Quốc tế

Ngầm ý sau cảnh báo của ông Kim Jong-un "giáng đòn mạnh" vào thế lực thù địch

Giới chuyên gia cho rằng, việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra cảnh báo "giáng đòn mạnh" vào các thế lực trừng phạt Bình Nhưỡng có thể coi là thông điệp gửi tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc vì các lệnh trừng phạt.

Kremlin lên tiếng về “sự xuất hiện” của ông Putin trong bầu cử Ukraine / CLIP: Hé lộ lời cuối của phi công F-35A Nhật Bản trước khi máy bay rơi

Ngầm ý sau cảnh báo của ông Kim Jong-un giáng đòn mạnh vào thế lực thù địch - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Thông điệp gửi tới Mỹ, Hàn Quốc

Trong cuộc họp Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi “giáng đòn mạnh vào các thế lực thù địch” bằng việc không khuất phục trước các lệnh trừng phạt.

"Với sức mạnh và công nghệ phù hợp cùng với nền kinh tế dựa trên các nguồn lực, chúng ta cần giương cao ngọn cờ phát triển kinh tế xã hội một cách nhất quán và giáng một đòn mạnh vào những thế lực cho rằng họ có thể khiến chúng ta phải khuất phục các lệnh trừng phạt", hãng thông tấn KCNA dẫn phát biểu của ông Kim Jong-un.

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump họp thượng đỉnh tại Washington và không lâu sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Cảnh báo tuy không đề cập đến hành động cụ thể, song có thể coi là thông điệp gửi đến Mỹ và Hàn Quốc, nhấn mạnh đến sự cần thiết nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Điều này đặt ra thách thức cho Tổng thống Moon trong việc tìm ra điểm chung giữa những yêu cầu được dỡ bỏ trừng phạt của Triều Tiên với đòi hỏi của Mỹ về cam kết giải trừ hạt nhân.

 

“Triều Tiên phát đi tín hiệu rằng cánh cửa đàm phán sẽ khép lại nếu lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc không linh hoạt trong vấn đề lệnh trừng phạt. Cảnh báo này sẽ đặt gánh nặng lên Tổng thống Moon Jae-in”, Shin Beomchul, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách an ninh và thống nhất Asan có trụ sở tại Seoul, nhận định.

David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích tại Trung tâm Stimson, bình luận: “Giờ đây Tổng thống Moon quyết tâm hơn bao giờ hết để thuyết phục ông Trump quay lại bàn đàm phán với Triều Tiên, đưa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên xích lại gần nhau”.

Một quan chức Mỹ cho biết ngày 10/4 rằng ông Trump yêu mến ông Moon, song chính Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim mới có thể dàn xếp tốt nhất mối quan hệ giữa họ. Ông Trump không tin rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể hàn gắn sự chia rẽ giữa Washington và Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.

“Chạy đua với thời gian”

Ngầm ý sau cảnh báo của ông Kim Jong-un giáng đòn mạnh vào thế lực thù địch - 2
Từ trái qua phải: Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Moon Jae-in (Ảnh: Getty)

Theo các chuyên gia, điều quan tâm trước mắt của Tổng thống Moon là làm sao để Triều Tiên không có bất cứ hành động nào có thể khiến ông Trump phật lòng hay khiến hai bên lại đe dọa lẫn nhau.

 

Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên cho biết với các phóng viên ở Bình Nhưỡng hồi tháng trước rằng, trong tương lai gần, ông Kim sẽ quyết định liệu có tiếp tục đóng băng các vụ thử hạt nhân, tên lửa hay không.

Lee Do-hoon, phái viên cấp cao trong đoàn đàm phán của Hàn Quốc, cho biết giờ đây các bên tiếp tục “chạy đua với thời gian”. “Nếu chúng ta để thời gian trôi đi mà không có bất cứ vòng đối thoại hay đàm phán nào, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ lại rơi vào tình huống không có lợi cho bất cứ bên nào. Đến lúc Mỹ và Triều Tiên cần quay lại bàn đàm phán”, ông Lee nói.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc được cho là đã liên hệ với Triều Tiên để tiến hành một hội nghị thượng đỉnh nữa với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27/4 tới, báo Chosun Ilbo cho biết.

Tuy nhiên, để đưa các cuộc đàm phán trở lại quỹ đạo, với vai trò trung gian, Hàn Quốc cần thuyết phục ông Trump chấp nhận để Triều Tiên giải trừ hạt nhân từng bước, trong khi thuyết phục ông Kim tuân thủ cam kết vì mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn.

Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm nay với Tổng thống Trump, Tổng thống Moon có thể thuyết phục để nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, nối lại các dự án kinh tế liên Triều. “Theo tôi ông Trump sẽ không chấp nhận điều này. Nhưng tôi cũng nghĩ là, Hàn Quốc không nên ngừng nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch đó chỉ vì bế tắc tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội”, Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia tại Viện nghiên cứu châu Âu, nhận định.

 

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm