Quốc tế

Nga siết 3 gọng kìm đẩy Ukraine vào thế nguy hiểm chưa từng thấy

Tiềm lực lớn về sản xuất quốc phòng được coi là lợi thế chiến lược của Nga, có thể quyết định cục diện xung đột vũ trang với Ukraine. Còn trên thực địa, quân đội Nga đang triển khai 2 gọng kìm thép từ phía Bắc và phía Đông. Nga đồng thời áp dụng gọng kìm “tâm lý chiến” bằng việc phô trương sức mạnh răn đe hạt nhân.

Tiêm kích Su-30SM2 như 'hổ mọc thêm cánh' nhờ tên lửa R-37M / Mỹ thừa nhận lỗ hổng của vũ khí trước các hệ thống tác chiến điện tử?

Nga duy trì đánh mạnh vào phòng tuyến Ukraine trên cả 2 hướng

Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 26/5 cảnh báo rằng Nga đang tập trung lực lượng gần biên giới hai nước để chuẩn bị cho một đợt tiến công mới tại khu vực Đông Bắc Ukraine. Ông Zelensky đưa ra thông tin này trong bài phát biểu bên trong đống đổ nát của một nhà xuất bản tại tỉnh Kharkov thuộc khu vực này.

Mặt khác, lực lượng Nga vẫn xốc tới ở tiền tuyến phía Đông, với thị trấn chiến lược Chasov Yar là một trọng điểm.

Tổng thống Zelensky nói: “Nga đang chuẩn bị cho hoạt động tấn công” ở nơi cách Kharkov 96km về phía Tây Bắc. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm, Moscow đang tập kết thêm “một nhóm binh sĩ nữa gần biên giới chúng tôi”. Ông không cung cấp thêm chi tiết về cuộc tấn công tiềm tàng này.

Nga đã gây bất ngờ cho Ukraine vào ngày 10/5 vừa qua khi binh sĩ Nga tràn qua biên giới Đông Bắc, đánh sâu vào phòng tuyến Ukraine và chiếm các ngôi làng gần biên giới. Diễn biến này đã buộc chính quyền Ukraine phải vội tăng viện cho mặt trận này để chặn đà tiến của quân Nga.

Xe tăng Nga nã pháo. Ảnh: TASS.

Xe tăng Nga nã pháo. Ảnh: TASS.

Theo bình luận của Tổng thống Zelensky, một mục tiêu cho Nga tiến công có thể là tỉnh Sumy ở Đông Bắc Ukraine. Tỉnh này từng chứng kiến hỏa lực qua lại xuyên biên giới nhưng chưa có cuộc tấn công trên bộ nào ở nơi đây kể từ khi quân Nga nỗ lực đánh chiếm thủ phủ cùng tên Sumy vào đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga (mở màn vào tháng 2/2022). Sau những cuộc giao tranh dữ dội khi ấy, quân Nga đã phải rút lui.

Trước đó, quân đội Ukraine cảnh báo về khả năng Nga mở một cuộc tấn công xuyên biên giới khác ở khu vực Đông Bắc.

Tuy nhiên, người phát ngôn của lực lượng biên phòng Ukraine, Andriy Demchenko, phát biểu trên truyền hình trong nước vào hôm 26/5 rằng dường như số lượng binh sĩ Nga tập trung gần biên giới là chưa đủ cho một cuộc tấn công lớn.

Song, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington) cho rằng ngay cả khi hoạt động quân sự của Nga gần biên giới chỉ tăng lên một cách hạn chế, thì điều đó “vẫn có thể gây hiệu ứng căng kéo lực lượng Ukraine dọc theo một mặt trận rộng lớn hớn” do Ukraine phải đề phòng những đòn đột kích bất ngờ từ phía Nga.

 

Chiến dịch tiến công của Nga vào tháng 5 này là sự kiện đáng kể nhất trong nhiều tháng giao tranh giữa Nga và Ukraine. Các chuyên gia quân sự cho rằng một trong những mục tiêu lớn của Nga là mở rộng chiều dài chiến trường (hiện đã ở mức hàng trăm kilomet), từ đó buộc Ukraine phải căng mỏng hơn nữa lực lượng của mình, giúp Nga tận dụng lợi thế về quy mô quân đội.

Chiến sự lúc lên lúc xuống kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022. Vào giai đoạn hiện tại, các lực lượng Ukraine đang phải phòng ngự trước quân Nga tiến công ở khu vực Đông Donetsk, ở miền Đông Bắc và cả ở tỉnh Zaporizhzhia (nằm về phía Đông Nam).

Như vậy, về mặt quân sự trên thực địa, Ukraine đang đối mặt đồng thời với cả 2 gọng kìm quân sự lớn của quân đội Nga.

Răn đe từ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ

Trong một chương trình truyền hình gần đây, Vladimir Solovyov - một nhà tuyên truyền người Nga, đồng thời là đồng minh của Tổng thống Nga Putin, khẳng định chắc nịch rằng “chiến tranh hạt nhân” là tất yếu.

Trước đó, các lãnh đạo Nga đã nhiều lần ám chỉ khả năng nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với Ukraine và NATO. Các phát biểu mới của ông Solovyov càng củng cố thêm các tuyên bố trước đó của giới lãnh đạo Nga.

 

Cũng trong tháng 5 này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng chính sách của Moscow về chiến tranh hạt nhân vẫn chưa thay đổi trong khi tình hình có nhiều biến đổi.

Còn ông Solovyov nói trên truyền hình: “Theo kiểu nào thì chiến tranh hạt nhân cũng khó tránh khỏi. Hãy so xem kho vũ khí chiến lược của ai lớn hơn”. Khi một người trong chương trình này nói rằng “không nên leo thang căng thẳng”, ông Solovyov đã đáp luôn rằng nếu mà như vậy thì sẽ bị coi là “yếu đuối”.

Đoạn clip phát biểu trên của ông Solovyov cũng đã được đăng tải trên mạng internet.

Không những vậy, vào ngày 21/5, Nga đã khởi động cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật để đáp trả điều mà Bộ Quốc phòng Nga gọi là “các tuyên bố khiêu khích và các mối đe dọa của giới chức phương Tây liên quan đến Liên bang Nga”. Đây là lần đầu tiên Nga công bố công khai việc tập trận bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Răn đe hạt nhân chính là gọng kìm thứ 3 hiện nay của Nga trong cuộc đối đầu với Ukraine - đất nước đã phi hạt nhân hóa vào năm 1991 và hiện trong tay không còn vũ khí hạt nhân nào.

 

Công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất đạn pháo vừa nhanh vừa rẻ

Một phân tích được chia sẻ với hãng truyền thông Sky News (Anh) cho biết, Nga đang sản xuất đạn pháo với tốc độ nhanh gấp 3 lần các đồng minh phương Tây của Ukraine, với chi phí chỉ bằng 1/4.

Các số liệu do hãng tư vấn quản lý Bain & Company trong phân tích trên đã nhấn mạnh thách thức lớn mà quân đội Ukraine đối mặt khi họ phải dựa vào nguồn cung đạn dược từ Mỹ và châu Âu để đương đầu với cuộc tiến công vũ trang của Nga.

Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã từ lâu được mô tả là “trận chiến hỏa lực” do số lượng lớn đạn pháo được sử dụng.

Thực tế này đã hối thúc Mỹ, Anh và các nước đồng minh châu Âu khác tìm cách đẩy mạnh năng lực sản xuất tại các nhà máy quốc phòng. Tuy nhiên, năng lực sản xuất đạn pháo của các nước này vẫn tụt lại phía sau Nga mặc dù sức mạnh kinh tế của các nước đó gộp lại lớn hơn của Nga.

Cụ thể, vẫn theo Bain & Company, dự báo năm 2024 này, các nhà máy Nga sản xuất hoặc bổ sung được khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo, so với khoảng 1,3 triệu quả đạn pháo do Mỹ và các nước châu Âu khác sản xuất trong cùng thời kỳ.

 

Xét về chi phí, NATO chi trung bình khoảng 4.000 USD cho việc sản xuất một quả đạn pháo 155mm, trong khi con số tương ứng cho mỗi quả đạn pháo 152mm mà quân đội Nga sử dụng chỉ là 1.000 USD.

Đối diện với thử thách này, giới quân nhân Ukraine cho biết họ buộc phải thành thạo kỹ năng xạ kích, để đạt hiệu quả cao trong mỗi phát bắn. Chẳng hạn, Thượng úy Kostiantin - chỉ huy một tiểu đoàn pháo binh thuộc Lữ đoàn 57 Ukraine đang chiến đấu với quân Nga ở Kharkov nói: “Thông thường, với 1, 2 hoặc 3 quả đạn, chúng tôi phải phá hủy hoàn toàn một mục tiêu”.

Mặc dù vậy, viên chỉ huy này cho rằng họ vẫn cần thêm nguồn cung đạn thì mới mong cản bước được quân Nga.

Đạn pháo dẫu vậy cũng chỉ là một phần trong những thiếu thốn của quân đội Ukraine. Sky News đã gặp các tân binh Ukraine và những người này cho biết, họ phải tập chay về cách sử dụng tên lửa chống tăng NLAW do Anh cung cấp lần đầu cho Ukraine. Những người lính nói rằng do thiếu thứ vũ khí này nên trên thao trường, họ sẽ giả vờ đang phóng tên lửa NLAW, đến khi tham chiến thật, họ mới được sử dụng tên lửa thật (đó là trong trường hợp còn tên lửa chống tăng này).

Tầm quan trọng của sản xuất vũ khí và đạn dược chính là lý do khiến một số chuyên gia cho rằng chính dây chuyền sản xuất - hơn là tiền tuyến - mới quyết định chiến thắng chung cuộc.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm