Quốc tế

Nga cảnh báo đáp trả việc Mỹ đưa tên lửa tới châu Âu

Một quan chức ngoại giao cấp cao Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa Aegis Ashore MK41 tại châu Âu.

Đã mắt với màn phô diễn sức mạnh của tiêm kích F-2 Nhật Bản / Phòng không Syria báo động khi Israel nhận thêm tiêm kích tàng hình F-35

Hệ thống Aegis Ashore tại Romania (Ảnh minh họa: Navy.mil)
Hệ thống Aegis Ashore tại Romania (Ảnh minh họa: Navy.mil)

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 26/11 cảnh báo rằng việc Mỹ muốn rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung INF có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định tại châu Âu.

Ông Ryabkov cho biết Nga rất quan ngại rằng sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể triển khai hệ thống tên lửa Aegis Ashore MK41 tới các đồng minh tại châu Âu. Trước đó, Mỹ nhiều lần bác bỏ họ có kế hoạch này.

Ông Ryabkov khẳng định Nga cởi mở trong việc đàm phán với vấn đề hiệp ước INF với Mỹ nhưng Moscow vẫn hoài nghi về thông tin Mỹ mang tên lửa tới châu Âu.

“Chúng tôi đã nghe nói về việc Mỹ bác bỏ điều này, nhưng chỉ có vậy. Trong thực tế, các kế hoạch thường xuyên thay đổi. Chúng tôi không muốn thất vọng một lần nữa với Mỹ và vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch quân sự đáp trả trong kịch bản tồi tệ nhất”, ông Ryabkov nói, ngầm nhấn mạnh Nga đã có biện pháp đối phó khi tên lửa Mỹ xuất hiện ở châu Âu.

Quan chức Nga cảnh báo rằng nếu Mỹ thực thi kế hoạch trên, điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm vì những hệ thống hỏa lực của Mỹ có khả năng tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng phát biểu rằng ông không tin Mỹ sẽ triển khai tên lửa mới ở châu Âu trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói vẫn còn một quãng đường dài để Mỹ dẫn tới quyết định trên.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng Moscow sẽ buộc phải đáp trả bất cứ quốc gia châu Âu nào đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống tên lửa tầm trung.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ, yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thường tầm ngắn và tầm trung từ 500km đến 5.500km của cả hai quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, Mỹ và Nga đã không ít lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước. Ông Trump và ông Putin dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina trong vài ngày tới.

Aegis Ashore là biến thể trên đất liền của hệ thống chiến đấu Aegis tích hợp trên tàu chiến. Nó bao gồm hệ thống radar, các máy tính và hệ thống tên lửa.

 

Theo các chuyên gia quân sự, các bệ phóng Mk 41 của tổ hợp Aegis Ashore ngoài việc có thể triển khai tên lửa Standard Missile 3, thì còn có thể tích hợp được tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn khoảng 2.500km. Vì vậy, Nga coi đây là mối đe dọa tới các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của họ nếu Aegis xuất hiện ở châu Âu.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm