Quốc tế

Nga đe dọa sẽ trả đũa hạt nhân ồ ạt nếu bị Mỹ tấn công bằng vũ khí mới

Nga cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Mỹ, dù thông số thế nào, thì vẫn sẽ được coi như một cuộc tấn công hạt nhân.

Bị Iran tấn công tên lửa, 110 lính Mỹ sốc nặng, cấp cứu khẩn và được... thưởng huy chương? / Tiêm kích Anh "uy hiếp nghiêm trọng" máy bay săn ngầm Nga

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư (29/4) đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Mỹ về việc triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp, đồng thời cảnh báo bất cứ một nỗ lực sử dụng vũ khí nào như vậy chống lại Nga cũng sẽ kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân toàn diện.

Trong một báo cáo đưa ra hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc trang bị đầu đạn hạt nhân công suất thấp cho các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sẽ giúp chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn mới từ Nga và Trung Quốc.

Đặc biệt, Washington cáo buộc Moscow đang cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược như cách tạo sức ép trong một cuộc xung đột ở quy mô hạn chế, điều Nga đã nhiều lần phủ nhận.

Bộ Ngoại giao Mỹ lập luận rằng việc bổ sung đầu đạn mới sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân nhờ khả năng răn đe và bảo đảm được tăng cường. Tuy nhiên, Nga lại nhìn nhận vấn đề này theo một góc độ khác.

Nga đe dọa sẽ trả đũa hạt nhân ồ ạt nếu bị Mỹ tấn công bằng vũ khí mới - Ảnh 1.

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Wyoming của Hải quân Mỹ hoạt động trên biển Đại Tây Dương tháng 1/2008. Ảnh: US Navy

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Mỹ không nên xem các đầu đạn hạt nhân công suất thấp mới của mình như một công cụ linh hoạt có thể giúp ngăn chặn cuộc xung đột hạt nhân toàn diện với Nga.

"Bất kỳ cuộc tấn công nào liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Mỹ, cho dù thông số vũ khí của nó có như thế nào, thì cũng vẫn sẽ được coi như một cuộc tấn công hạt nhân", nữ phát ngôn viên Zakharova nhấn mạnh.

"Những ai thích đưa ra giả thuyết về tính linh hoạt trong tiềm năng hạt nhân của Mỹ cần phải hiểu rằng học thuyết quân sự Nga cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa trước những hành động như vậy”.

Zakharova tuyên bố, việc Mỹ triển khai các đầu đạn hạt nhân công suất thấp là động thái gây bất ổn và sẽ dẫn đến kịch bản "hạ thấp ngưỡng hạt nhân".

Nga cho biết họ muốn gia hạn hiệp ước START mới năm 2010 nhằm hạn chế số lượng tên lửa, đầu đạn và máy bay ném bom hạt nhân được triển khai cùng với các chế độ kiểm tra nghiêm ngặt. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm tới.

 

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng họ muốn ký một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới gồm cả Trung Quốc, điều mà Nga gọi là phi thực tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm