Quốc tế

Nga soán ngôi số một trong cuộc đua vũ khí siêu thanh?

Giới nghiên cứu cho rằng, các cường quốc từ lâu đã “âm thầm” chạy đua phát triển vũ khí thế hệ mới và giờ đây ngôi vị dẫn đầu thuộc về Nga.

Không khoe vũ khí, Iran vẫn khiến thế giới kinh ngạc trước "triển lãm hạt nhân" / "Siêu vũ khí" giúp trực thăng tàng hình Mỹ diệt gọn trận địa S-400

Theo giới quan sát, cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh diễn ra “âm thầm” từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, ngày 24/12/2019 vừa qua, Tổng thống Nga V. Putin công bố, Moscow “dần trở thành quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí siêu thanh”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nga dẫn đầu thế giới trong việc phát triển thế hệ vũ khí mới, thay vì phải bám đuổi Mỹ như chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đây.

Máy bay đánh chặn MiG-31K của Nga mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal. (Ảnh: Sputnik).
Máy bay đánh chặn MiG-31K của Nga mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal. (Ảnh: Sputnik).

Từ ngang tài ngang sức...

Hồi cuối năm 2013, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật của Nga là ông Boris Obnosov cho biết, sự phát triển của tên lửa siêu thanh ở Nga và Mỹ hiện ở mức độ tương đương nhau, tuy nhiên, kế hoạch triển khai của Moscow có thể sẽ nhanh chóng biến các Hệ thống phòng thủ tên lửa (BMD) của Mỹ trở nên lỗi thời, thậm chí “quá đát”.

Ngày 20/1/2015, ông Boris Obnosov đã công bố với tạp chí “Defense of Russia” của Nga rằng: Các nhà khoa học Nga đã phát minh ra được công thức nhiên liệu đặc biệt, tạo điều kiện cho các tên lửa siêu thanh của Nga có thể bay nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.

Các chuyên gia nhận định, Nga đã vượt qua những thách thức về kỹ thuật, công nghệ bởi vì, bay với tốc độ siêu thanh là nhiệm vụ khó khăn nhất cho các hãng nghiên cứu và chế tạo. Tốc độ càng cao thì độ phức tạp sẽ tăng theo cấp số nhân. Đòi hỏi phải có vật liệu siêu bền, chịu nhiệt tốt, cọ xát không khí cao, khí động học phải siêu chuẩn...

 

Ông Boris Obnosov giải thích thêm, Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga thành lập từ năm 2002 bao gồm 26 công ty, chủ yếu sản xuất tên lửa và bom dẫn đường. Năm 2014, Tập đoàn này có doanh thu lớn nhất tại Nga, doanh thu tăng tới 118%.

Trong năm 2013, Trung Quốc cũng đã cho thử nghiệm siêu tên lửa được gọi là Wu-14, đưa nước này lọt vào “câu lạc bộ” nghiên cứu siêu tên lửa cùng với Washington và Moskva. Bắc Kinh còn cho biết tên lửa siêu thanh của họ có thể bắn được cả từ mặt đất, trên không và có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên phạm vi toàn cầu chỉ trong vòng 60 phút. Ấn Độ và Anh Quốc khi đó cũng đạt được những tiến bộ đáng kể.

Một trong những tuyên bố của ông Anatoly Serdyukov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó đã gây sự chú ý của giới nghiên cứu rằng: “Hệ thống phòng không-vũ trụ Nga (ASD) có thể đánh chặn tất cả các loại tên lửa siêu thanh trên thế giới”. Điều tiên đoán mang tính khẳng định đó nay đã trở thành hiện thực.

Đến soán ngôi dẫn đầu...

Hãng AP trích dẫn lời của Tổng thống Nga V. Putin rằng: “Giờ chúng ta (tức Nga) đang ở vị trí chưa từng có trong lịch sử hiện đại, khi họ (tức Mỹ) đang phải bám đuổi chúng ta. Chưa có nước nào sở hữu vũ khí siêu thanh (hoàn chỉnh), chứ đừng nói là loại vũ khí siêu thanh có tầm bắn xuyên lục địa”.

 

Tổng thống V. Putin còn cho biết, trong tháng này (tức tháng 12/2019) Moscow sẽ triển khai Trung đoàn đầu tiên được trang bị tổ hợp phương tiện siêu thanh Avangard, một loại vũ khí có khả năng bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh. “Đây là vũ khí của tương lai, có khả năng vượt qua tất cả những hệ thống tên lửa phòng thủ của hiện tại, cũng như tương lai”.

Khi được hỏi về tuyên bố nêu trên của Tổng thống Nga V. Putin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Carver viết trên email rằng: “Chúng tôi đã thấy báo cáo trên, nhưng chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại về tuyên bố của phía Nga”.

Trước đó, Nhà Trắng đã từng nhiều lần cảnh báo Quốc hội Mỹ về những loại vũ khí siêu thanh được phát triển bởi Nga và Trung Quốc, do những vũ khí này rất khó có thể theo dõi và đánh chặn. Giới chức quân sự Mỹ đã từng thảo luận về việc lắp đặt các bộ cảm biến trên không gian để có thể phát hiện tên lửa đối phương nhanh hơn, đặc biệt mối đe dọa từ những vũ khí siêu thanh tiên tiến.

Và cuộc rượt đuổi tăng tốc

Theo giới quan sát, Lầu Năm Góc cũng đang tiến hành nghiên cứu và phát triển nhiều vũ khí siêu thanh trong những năm gần đây, hồi tháng 8/2019 Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, “có lẽ đây chỉ là vấn đề trong một vài năm” Mỹ cũng sẽ sở hữu loại vũ khí này. Ông Esper nói thêm, lĩnh vực này là ưu tiên của quân đội Mỹ trong kế hoạch phát triển khả năng bắn tầm xa mới.

 

Được biết, hồi cuối năm 2013, Dự án phát triển hệ thống “Tấn công toàn cầu tức thì” hé lộ. Theo đó, Mỹ có thể đưa các vũ khí tầm xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không phải bay qua các quốc gia thù địch. “Vũ khí siêu thanh tiên tiến” (AHW) khi đó đã thử nghiệm thành công lần đầu tiên, phóng từ một căn cứ quân sự ở Hawaii đánh trúng mục tiêu trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương cách xa 3.700 km chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút.

Giới chuyên gia khi đó cho rằng, nếu chương trình thành công thì Mỹ có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ với độ chính xác tuyệt đối và tới Nga chỉ mất 16 phút. Dự án còn tham vọng là tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 30 phút. Giới chức Mỹ nhận xét: “Phóng thử thành công X-51A Waverider giống như là bước nhảy vọt từ máy bay cánh quạt sang máy bay phản lực sau Thế chiến II”.

Tên lửa X-51A Waverider có tốc độ 6.438 km/h, gấp 6 lần tốc độ âm thanh; tên lửa Falcon HTV-2, có tốc độ bay 23.000 km/h; tên lửa AHW trong Dự án “tấn công toàn cầu tức thì” có thể bay tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần bay qua các quốc gia thù địch. Tuy nhiên, lần thử nghiệm vào năm 2015 tên lửa này đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.

Về lý thuyết, với X-51A Waverider, Falcon HTV-2 và AHW thì bất cứ nơi đâu, và bất cứ lúc nào, các mục tiêu trên thế giới đều có thể nằm trong tầm ngắm của quân đội Mỹ. Mỹ sẽ sử dụng các loại tên lửa siêu thanh này cho mục đích chiến tranh thì sẽ khó có loại vũ khí nào có khả năng “bắn hạ” chúng.

Quốc hội Mỹ khi đó đã thông qua ngân sách chi cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh (X-51A Waverider, Falcon HTV-2, và AHW), đồng thời bày tỏ lo ngại về lần thử nghiệm thiết bị đẩy siêu thanh mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc hồi đầu năm 2014.

 

Vì thế, giới nghiên cứu công nghệ quân sự-quốc phòng và dư luận cho rằng, các cường quốc từ lâu đã “âm thầm” chạy đua nghiên cứu và phát triển vũ khí thế hệ mới. Và giờ đây ngôi vị dẫn đầu đã thuộc về Nga. Tuy nhiên, cuộc rượt đuổi chắc chắn sẽ tăng tốc và ai sẽ đuổi kịp và vượt Nga, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm