Quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng

Dữ liệu kinh tế tháng 5 vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/6 cho thấy, nền kinh tế thứ hai thế giới không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng.

Trừng phạt của phương Tây không cản trở được Nga phát triển ở Bắc Cực / Đại tá Mỹ mô tả cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng 2 từ

Hoạt động sản xuất giảm tháng thứ hai liên tiếp, dịch vụ tăng trưởng chậm hơn so với tháng tư. Tình hình này làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy giảm phát.

Công ty sản xuất xe hơi Yi-zhuan, có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đang gặp khó khăn trong việc lấy lại các đơn hàng đã mất trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Doanh số tháng tư của công ty có tăng trưởng nhưng không cao như kỳ vọng.

Ông Yu Xiongli - Phó Tổng Giám đốc, Công ty Yizhuan: "Công ty vẫn đang trong quá trình phục hồi, có thể thấy điều đó từ việc doanh số bán hàng của chúng tôi đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ với tỷ lệ phần trăm ở mức một con số. Tốc độ tăng trưởng khá chậm".

Trong tháng 5, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với tháng tư. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số PPI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này phản ánh nhu cầu yếu đối với nền kinh tế hàng hóa Trung Quốc.

Ông Fu Linghui - Người phát ngôn, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc: "Việc chỉ số PPI suy giảm nhanh hơn chủ yếu do tác động tổng hợp của nhiều yếu tố trong và ngoài nước và nền tảng cao trong cùng kỳ năm ngoái. Thứ nhất là ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay chậm lại, giá năng lượng quốc tế và hàng hóa bán buôn khác nhìn chung đã giảm, điều này dần cho thấy tác động đối với Trung Quốc. Thứ hai, nhu cầu trong nước đối với một số ngành vẫn thấp. Thép, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác có đủ năng lực sản xuất, nhưng nhu cầu thị trường vẫn đang trong quá trình phục hồi và giá cả liên quan đang giảm. Thứ ba, nhu cầu thị trường quốc tế đối với một số sản phẩm xuất khẩu còn yếu".

Nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Doanh thu bán lẻ, thước đo quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng tăng 12,7%, không đạt mức dự báo tăng 13,6% và giảm tốc so với mức tăng ghi nhận trong tháng tư. Giới phân tích cảnh báo rằng mức tăng trưởng thực tế có thể yếu hơn nhiều, vì cơ sở so sánh là mức rất thấp của năm 2022 khi nhiều thành phố của Trung Quốc đang phải phong tỏa chống dịch.

Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ trong quý 1 năm nay nhờ việc mở cửa và dỡ bỏ chính sách zero-Covid. Tuy nhiên, làn sóng phục hồi thứ hai vẫn chưa diễn ra như mong đợi do các yếu tố thu nhập và tâm lý của người tiêu dùng.

Anh Xue Liang - Nhân viên công nghệ thông tin: "Bây giờ tôi phải đắn đo nhiều khi tiêu tiền, ví dụ như trong việc mua bất động sản, bởi vì nó liên quan đến một số tiền lớn. Mọi người trở nên thận trọng hơn và tránh bỏ ra tất cả tiền tiết kiệm của mình. COVID-19 và những biến động của tình hình quốc tế khiến chúng tôi rất lo lắng".

Chi tiêu bán lẻ phục hồi chậm hơn dự kiến còn do nỗi lo nợ nần và khả năng mất việc làm của người dân. Một cuộc khảo sát của Chính phủ Trung Quốc vào tháng tư cho thấy số liệu kỷ lục: cứ 5 lao động trẻ ở các thành phố thì có 1 người thất nghiệp. Nhiều tổ chức tài chính và kinh tế uy tín đều hạ dự báo tăng trưởng năm nay của đất nước tỷ dân.

Nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng - Ảnh 2.

Các biện pháp kích thích kinh tế

Trong một động thái thể hiện sự lo ngại về đà phục hồi kinh tế đang chững lại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 15/6 đã có đợt giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tuần, đồng thời cũng bơm hàng tỷ Nhân dân tệ vào các thị trường tài chính.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đối với chương trình cho vay trung hạn kỳ hạn 1 năm, đánh dấu lần đầu tiên giảm lãi suất này trong vòng 10 tháng.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cung cấp lượng vốn trị giá 237 tỷ NDT (33 tỷ USD) cho các ngân hàng nhằm duy trì mức thanh khoản đủ và hợp lý trong hệ thống ngân hàng.

Lãi suất cho vay trung hạn thấp hơn sẽ giúp giảm chi phí đi vay của các ngân hàng thương mại, từ đó khuyến khích các thể chế này cho vay nhiều hơn và có thể thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trong nước.

Động thái này được cho là chỉ dấu cho cho việc giảm lãi suất cơ bản. Mức ấn định lãi suất cơ bản sẽ được công bố vào thứ Ba tuần tới (ngày 20/6). Những nỗ lực này của Trung Quốc trái ngược với Mỹ và các nước phương Tây khác, khi các nước này buộc phải nâng lãi suất nhiều lần, đồng thời giảm nguồn cung tiền để kiềm chế lạm phát.

Nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng - Ảnh 3.

Ông Wen Bin - Nhà kinh tế trưởng, Ngân hàng Minsheng, Trung Quốc: "Các kinh nghiệm trước đây cho thấy, sau việc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn sẽ là giảm lãi suất cơ bản. Động thái này sẽ tạo ra một môi trường tiền tệ và tín dụng lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phục hồi vững chắc hơn của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay".

ÔngZzhang Ning - Nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng UBS: "Hiện tại, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang không như mong đợi. Đó là lý do tại sao cần phải phục hồi nhu cầu trong nước. Cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung để vực dậy không chỉ lĩnh vực bán buôn, mà còn cả khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là để tăng cường niềm tin cho thị trường".

Các số liệu kinh tế Trung Quốc, từ các cuộc khảo sát về sản xuất đến thương mại, đầu tư, tăng trưởng tín dụng và doanh số bất động sản đều cho thấy dấu hiệu của một nền kinh tế đang yếu đi. Điều này củng cố khả năng Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu để vực dậy nền kinh tế. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cân nhắc một gói kích thích kinh tế bao gồm cách biện pháp hỗ trợ trên quy mô lớn. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có thể thảo luận về các chính sách này vào ngày 16/6, nhưng chưa rõ thời gian công bố chính thức và khi nào gói kích thích này sẽ có hiệu lực.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm