Quốc tế

Nga và Ukraine - Ai thắng trong cuộc đua thiêu đốt tiềm lực?

Đã hơn 15 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra nhưng vẫn còn đó câu hỏi bên nào là người chiến thắng. Các chuyên gia cho biết, câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào kết quả cuộc phản công của Ukraine – vốn đang ở giai đoạn đầu.

Lộ diện thiết giáp chở quân chuyển tiếp từ BTR-82A sang Boomerang / Tiêm kích Su-57 bắt đầu thử nghiệm động cơ thế hệ thứ sáu

Mặc dù còn quá sớm để dự báo kết quả cuộc xung đột nhưng có một số lĩnh vực mà Nga hoặc Ukraine đang giành ưu thế.

Lãnh thổ

Hiện cả Nga và Ukraine đều chưa đạt được các mục tiêu đề ra ở giai đoạn đầu xung đột. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Putin đã vạch ra các mục tiêu chính là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine, đồng thời bảo vệ người dân tại 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng mà Nga công nhận là các quốc gia độc lập.

>> Xem thêm:Nga lộ điểm yếu phòng thủ, Ukraine "vỡ mộng" sau cuộc phản công

nga va ukraine - ai thang trong cuoc dua thieu dot tiem luc hinh anh 1

Lực lượng Ukraine nã pháo đáp trả một cuộc tấn công của Nga ở gần thị trấn Avdiivka, thuộc vùng Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 31/5. Ảnh: Reuters

Sau đó Nga đã mở rộng mục tiêu ra ngoài Donbass. Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, mục tiêu về địa lý giờ đã thay đổi. Nga không chỉ tập trung vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk mà còn cả khu vực Kherson, Zaporizhzhia và rất nhiều vùng lãnh thổ khác”. Bà Marina Miron, chuyên gia tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của trường King's College London cho rằng, do mục tiêu thay đổi nên Nga đang có lợi thế hơn xét về mặt kiểm soát lãnh thổ.

>> Xem thêm:Ukraine loay hoay tìm cách vượt bãi mìn và đối phó trực thăng sát thủ của Nga

“Xét về quan điểm của Nga, tôi cho rằng họ đang tiến gần hơn một chút đến việc đạt được các mục tiêu vì nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của họ. Ngay cả khi Nga không tiến xa hơn, Ukraine sẽ rất khó giành lại các vùng đất này”, bà Marina Miron lưu ý.

Theo bản đồ của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Nga đang kiểm soát một phần đáng kể diện tích phía Đông Nam Ukraine.

Về phía Ukraine, mục tiêu chính của nước này, đã được nêu trong bản đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra, là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga, trong đó có cả Crimea. Nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này rất khó đạt được.

“Tổng thống Zelensky rất khó đạt được mục tiêu giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất. Tôi không cho rằng điều này có thể xảy ra”, nhà phân tích Miron lưu ý.

 

Cùng chung quan điểm này, ông David Lewis, thành viên cấp cao của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) cho rằng, kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelensky “rất hẹp” và “rất khó” để đạt được.

>> Xem thêm:Tàu tên lửa Karakurt sẽ sớm trở thành khí tài chủ lực của Hải quân Nga?

Quân sự

Xét về mặt quân sự, các chuyên gia nhận định rất khó để xác định bên nào đang giành thắng lợi, vì có nhiều ẩn số liên quan đến cuộc phản công của Ukraine. Vẫn chưa rõ hiệu quả của các khóa đào tạo cũng như những loại vũ khí mới mà phương Tây hỗ trợ Ukraine. Và cũng chưa thể đo lường mức độ phản ứng của Nga đối với cuộc phản công của Ukraine trong thời gian tới. Các quan chức phương Tây cũng cho biết, họ cũng không nắm được kế hoạch chính xác của Ukraine.

Nhà phân tích David Lewis nhận định: “Tôi cho rằng tiềm lực của hai bên tương đối cân bằng bởi không có sự thay đổi lớn trên tiền tuyến suốt thời gian dài. Ukraine đang cố gắng phá vỡ thế bế tắc bằng cuộc phản công, nhưng Nga phòng thủ khá vững. Vì thế, ngay cả khi Ukraine đạt được được một số bước tiến thì điều này không có nghĩa là họ giành được chiến thắng”.

 

Còn ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2003 đến 2006 cho rằng, hiện tại, lợi thế đang nghiêng về Ukraine. “Ukraine đã thành công trong các cuộc phản công vào năm 2022. Trong trận chiến tại Bakhmut, dù họ rút khỏi thành phố nhưng đã gây tổn thất nghiêm trọng cho đối phương”.

Thẻ bài của Ukraine

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã thực hiện nỗ lực nhằm làm xói mòn khả năng phòng thủ của Nga, chẳng hạn như tấn công sân bay, kho nhiên liệu, trung tâm chỉ huy và các tuyến đường sát nhằm làm suy yếu khả năng đáp trả của Moscow trước các cuộc tấn công lớn.

>> Xem thêm:Il-22PP - Máy bay tác chiến điện tử 'hàng hiếm' của Nga

Kiev dường như đang để ngỏ các lựa chọn của nước này. Ưu tiên hàng đầu là tấn công dọc theo mặt trận phía Nam nhằm cắt đứt hành lang đất liền nối giữa bán đảo Crimea, khu vực Donbass và lục địa Nga. Hầu hết các khu vực mà Ukraine tuyên bố đã kiểm soát được kể từ khi phát động cuộc phản công đều nằm trên trục này.

 

Ngoài ra, Ukraine được cho là đã đạt được một số tiến bộ ở phía Tây khu vực Zaporizhzhia, gần Orikhiv. Một số nguồn tin cho biết, giao tranh ác liệt đã nổ ra ở khu vực Zherebyanki, phía tây Pyatykhatky - một động thái cho thấy các lực lượng Ukraine có thể đang nhắm đến việc cô lập thị trấn Kamyanske mà Nga kiểm soát dọc theo sông Dnipro. Góc tiến công này – hướng tới thành phố Melitopol nhiều khả năng sẽ có lợi cho Ukraine. Mặc dù Nga phòng thủ khá nghiêm ngặt, nhưng đối với Ukraine, khu vực này gần Zaporizhzhia hơn và gần nguồn tiếp tế của Ukraine hơn, đồng thời giúp Kiev dễ tiếp cận với bán đảo Crimea.

Đàm phán

Ở giai đoạn hiện tại, rất khó định nghĩa chiến thắng cụ thể đối với cả Nga lẫn Ukraine. Các chuyên gia đều cho rằng, xung đột có thể kéo dài trong nhiều năm. Vẫn có khả năng Nga và Ukraine tham gia đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán phần lớn phụ thuộc vào việc cuộc phản công sẽ diễn ra như thế nào, bà Jaroslava Barbieri – chuyên gia về Nga tại Đại học Birmingham lưu ý. Nếu Ukraine không tạo ra bước đột phá lớn, nhiều khả năng chính phủ các nước phương Tây sẽ gây sức ép buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán với sự thừa nhận rằng Ukraine không thể chiến thắng bằng biện pháp quân sự trong cuộc xung đột này.

“Nếu Kiev đạt được bước tiến đáng kể và giành lại một số vùng lãnh thổ thì thế cân bằng chính trị có thể thay đổi một chút”, ông Lewis nhấn mạnh. “Tôi không cho rằng hai bên có thiện chí ngồi vào bàn đàm phán, chứ chưa nói đến kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến một thỏa thuận thực sự giúp chấm dứt xung đột”.

Cựu đại sứ John E. Herbst cũng cho rằng, nếu Tổng thóng Putin nhận ra Nga không còn cách nào để đạt được mục tiêu của nước này thì có lẽ họ sẽ chập nhận đàm phán. Nhưng vẫn cần phải xem xét liệu điều đó có xảy ra không”.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm