Quốc tế

Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính ở Sudan

Sudan đã rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội giải tán chính phủ chia sẻ quyền lực của đất nước và ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 25/10.

Tàu ngầm phi hạt nhân tối tân Nhật Bản vừa hạ thủy vượt xa tàu Nga - Trung Quốc / Thế giới theo dõi sát sao biến thể phụ của Delta

Theo CNN, động thái này đã dập tắt hy vọng về một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019.

Người biểu tình phản đối đảo chính ở Sudan ngày 25/10. Ảnh: World Today News
Người biểu tình phản đối đảo chính ở Sudan ngày 25/10. Ảnh: World Today News

Chuyện gì đang xảy ra ở Sudan?

Sudan được cai trị bởi một liên minh giữa các nhóm quân sự và dân sự kể từ năm 2019, nhưng vào ngày 25/10, quân đội đã giành quyền kiểm soát.

Thủ tướng Abdalla Hamdok và phu nhân đã bị giam giữ và đưa đến một địa điểm bí mật. Nhiều bộ trưởng và quan chức chính phủ cũng bị bắt giữ.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan, đã giải tán chính phủ chuyển tiếp cũng như Hội đồng tối cao nước này. “Chúng tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và giải tán chính phủ”, ông Burhan nói.

Ông Burhan tuyên bố trên truyền hình rằng, một chính phủ đại diện cho độc lập và công bằng sẽ nắm quyền cho đến khi bầu cử vào năm 2023.

 

Ông Burhan cho biết thêm, thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các thành viên dân sự của Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp của nước này “đã trở thành một cuộc xung đột” trong 2 năm qua và “đe dọa hòa bình và thống nhất” ở Sudan.

Theo Tướng Burhan, một số điều khoản của hiến pháp đã bị đình chỉ và nhiều thống đốc bang bị cách chức.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính

Khi ông Bashir bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2019, sau 3 thập kỷ cầm quyền, giới lãnh đạo quân đội Sudan đã nắm quyền kiểm soát để giám sát quá trình chuyển giao quyền lực và thành lập Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp (TMC).

Tuy nhiên, hội đồng này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ bởi một phong trào ủng hộ dân chủ và kêu gọi sự cai trị dân sự. Sau một tuần tranh luận, hai bên đã đồng ý thành lập một Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếpsẽ điều hành “trong 3 năm tới hoặc lâu hơn”.

 

Theo thỏa thuận được ký vào tháng 7/2019, hội đồng quân sự sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong 21 tháng đầu tiên. Sau đó, một chính quyền dân sự sẽ cai trị hội đồng trong 18 tháng.

Adam Hireika, một trợ lý của ông Hamdok, nói với CNN rằng thủ tướng biết về kế hoạch của quân đội và đã phải chịu áp lực về việc giải tán chính phủ.

Ngày 25/10, Bộ Thông tin Sudan cho biết, Thủ tướng Hamdok đã chịu áp lực phải đưa ra một tuyên bố “ủng hộ việc tiếp quản của quân đội”. Thay vào đó, ông Hamdok kêu gọi những người biểu tình ủng hộ dân chủ xuống đường biểu tình trong hòa bình.

Căng thẳng ngày càng gia tăng sau khi một số chính trị gia, trong đó có của ông Hamdok, thúc đẩy chuyển đổi hoàn toàn sang chế độ dân sự vào ngày 17/11 để phù hợp với thỏa thuận chuyển tiếp ban đầu.

Căng thẳng leo thang vào tháng 9 khi một cuộc đảo chính quân sự do các lực lượng trung thành với ông Bashir dẫn đầu thất bại, dẫn đến việc hầu hết các sĩ quan liên quan bị bắt.

 

Trong những tuần sau đó, các nhà lãnh đạo quân đội đã yêu cầu cải tổ liên minh các Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) và thay thế nội các. Các nhà lãnh đạo dân sự đã cáo buộc đây là một cuộc tranh giành quyền lực.

Đông đảo người biểu tình Sudan đã xuống đường vào ngày 21/10, yêu cầu tôn trọng thỏa thuận chuyển đổi năm 2019 và kêu gọi bầu chọn một chính phủ mới. Ngoài ra, cũng có những cuộc biểu tình ủng hộ quân đội và phản đối chính phủ dân sự.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã lên án và kêu gọi thả Thủ tướng Hamdok và các quan chức khác. Trong một bài đăng trên Twitter hôm 25/10, ông Guterres nói rằng Liên Hợp Quốc sẽ “tiếp tục sát cánh” với người dân Sudan.

Tại một cuộc họp báo, Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Biden “cảnh báo sâu sắc” trước những diễn biến đang xảy ra ở Sudan. Trong khi đó, Anh gọi cuộc đảo chính này là “sự phản bội không thể chấp nhận được đối với người dân Sudan”.

 

Hàng ngàn người biểu tình phản đối cuộc đảo chính đã xuống đường ở thủ đô Khartoum hôm 25/10. Các video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy đám đông người dân đổ về phía Bộ tư lệnh quân đội.

Bộ Y tế Sudan cho biết, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 140 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người dân và quân đội trong các cuộc biểu tình này.

Theo Bộ Thông tin Sudan, những người ủng hộ chế độ dân sự cũng đã công bố một kế hoạchbất tuân dân sự và một cuộc đình công để đáp trả sự tiếp quản của quân đội.

Cựu Tổng thống Omar al-Bashir đang ở đâu?

Trưởng công tố viên tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở thành phố Hague (Hà Lan) đã phát lệnh bắt giữ ông Bashir vào năm 2009 và 2010 với tội danh diệt chủng và tội ác chiến tranh liên quan đến chiến dịch quân sự của Sudan ở Darfur từ năm 2003-2008.

 

Đầu năm 2021, chính phủ Sudan tuyên bố sẽ giao cựu tổng thống Bashir cho ICC, cùng với các quan chức khác bị truy nã về cuộc xung đột Darfur.

Cựu tổng thống Bashir hiện đang ở tù tại Sudan. Ông đã bị kết án 2 năm tù vì tội tham nhũng và sở hữu bất hợp pháp ngoại tệ vào năm 2019. Ông Bashir cũng phải đối mặt với một phiên tòa khác ở Sudan về vai trò trong cuộc đảo chính năm 1989 đã đưa ông lên nắm quyền.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm