Quốc tế

Nguyên nhân tàu ngầm Mỹ lột vỏ ngay lần đầu đi biển

Chuyên gia quân sự Nga vừa chỉ ra nguyên nhân khiến tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới USS Colorado của Mỹ bị lột vỏ ngay trong lần đầu đi biển.

Tàu ngầm Nga phô diễn sức mạnh tại một quốc gia Đông Nam Á trong sự kiện hải quân cực lớn / Ấn Độ tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm

Hình ảnh về tình trạng thê thảm của phần thân vỏ của chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Colorado thuộc lớp Virginia được chính Hải quân Mỹ đăng tải trong buổi lễ đón ở căn cứ New London ở bang Connecticut sau khi tàu hoàn tất chuyến tuần tra đầu tiên kể từ khi được biên chế cuối năm 2018.

Hình ảnh được công bố cho thấy ít nhất hai vết rách lớn trên lớp vỏ triệt âm bên sườn phải của tàu, khiến phần vỏ thép chịu lực phía dưới lộ ra ngoài. Lớp vỏ bằng cao su này có tác dụng giúp tàu ngầm hạn chế tiếng ồn, tăng khả năng tàng hình trước các hệ thống định vị thủy âm đối phương.

Nguyen nhan tau ngam My lot vo ngay lan dau di bien
Tàu USS Colorado bị lột vỏ sau chuyến đi biển đầu tiên.

Ngay khi bức ảnh này được công bố, giới quân sự Mỹ đã cho rằng, với chuyến tuần tra dài tới hơn 72.000 km trong vùng biển lạnh khiến lớp vỏ cao su phải chịu nhiều tác động từ môi trường, dễ bị hư hỏng hơn.

"Hải quân Mỹ, Anh và Nga đểu phải đối mặt với tình trạng bong tróc vỏ cao su, đặc biệt là tại những vùng biển lạnh gần địa cực. Nhưng trường hợp của USS Colorado là rất đặc biệt khi nó xảy ra ngay trong chuyến tuần tra thực tế đầu tiên", nhà phân tích quân sự Mỹ nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề ứng dụng công cộng vào an ninh quốc gia Nga, Đại tá Alexander Zhilin lại có cách lý giải khác.

"Những gì xảy ra gần đây trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ, cùng với Bộ Quốc phòng, có thể được mô tả như dự án kinh doanh để rút ngân sách. Vụ việc xảy ra với tàu ngầm cho thấy chất lượng công việc bị suy giảm.

Và vì tổ hợp công nghiệp quân sự luôn làm việc cùng với Bộ Quốc phòng, vốn bắt buộc phải có những quy tắc khi tiếp nhận sản phẩm mới, chúng ta có thể nói về các dấu hiệu thông đồng trên cơ sở tham nhũng.

 

Nhưng đã quên rằng trong những tàu ngầm này có tính mạng của hàng chục các thủy thủ, và họ trở thành con tin của các quá trình này", chuyên gia nói.

Đồng thời vị chuyên gia Nga cũng đánh giá rất cao năng lực đóng tàu ngầm và sức mạnh đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ: "Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại, Mỹ đủ sức đóng được những tàu ngầm rất mạnh và chạy cực êm. Tuy nhiên, sự thông đồng đang khiến tàu ngầm Mỹ yếu đi".

Lớp vỏ triệt âm của tàu ngầm thường làm từ cao su hoặc polymer tổng hợp, có hàng nghìn lỗ rỗng nhỏ trên bề mặt.

Chúng được phủ bên ngoài tàu ngầm nhằm hấp thụ sóng âm từ sonar chủ động, làm giảm và sai lệch tín hiệu phản xạ, cũng như cách ly tiếng ồn từ trong tàu, không để sonar thụ động của đối phương thu được.

Các vật liệu triệt âm hiện đại gồm nhiều lớp và lỗ rỗng có kích thước khác nhau. Mỗi loại có khả năng triệt tiêu một dải tần số âm thanh cụ thể tùy theo độ sâu.

 

Nhà sản xuất có thể phủ lớp triệt âm khác nhau ở từng vị trí của tàu ngầm, nhằm triệt tiêu âm thanh đặc trưng của mỗi bộ phận bên trong.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia được phát triển vào những năm 2000 sau khi lớp Seawolf bị hủy do Mỹ không cần chiến hạm lớn, mang được nhiều vũ khí và có khả năng lặn sâu để săn lùng tàu ngầm Liên Xô ở Bắc Cực.

Lớp Virginia được thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.

USS Colorado là chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới được Hải quân Mỹ đưa vào trang bị hồi cuối năm 2018. USS Colorado được hoàn thành với khoản kinh phí ước tính lên tới 2,6 tỷ USD.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm