tục khẳng định muốn xoa dịu căng thẳng ở Dải Gaza, nhưng theo tờ Washington Post, chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy hợp đồng bán vũ khí lớn cho Israel.
Cụ thể, ngày 5/5, một tuần trước khi bùng phát giao tranh Hamas - Israel, chính quyền ông Biden được cho là đã chính thức thông báo với Quốc hội về kế hoạch bán số vũ khí trị giá 735 triệu đô la cho nhà nước Do Thái. Quốc hội Mỹ có 20 ngày để phản đối kế hoạch này. Phần lớn lô vũ khí là các loại bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM).
Từ thời Tổng thống Barack Obama đến nay, mỗi năm Mỹ viện trợ quân sự cho Israel khoảng 3,8 tỷ đô la.
Mặc dù sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel vẫn không thay đổi qua các thời Tổng thống gần đây, nhưng ngày càng có nhiều quan điểm phản đối từ phe Dân chủ về việc Washington sẵn sàng tài trợ cho hoạt động quân sự của Tel Aviv.
Hạ nghị sĩ Mark Pocan (đảng Dân chủ) cùng với hơn hai chục nghị sĩ khác đã yêu cầu Ngoại trưởng Blinken lên án việc Israel xây dựng các khu định cư và cưỡng chế trục xuất trên vùng đất Palestine tuyên bố chủ quyền. Ông Pocan cũng tuyên bố vào tuần trước rằng “viện trợ của Mỹ không nên được dùng để tài trợ cho các hoạt động quân sự của Israel.”
Quan điểm của Pocan nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật tên tuổi trong cánh tiến bộ của đảng Dân chủ. Nhưng lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại cả Hạ viện và Thượng viện vẫn kiên quyết ủng hộ Israel. Bản thân ông Biden trong chiến dịch tranh cử cũng hứa hẹn “cam kết không thể phá vỡ đối với an ninh của Israel”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo