Nhiều thanh niên Trung Quốc bỏ thành thị về quê tìm việc làm
Không quân Nga hướng tới phi đội 70 máy bay ném bom Tu-160M / Tên lửa Kornet của Nga đã đốt cháy tất cả các loại xe tăng chính của phương Tây
Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt khi thanh niên làng quê đổ lên thành phố tìm việc làm, để lại quê nhà chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ. Thế nhưng áp lực cuộc sống và cạnh tranh nơi đô thị đã khiến không ít người phải thay đổi suy nghĩ, một số đã quyết định bỏ phố về quê để tìm một công việc khác cũng như để có một cuộc sống bớt áp lực và gần gũi với thiên nhiên hơn.
Để có thể ngắm nhìn toàn cảnh những ngọn đồi xanh, mỗi tháng chị He Yun bỏ ra 500 Nhân dân tệ tiền thuê nhà, tương đương 1.600 nghìn VNĐ. Số tiền này nếu ở thành phố lớn sẽ rất khó xoay xở để thuê nhà, thế nhưng ở đây, chị có thể thu xếp cuộc sống ổn định với khoản chi vừa phải. Nơi đây được mệnh danh là thủ đô gốm sứ của Trung Quốc, Cảnh Đức Trấn. Những năm gần đây, Cảnh Đức Trấn đang thu hút làn sóng thanh niên kéo đến lập nghiệp bằng nghề gốm sứ, hoặc đơn giản là cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Chị He Yun - Người dân Trung Quốc nói: "Giờ đây ngày càng có nhiều người đến Cảnh Đức Trấn. Tôi nghĩ hoàn cảnh của họ cũng giống tôi, không mấy hài lòng với công việc và chịu nhiều áp lực nên họ quyết định nghỉ việc và đến đây. Mức sống ở đây tương đối thấp và chúng tôi có thể tận hưởng một hoặc hai năm tự do ở đây. Trông thì có vẻ chúng tôi đang tìm kiếm một lối sống nhàn nhã, nhưng chúng tôi rất tích cực đăng những sản phẩm gốm sứ của mình lên mạng xã hội".
Đây được xem là thời kỳ khó khăn với những người trẻ tuổi ở Trung Quốc khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao. Giữa hoàn cảnh này, Cảnh Đức Trấn nổi lên như điểm đến hấp dẫn, thậm chí mang ý nghĩa chữa lành với họ. Thành phố chỉ có 1,6 triệu dân, rất nhỏ so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, giá thuê nhà thấp, nhịp sống chậm hơn nhiều so với đô thị lớn và đặc biệt gần gũi với thiên nhiên. Ở đây lại nổi tiếng với nghề gốm sứ, thanh niên có thể học nghề hoặc bồi đắp sự nghiệp thủ công của mình.
Chị Xiao Fei - Người dân Trung Quốc: "Nhịp sống khoan thai ở đây khiến tôi cảm thấy không còn muốn quay lại làm việc ở Thâm Quyến nữa nên tôi chọn ở lại và mở studio gốm sứ cùng bạn bè".
Cường độ làm việc căng thẳng, nỗi lo cơm áo gạo tiền và cả áp lực phải thành công theo những tiêu chuẩn khuôn mẫu đang khiến ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy chán nản và mệt mỏi với cuộc sống ở những thành phố lớn. Chính vì thế, làn sóng dịch chuyển đã xuất hiện, với việc người trẻ từ thành phố về quê hoặc đến với những thành phố có nhịp sống chậm hơn, bắt đầu một công việc mới với cuộc sống bớt áp lực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo