Người xin thị thực vào Mỹ buộc phải cung cấp tài khoản mạng xã hội
Trung Quốc cảnh báo Mỹ đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh về Đài Loan / Trung Quốc chính thức tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ
CBS News đưa tin ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang yêu cầu gần như toàn bộ những người nộp đơn xin thị thực vào nước này phải cung cấp tài khoản mạng xã hội đang dùng, địa chỉ email và các số điện thoại. Đây là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tăng cường việc rà soát các du khách hoặc di dân và loại bỏ những đối tượng nghi có thể làm ảnh hưởng tới an ninh của Mỹ.
Thay đổi này đã được đề xuất hồi tháng 3/2018, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới 15 triệu người nước ngoài làm đơn xin thị thực vào Mỹ mỗi năm.
Mạng xã hội, địa chỉ thư điện tử và lịch sử sử dụng các số điện thoại sẽ được sử dụng để điều tra và xem xét kỹ lưỡng hơn với những người nằm trong diện nghi vấn, ví dụ như những người từng tới khu vực do các tổ chức khủng bố kiểm soát. Có khoảng 65.000 người mỗi năm nằm trong nhóm này.
Bộ Ngoại giao cho biết việc thu thập thêm thông tin sẽ giúp họ củng cố quá trình điều tra những người nộp đơn xin thị thực và xác nhận danh tính của họ.
Tờ khai xin thị thực mới yêu cầu danh sách các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube và yêu cầu người đăng ký phải cung cấp mọi tên tài khoản họ sở hữu trong 5 năm qua.
Ngoài ra, người xin visa cũng có thể tự nguyện cung cấp thêm thông tin về các tài khoản mạng xã hội khác không có trong hồ sơ. Chỉ một số loại visa ngoại giao hoặc quan chức nhất định mới được miễn các bước kê khai này.
Thêm vào đó, họ cũng phải cung cấp các số điện thoại đã dùng trong 5 năm, các địa chỉ thư điện tử, các chuyến đi ra nước ngoài và tình trạng trục xuất (nếu có), cũng như thông tin người thân trong gia đình liệu có từng liên quan tới các hoạt động khủng bố hay không.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức vào năm 2017, chính quyền Mỹ đã tăng cường các biện pháp nhằm rà soát các trường hợp người nước ngoài muốn lưu trú tại Mỹ, trong đó có lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi áp dụng đối với công dân của các quốc gia có đông dân Hồi giáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo