Quốc tế

Nga không thể gây nhiễu đạn pháo Mỹ

Với dự án C-DAEM, những loại pháo như M109A6 Paladin và M777 có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác rất cao cách 70km dù bị gây nhiễu.

Romania kích hoạt hệ thống phòng không gần biên giới Ukraine / Quan chức quân đội Nga khẳng định không có kế hoạch tổng động viên mới

Theo New Scientist, quân đội Mỹ đang tìm kiếm nhà sản xuất cho dự án phát triển C-DAEM, loại đạn pháo 155 mm tự dẫn đường có thể bắn chính xác vào mục tiêu tĩnh và động dù bị gây nhiễu mạnh.

Lục quân Mỹ công bố dự án C-DAEM từ năm 2018, nhằm chế tạo loại đạn pháo chuyên diệt xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành đối phương.

"Thế hệ đạn pháo này có thể đạt sơ tốc đầu nòng cần thiết để bay xa 70 km với thuốc phóng thử nghiệm từ hệ thống pháo tăng tầm", lục quân Mỹ cho biết.

Đạn pháo 155mm của Mỹ.

Đạn pháo 155mm của Mỹ.

Pháo tăng tầm ERCA là dự án pháo tự hành cỡ nòng 155 mm nhằm giúp Mỹ bắt kịp với Nga và một số đối thủ, những nước sở hữu các dòng pháo tự hành có tầm bắn tối đa hơn 70 km, gần gấp đôi dòng pháo chủ lực M109 Paladin hiện nay của Mỹ.

"Việc pháo binh được sử dụng một cách phổ biến và đạt hiệu quả cao trên chiến trường Ukraine càng thúc đẩy Mỹ nâng cấp các loại pháo thông minh để không bị tụt hậu trong lĩnh vực này", Tướng James Rainey, chỉ huy Bộ tư lệnh Hợp đồng Tương lai của lục quân Mỹ cho biết.

Trước đó, vị tướng này đã tiết lộ Washington đang nghiên cứu chiến lược pháo binh mới được đúc rút từ kinh nghiệm tác chiến ở Ukraine và dự kiến công bố vào cuối năm nay.

 

Đánh giá về dự án C-DAEM, chuyên gia quân sự Michael Peck nói: "Nếu hoạt động được như thiết kế, đạn pháo C-DAEM có thể được dùng để tấn công các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ đối phương hoặc hoạt động gần tiền tuyến để yểm trợ bộ binh".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, C-DAEM có thể giải quyết một số vấn đề của pháo binh Mỹ, như cải thiện khả năng bắn trúng mục tiêu đang chuyển động ở khoảng cách xa và phân biệt địch - ta.

"Đạn pháo truyền thống không thể làm được điều này. Ngay cả các loại đạn dẫn đường bằng GPS như Excalibur 155 mm cũng gặp nhiều khó khăn để làm được điều đó", chuyên gia Mỹ cho biết.

C-DAEM còn có ưu điểm khác là nó có thể hoạt động hiệu quả ngay cả khi tín hiệu GPS bị nhiễu hoặc gián đoạn. Đạn pháo này có khả năng dẫn đường tự động, sử dụng cảm biến để phát hiện, xác định và tấn công mục tiêu, thay vì dùng tín hiệu định vị vệ tinh GPS hoặc tia laser để dẫn đường như một số dòng đạn pháo thông minh khác của Mỹ và Nga hiện nay.

Hồi năm 2018, một tài liệu của lục quân Mỹ cũng cho biết C-DAEM có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện môi trường và trước mọi biện pháp ngăn chặn qua mạng, gây nhiễu và làm mù của đối phương.

 

Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy, các loại vũ khí dẫn đường bằng GPS mà Mỹ cung cấp cho Kiev như pháo phản lực HIMARS và bom lượn JDAM đã không ít lần bị tác chiến điện từ của Nga gây nhiễu và vô hiệu.

C-DAEM cũng có thể mang tới lợi ích về chính trị cho Mỹ bởi C-DAEM có độ chính xác cao và tỷ lệ đạn không nổ rất thấp, ước tính khoảng 1% so với 20% của đạn chùm.

Theo chuyên gia Peck, Mỹ có thể chuyển giao đạn C-DAEM cho Ukraine thay vì đạn chùm, giúp Kiev duy trì năng lực pháo kích với độ chính xác và hiệu quả cao mà không bị chỉ trích bởi cộng đồng quốc tế.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm