Nga và Ukraine đồng ý đàm phán tại Belarus, không áp đặt điều kiện tiên quyết
Vì sao Indonesia chọn F-15 của Mỹ với giá đắt gấp 5 lần Su-35 của Nga? / Không có lệnh trừng phạt, khủng hoảng Ukraine vẫn có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu, than và khí gas
Theo hãng thông tấn Interfax và hãng tin RT, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 27/2 đã xác nhận thông tin giới chức nước này và Nga sắp tiến hành đàm phán tại Belarus mà không áp đặt điều kiện tiên quyết nào.
Dẫn đầu phái đoàn của Ukraine sẽ là Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochytskyi. Hiện phái đoàn Ukraine đã lên đường đến nơi đàm phán.
Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi thông nhất phái đoàn đàm phán của Ukraine sẽ gặp phái đoàn Nga mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào ở khu vực biên giới Ukraine và Belarus”. Theo thông báo, cuộc đàm phán là kết quả cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.
Điện Kremlin cũng đã xác nhận Ukraine đã đồng ý đàm phán tại khu vực biên giới Belarus. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phái đoàn Nga đã sẵn sàng đàm phán và đang đợi phái đoàn của Ukraine đến nơi.
Ông Peskov cũng xác nhận thông tin Ukraine đã đồng ý đàm phán sau khi Tổng thống Belarus Lukashenko có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky. Sau đó, ông Lukashenko đã liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề nghị phái đoàn Nga tiếp tục đợi do phía Ukraine phát đi tín hiệu sẽ tới Gomel tham gia đàm phán.
Trước đó cùng ngay, phái đoàn đàm phán của Nga tuyên bố đã đặt thời hạn 15h00’ (theo giờ Minsk, tức 19h00’ theo giờ Việt Nam) để Kiev đưa ra phản hồi về việc có đến Gomel đàm phán hay không. Phái đoàn Nga đã có mặt tại Đại sứ quán nước này tại thủ đô Minsk (Belarus).
Phát biểu với báo giới, Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Putin, khẳng định ngay sau khi nhận được phản hồi, phái đoàn Nga sẽ đi gặp phía Ukraine, đồng thời nêu rõ quan điểm của Moskva là ủng hộ hòa bình. Trong trường hợp Ukraine từ chối đàm phán, nước này “sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thương vong nào”.
Ông Leonid Slutsky, một thành viên khác trong phái đoàn Nga, nói rằng Nga sẽ thể hiện cách tiếp cận khá "cứng rắn" tại các cuộc đàm phán sắp tới với Ukraine.
Trong ngày 27/2, Tổng thống Putin đã ra lệnh các lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Hãng tin RT, đài Sputnik cho biết ông Putin giải thích quyết định trên là nhằm đáp trả những tuyên bố “thù địch” của các quan chức hàng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tại Moskva, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Giới chức cấp cao của các nước đứng đầu NATO đang có những tuyên bố mang tính gây hấn đối với đất nước chúng ta. Do đó, tôi ra lệnh Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng đặt các lực lượng răn đe hạt nhân Nga vào trạng thái chiến đấu đặc biệt”.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine. Chiến dịch này hiện bước sang ngày thứ 4.
Ngoài Belarus, Israel cũng là một lựa chọn để Nga và Ukraine tổ chức đàm phán. Israel có thể đóng vai trò trung gian hòa giải để mang lại hòa bình cho Ukraine. Đây là đề xuất của Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/2.
Trong ngày 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Berlin sẽ không từ bỏ đối thoại với Nga. Phát biểu trong cuộc họp khẩn của Quốc hội Đức, ông Scholz nêu rõ: “Trong tình huống ngặt nghèo hiện nay, nhiệm vụ của ngoại giao là duy trì các kênh đối thoại vẫn mở, các phương án khác đều bị coi là vô trách nhiệm”. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh an ninh lâu dài của châu Âu không thể xây dựng theo hướng chống lại Nga, song ông nêu rõ hành động của Moskva cũng đang tạo rủi ro cho hệ thống này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo