Nga ưu tiên hiện đại hóa quân đội để bảo đảm an ninh quốc gia
Su-24 Nga 12 lần uy hiếp chiến hạm Mỹ trong vòng một tiếng rưỡi / Mỹ cáo buộc Nga đẩy mạnh vũ trang hóa Bắc Cực
Những vũ khí vượt trội sắp vào biên chế
Theo hãng tin RIA Novosti, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko mới đây cho biết, Hải quân nước này sẽ tiếp nhận tên lửa hành trình siêu thanh Zircon trong giai đoạn 2021-2022. Theo ông Alexei Krivoruchko, Zircon sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm thuộc một loạt Đề án, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu tuần dương tên lửa hạt nhân Đô đốc Nakhimov.
Dù cho tới nay, chưa có báo cáo chi tiết về các thông số kỹ thuật của Zircon nhưng một số đặc điểm của loại tên lửa hành trình siêu thanh này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang 2019. Ông chủ Điện Kremlin tiết lộ rằng, Zircon có khả năng đạt tốc độ khoảng Mach 9 (gấp 9 lần vận tốc âm thanh) và có thể bắn trúng cả mục tiêu trên biển và mặt đất ở khoảng cách hơn 1.000km.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga. Ảnh: Topwar. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko, những tổ hợp tên lửa phòng không S-500 Prometheus đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Quân đội Nga vào năm tới. Trong vài năm qua, việc chuyển giao S-500 Prometheus đã liên tục bị trì hoãn. S-500 Prometheus là tổ hợp tên lửa phòng không đất đối không thế hệ mới. Đây là một tổ hợp hoạt động ở tầm xa, đánh chặn ở tầm cao với khả năng phòng thủ tên lửa. Tổ hợp tên lửa phòng không này không chỉ đánh chặn được tên lửa đạn đạo mà còn cả các mục tiêu khí động học (máy bay, trực thăng, các mục tiêu trên không khác) cũng như tên lửa hành trình. Về mặt thông số kỹ thuật, S-500 Prometheus có bán kính hủy diệt là 600km. Ngoài ra, S-500 Prometheus còn có khả năng phát hiện và tấn công đồng thời 10 mục tiêu đạn đạo siêu thanh. Các chuyên gia quân sự nhận định, với những đặc tính ưu việt này, S-500 Prometheus vượt trội hơn đáng kể so với tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) của Mỹ. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, trong năm nay, Hải quân Nga sẽ nhận được 22 tàu chiến và 15 tàu hỗ trợ.
Theo chương trình vũ khí quốc gia của Nga, đến năm 2021, tỷ lệ vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại trong quân đội phải đạt ít nhất 70%. Hồi cuối tháng 12/2019, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga đã đi trước các quốc gia khác trong lĩnh vực chế tạo vũ khí hiện đại.
Nâng cao khả năng phòng thủ và ứng phó
Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga xây dựng quân đội hiện đại, tinh nhuệ nhằm bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia. Theo báo cáo hồi cuối tháng 4 vừa qua của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga giữ vị trí thứ 4 trên thế giới về chi tiêu quân sự trong năm 2019 với mức chi 65,1 tỷ USD, tương đương 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Báo Sao Đỏ dẫn lời ông Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang, đồng thời sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội để có thể vô hiệu hóa mọi mối đe dọa tiềm tàng. Trong một cuộc phỏng vấn với TASS hồi tháng 3 vừa qua, người đứng đầu nước Nga khẳng định: “Chúng tôi sẽ không chiến đấu chống lại bất cứ ai. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để không ai nghĩ tới việc gây chiến với chúng tôi”.
Tại buổi hòa nhạc do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Người bảo vệ Tổ quốc (23/2) năm nay, ông Vladimir Putin cũng đã tái khẳng định lập trường của nước Nga là tiếp tục hiện đại hóa quân đội, trong đó tập trung vào việc trang bị những mẫu vũ khí tiên tiến nhất. Việc trang bị hàng loạt vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại giúp Quân đội Nga nâng cao khả năng phòng thủ và sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh mới cũng như giải quyết nhiều nhiệm vụ, trước hết là bảo vệ Tổ quốc và duy trì thế cân bằng chiến lược trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông chủ Điện Kremlin, với việc phát triển các vũ khí tiên tiến, Nga sẽ khiến các quốc gia khác không mạo hiểm phát động cuộc xung đột vũ trang với Moscow. Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko nhấn mạnh, nhờ sử dụng ngân sách quốc phòng cho việc tái vũ trang một cách hợp lý, Nga đã bảo đảm an ninh quốc gia một cách đáng tin cậy và duy trì thế cân bằng chiến lược trên thế giới.
Còn nhớ, Tổng thống Vladimir Putin đã từng khẳng định rằng, Nga là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, theo đuổi chính sách đối ngoại có trách nhiệm và hướng tới việc củng cố sự ổn định quốc tế. Theo nhà lãnh đạo Nga, thế giới hiện đại rất phức tạp và vẫn còn nhiều xung đột, thách thức, các mối đe dọa chưa được giải quyết. Và đó là lý do tại sao bảo đảm an ninh quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với nước Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo