Nga giễu F-35: Mất tiền mua ‘Lợn béo dị tật bẩm sinh’
Tiêm kích F-35 đối diện nguy cơ bị "khai tử" sớm / Tiêm kích Anh bay nhanh gấp hơn 3 lần F-35
Máy bay siêu đắt những không thể hoạt động
Mới đây, Lầu Năm Góc thừa nhận chỉ có một phần ba phi đội máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II là sẵn sàng cho các hoạt động thực chiến.
Theo đánh giá, tất cả những chiếc máy bay loại này đều mắc phải những "lỗi cơ bản" và ngày càng xuất hiện nhiều chiếc như vậy. Các chuyên gia quân sự Mỹ khẳng định, rõ ràng là có nhiều điểm không ổn với "tổ hợp hàng không quân sự tối tân" thế hệ mới này.
Chi phí của chương trình máy bay chiến đấu F-35 lên tới một con số kỷ lục là hơn 1 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, một phần đáng kể của quỹ đầu tư được chi cho tính năng "tàng hình". Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã hứa trả cho Lockheed Martin thêm 1,9 tỷ USD để hỗ trợ kỹ thuật.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ellen Lord cho biết, chỉ có 36% số F-35 có thể bay và có khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ chiến đấu. Phần còn lại "chỉ hoạt động một phần".
Chỉ số sẵn sàng chiến đấu thấp như vậy có liên quan đến các sai sót trong thiết kế và rõ ràng là các kỹ sư Mỹ không có khả năng khắc phục triệt để. Bản thân các chuyên gia Mỹ cũng lưu ý vấn đề về các khiếm khuyết cấu trúc của máy bay trong những năm gần đây đã trở thành thảm họa.
Vào đầu tháng 1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo việc sản xuất F-35 Lightning II đã bị hoãn chưa rõ thời hạn, do máy bay không sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm chính thức, đã nhiều lần bị hoãn lại. Vì vậy, số phận của nó sẽ còn ở tình trạng lấp lửng trong một thời gian dài.
Chi phí bỏ ra không tương xứng với số lỗi lên tới gần 900 của F-35, cùng với ngoại hình béo tròn của nó đã tạo ra những biệt danh hết sức buồn cười như: “Lợn béo”, “Máy bay đốt tiền”, “Máy bay nghìn lỗi”, “Máy bay đắt nhất mọi thời đại”…
Nga: Lợn béo nhiều ‘Dị tật bẩm sinh’
Bàn về vấn đề này trong bài viết trên trang web của hãng tin Nga Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho biết, F-35 đã gấp rút được đưa vào sử dụng để thay thế F-22 Raptor và giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc chỉ đơn giản là làm ngơ trước những sai sót của dự án.
Chuyên gia quân sự Nga lưu ý, báo cáo mới nhất của nhóm nghiên cứu Lầu Năm Góc đã tiết lộ về 871 khiếm khuyết.
Rất nhiều trục trặc đã bị phát hiện như: Các vấn đề liên quan đến lớp phủ, cung cấp oxy, hệ thống điều khiển gắn trên mũ bảo hiểm, thiết bị phần mềm và nhiều thứ khác…, chúng được phân loại thành những thứ có thể đe dọa tính mạng phi công và những thứ không quá nguy cấp.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Mỹ: F-22 Raptor và F-35 Lightning II |
Ví dụ như sau một số chuyến bay ở tốc độ siêu âm, lớp phủ của một số bộ phận thân máy bay đã bị hư hại, nhưng các kỹ sư Mỹ không thể loại bỏ khiếm khuyết này, vì vậy các máy bay chiến đấu mới nhất chỉ được phép bay "cận âm".
Một lỗ hổng khác là áp suất tăng mạnh và bất ngờ trong cabin, không chỉ gây đau đớn mà còn dẫn đến chấn thương sọ não cho phi công.
Một trường hợp khác là sau khi thực hiện một số thao tác trên không, máy bay đột nhiên bắt đầu “sống cuộc sống riêng”, không chịu nghe lệnh điều khiển của phi công (phần mềm).
Phiên bản trên hàng không mẫu hạm và tàu đổ bộ tấn công (F-35B/C) có vấn đề riêng là động cơ trong thời tiết nóng không cung cấp đủ lực đẩy cần thiết cho quá trình cất cánh và hạ cánh.
Chuyên gia Alexey Leonkov nhắc lại, F-35 không phải là sự phát triển đầy lỗi duy nhất của quân đội Mỹ. Có một thời, Lầu Năm Góc đã phải đau đầu với súng trường M-16, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, xe tăng Abrams; thế nhưng chúng vẫn được đưa vào sử dụng.
Chuyên gia Nga giải thích rằng, các cơ cấu vận động hành lang của giới công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn kiếm tiền bằng mọi cách, họ hoàn toàn không tính đến việc trong quá trình phát triển các thiết bị quân sự phức tạp, nhiều loại trục trặc khác nhau có thể phát sinh và phải được loại bỏ trong quá trình vận hành thử nghiệm.
Khách hàng trung thành bỏ tiền để mua tật!
Do đó, mặc dù vẫn còn đầy lỗi như vậy nhưng F-35 đã được triển khai thành công trên khắp thế giới. Không quân Mỹ và các quân đội đồng minh đã bổ sung khoảng 600 máy bay loại này (chủ yếu là F-35A).
Những chiếc F-35A đã bay ở Anh, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Singapore. Israel thông báo ý định mở rộng đội máy bay chiến đấu này lên 3 phi đội. Một trong những khách hàng mới nhất là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi sẽ mua khoảng 50 chiếc F-35.
Và bất kể tất cả những thiếu sót của nó, F-35 được bán ra với giá cắt cổ (một chiếc tiêu tốn của người mua khoảng 90 triệu USD với bản F-35A; bản F-35B và C thậm chí còn đắt hơn và các đối tác của Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn nữa cho gần 900 lỗi.
Chuyên gia quân sự tại câu lạc bộ phân tích Valdai là ông Artem Kureev, cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách ‘xuất khẩu an ninh’.
Khái niệm mới này là sự cố gắng tạo ra một hệ thống trong đó các đối tác liên minh cấp dưới của Hoa Kỳ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, chính họ cung cấp cơ sở hạ tầng cho Quân đội Mỹ ở nước họ và mua vũ khí của Mỹ. Thực tế, đây là một kiểu vận động hành lang cấp nhà nước.
Ông Artem Kureev nhận định, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ không từ bỏ một chính sách rất có lợi cho Hoa Kỳ trong lĩnh vực phòng thủ của đồng minh như vậy.
Do đó, F-35 sẽ vừa được Mỹ tinh chỉnh, sửa đổi, song song với việc giao hàng cho các đối tác Hoa Kỳ. Ngoài ra, có một số nước đã nhận thức được yêu cầu và yêu cầu có những cải biến riêng, ví dụ như Israel đồng ý mua hàng, nhưng yêu cầu thay thế một phần vũ khí và thiết bị điện tử (F-35I Adir).
Ngoài giá mua máy bay cơ sở, khách hàng phải trả thêm tiền cho riêng phần vũ khí trang bị, ví dụ như Ba Lan đặt mua 32 máy bay chiến đấu từ Mỹ với giá 4,6 tỷ USD. Ngoài chi phí bổ sung cho đạn dược đắt tiền, người Ba Lan cũng sẽ cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho F-35 trị giá hàng tỷ USD nữa.
Thực tế, F-35 chưa có nhiều сơ hội để thể hiện mình trong những trận chiến thực sự, chứ chưa nói đến những cuộc đấu với các đối thủ đồng hạng.
Năm 2018, F-35I Adir của Không quân Israel được tuyên bố là đã tấn công các mục tiêu ở Syria, sau đó ít lâu, các chiến đấu cơ F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ được báo cáo là đã tấn công vào các vị trí ở Afghanistan. Nhưng nhiều chuyên gia gọi những chiến dịch này chỉ là hành động PR mang tính phô trương của Lầu Năm Góc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo