Quốc tế

Nhìn lại cuộc chiến khí đốt giành thị trường châu Âu giữa Liên Xô và Mỹ đầu thập niên 1980

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và các cộng sự luôn ám ảnh ý nghĩ hòng cản trở Liên Xô xây dựng đường ống dẫn khí từ Yamal đến châu Âu. Họ ra sức làm tổn hại nguồn thu dầu khí của Moskva. Tuy nhiên, Liên Xô đã giành thắng lợi trong cuộc chiến khí đốt năm 1981-1984.

Chiến dịch của công binh Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại / Do đâu “Hắc Tướng quân”, “Điệp viên 007” của Liên Xô được thưởng 86 huân huy chương?

Tuyến đường quan trọng nối Urengoy và châu Âu

Với việc xây dựng hai nhánh đường ống dẫn khí đốt sang Tây Âu, Moskva có thể đảm bảo thu về 15-20 tỷ USD mỗi năm và trói buộc người tiêu dùng châu Âu về phía mình. Các nước châu Âu bắt đầu phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng của Liên Xô. Kết hợp với các tập đoàn hùng mạnh của quân đội Liên Xô đóng tại Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc, đây là mối nguy hiểm đối với phương Tây. Ngoài ra, Moskva còn có thêm dòng ngoại tệ mạnh, điều mà về mặt lý thuyết sẽ cho phép Liên Xô tiến hành hiện đại hóa sau khi tạo bước đột phá mới trong phát triển đất nước.

Quyết định về việc xây dựng đường ống khí đốt Urengoy – Pomary – Uzhgorod (Yamal - Trung Povolzhye - Tây Ukraine) được Moskva thông qua vào cuối năm 1970. Châu Âu (khi đó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu) được Liên Xô đề nghị hỗ trợ xây dựng tuyến đường thông qua cung cấp tín dụng và công nghệ. Đổi lại, Liên Xô sẽ đảm bảo cho châu Âu nguồn cung khí đốt tự nhiên trong vòng 25 năm tới với mức giá ổn định. Thực ra, đây là sự tiếp tục hợp đồng thế kỷ “khí đốt-đường ống” ký năm 1970 giữa Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức về việc cung cấp cho Liên Xô loại ống cỡ lớn và những thiết bị khác để xây dựng đường ống khí đốt sang Tây Âu với khoản tiền được trả bằng khí đốt từ các mỏ nằm ở khu vực Tây Siberia. Dòng khí đốt đầu tiên được cung cấp cho Cộng hòa Liên bang Đức là vào năm 1973. Năm 1975-1979, đường ống dẫn khí “Soyuz” (hay còn gọi là “Orenburg - Biên giới phía Tây Liên Xô”) đã được xây dựng. Tuyến đường ống này chạy trên lãnh thổ ba nước Nga, Kazakhstan và Ukraine.

Công nhân xây dựng đường ống dẫn khí Urengoy – Uzhgorod năm 1982. Ảnh: Topwar.

Châu Âu vui vẻ đồng ý và cam kết các khoản vay với lãi suất thấp. Năm 1981, các ngân hàng của Đức đã cho Liên Xô vay khoản tiền 3,4 tỷ Mark. Sau đó, thỏa thuận tín dụng với các ngân hàng Pháp và Nhật Bản đã được ký kết. Thương vụ này là có lợi cho châu Âu. Người châu Âu có một kênh cung cấp hydrocarbon mới không còn phụ thuộc vào người Arab, vốn thường xuyên đem việc tăng giá ra đe dọa. Moskva cũng đã giành thắng lợi trong vụ này. Liên Xô có thể tự xây dựng đường ống khí đốt, nhưng muốn giành lấy những khoản vay có lợi hơn. Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng doanh nghiệp dầu khí Liên Xô khi đó, ông Yury Matalin cho biết, các bên đã đạt được thỏa thuận giá khí đốt là 146 USD/1000 mét khối, đồng thời ký kết một thỏa thuận có lợi khác. Theo đó, châu Âu xây cho Liên Xô các trạm bơm khí hiện đại công suất 25 nghìn kW, cung cấp tuabin và các công cụ quản lý vận hành mới nhất.

Washington tức giận, Moskva “thẳng tiến”

Trước viễn cảnh đó, Washington tức giận vô cùng và cố ra sức hòng phá hoại tình hình Moskva. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chuẩn bị một mẩu thư phân tích, trong đó cho rằng, Liên Xô có thể đặt Tây Berlin, Bavaria và Áo vào thế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt của mình. Còn toàn bộ những nước Tây Âu đã bị đẩy vào thế phụ thuộc 60% năng lượng của Nga.

Tháng 5/1981, Giám đốc CIA William Casey và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận vấn đề đường ống dẫn khí của Liên Xô. Người Mỹ cho rằng, cần phá hỏng dự án này, nếu không thì người Nga sẽ có ưu thế chiến lược rất lớn và đảm bảo nguồn tiền dồi dào. Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig đã phái cấp phó của mình phụ trách vấn đề kinh tế là Meier Rashnish thực hiện chuyến công du sang Tây Âu. Rashnish đã đề xuất châu Âu những phương án lựa chọn khác nhau, nhưng tất cả đều không có lợi cho Tây Âu. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho châu Âu than đá để thay thế khí đốt của Nga. Có thể sản xuất nhiên liệu tổng hợp từ than đá, như Đức Quốc xã đã từng làm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hoặc sử dụng khí đốt Nauy. Tuy nhiên, những phương án này đều đắt đỏ và không thực tế, khiến các nước Tây Âu phải từ chối ý tưởng của người Mỹ.

Hoa Kỳ bắt đầu xem xét những phương án khác. Chẳng hạn như việc dẫn đường ống khí đốt từ Algeria hoặc từ Iran qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan áp dụng lệnh cấm xuất khẩu sang Liên Xô trang thiết bị công nghệ cao của Mỹ và bắt đầu gây áp lực lên châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu vẫn nhất mực không muốn từ bỏ khí đốt của Nga. Cả người Đức, người Pháp và cả người Ý đều không mong muốn xảy ra bất hòa với Liên Xô.

 

Châu Âu phản đối Mỹ

Chính quyền Mỹ bắt đầu chiến dịch trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Các ngân hàng được yêu cầu không cung cấp tín dụng cho Moskva với lãi suất thấp. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Liên Xô đảm bảo quy tắc và tính ổn định, nên việc đầu tư vào nước này là có lợi, tình trạng vỡ nợ không thể xảy ra. Chẳng hạn, người Pháp coi nước Nga là đối tác kinh tế tin cậy và cho người Nga vay với các điều khoản rất có lợi, lãi suất chỉ 7,8%/năm, mặc dù khi đó các khoản cho vay của họ đối với khách hàng phương Tây không dưới 17%/năm. Nỗ lực gây khó khăn bằng cách ngưng cấp tín dụng cho Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức và Romania cũng bị thất bại. Liên Xô đã giúp những nước này xóa các khoản nợ cũ trước đây.

Người châu Âu nhất quyết không ủng hộ cuộc chiến khí đốt của Hoa Kỳ chống Liên Xô, bởi họ hiểu rằng, dự án khí đốt này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho các nước Tây Âu. Các nước Tây Âu lúc đó đứng trước nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đạt 14%, tiếp đó là Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức. Đường ống khí đốt đã tạo ra hàng nghìn việc làm, cung cấp cho ngành công nghiệp nhiều đơn đặt hàng. Khí đốt Nga giúp những nước này tăng cường an ninh năng lượng.

Tháng 1-1982, diễn ra cuộc họp của Ủy ban quốc tế về hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Liên Xô. Người Mỹ đề nghị đặc biệt xem xét tất cả những hợp đồng có giá trị trên 100 triệu USD với Liên Xô và các đồng minh của Moskva. Hoa Kỳ muốn được quyền phong tỏa bất kỳ hợp đồng nào của các công ty châu Âu làm ăn với Nga, đặc biệt là những hợp đồng liên quan đến các dự án năng lượng. Pháp và Anh cuối cùng cũng đồng ý nhượng bộ Mỹ, nhưng Cộng hòa Liên bang Đức không chịu (người Đức có lợi nhiều nhất từ các thỏa thuận với Moskva). Sau đó đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước NATO. Tại đây, Washington tiếp tục đề nghị châu Âu từ bỏ dự án đường ống khí đốt Urengoy - Uzhgorod - Tây Âu. Châu Âu đề nghị thỏa hiệp, cho rằng, dự án vẫn sẽ tiếp tục, nhưng trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Châu Âu sẽ không ký với Liên Xô những hợp đồng thay thế những thỏa thuận mà Mỹ hủy bỏ.

Người Mỹ tiếp tục hòng giáng đòn vào nguồn tài chính, nhưng không thành công. Khi đó, Washington quyết định tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Hoa Kỳ cho rằng, có thể phá hoại việc xây dựng tuyến đường dẫn năng lượng, nếu nước này áp lệnh cấm xuất khẩu sang Liên Xô cánh tuabin dùng cho trạm bơm khí đốt. Bởi những chi tiết này do công ty “General Electric” của Mỹ sản xuất, và công ty này đã hủy hợp đồng với phía Nga. Khi đó Moskva đã ký hợp đồng với công ty Pháp chuyên sản xuất thiết bị này theo giấy phép của Mỹ.

 

Mùa hè năm 1982, người Mỹ đề xuất tại Pháp một kế hoạch mới. Theo đó, vẫn để cho đường ống khí đốt tiếp tục được triển khai, nhưng rút xuống từ hai còn một nhánh. Với điều kiện đó, thì Moskva sẽ bị cắt các khoản tín dụng, tức là người Nga xây dựng đường ống bằng tiền của mình, cùng với việc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Liên Xô. Tuy nhiên, Paris và Bonn tiếp tục phản đối Hoa Kỳ. Hơn nữa, người Pháp đã ký với Moskva hợp đồng cho vay. Sau đó tại Bonn (khi đó là thủ đô của Tây Đức) đã diễn ra cuộc gặp giữa các lãnh đạo châu Âu. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan một lần nữa cố gắng thuyết phục các đồng minh NATO từ bỏ đường ống khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nỗ lực này lại tiếp tục thất bại!

Cuộc chiến khí đốt giành thị trường châu Âu

Thất bại tại châu Âu đã làm cho Tổng thống Ronald Reagan nổi giận. Mỹ không thể nào giải quyết được khủng hoảng kinh tế đang đến gần. Đồng đô la chao đảo. Moskva lợi dụng bất đồng giữa Hoa Kỳ và châu Âu để bắt đầu hành động. Khi đó, Reagan với sự ủng hộ của những nhân vật cứng rắn đã quyết định gia tăng trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig bỏ phiếu chống, do không muốn chọc giận các nước đồng minh. Tuy nhiên, ý kiến của ông đã không được lắng nghe và cuối cùng ông buộc phải từ chức.

Tin tức về việc gia tăng trừng phạt đã nhanh chóng gây ra làn sóng phẫn nộ ở Tây Âu. Ngay cả Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng thể hiện sự bất bình, dù Anh là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ. Những hành động của Reagan bị coi là sự thách thức chưa từng có đối với quy luật thị trường. London và Paris đã kêu gọi các công ty Anh và Pháp phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ, vì luật pháp Hoa Kỳ không có hiệu lực tại châu Âu. Phương Tây bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Khi đó, người Mỹ đã tung ra một đòn mới. Hoa Kỳ tuyên bố rằng, các công ty châu Âu vi phạm lệnh cấm vận nên mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ. Đây là điều rất nghiêm trọng. Tháng 10/1982, tại Canada diễn ra đàm phán cấp cao giữa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu vẫn nhất quyết không muốn hạn chế các khoản tín dụng đối với Liên Xô và kiểm soát việc xuất khẩu công nghệ.

 

Tháng 11/1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan buộc phải tuyên bố hủy bỏ cấm vận đối với việc xuất khẩu trang thiết bị trong lĩnh vực dầu khí sang Liên Xô. Đáp lại, người châu Âu cũng đã có những nhượng bộ đối với Mỹ. Họ đồng ý không ký thêm với Moskva những hợp đồng mà trong đó có các điều kiện liên quan việc mua mới khí đốt. Lúc đó, phương Tây cần phải tìm những nguồn năng lượng mới. Vậy là chỉ xây dựng một nhánh của đường ống khí đốt, nên người Nga chỉ có thể kiểm soát không quá 1/3 thị trường năng lượng Tây Âu.

Thắng lợi của Liên Xô

Người Mỹ cho rằng, họ đã giành chiến thắng. Theo họ, Moskva sẽ tiêu tốn ngoài kế hoạch gần 1 tỷ USD để hoàn thành dự án. Rồi người Nga sẽ không thể thay thế những công cụ quản lý vận hành đường ống dẫn khí, van khí đốt, tuabin khí và những sản phẩm “chiến lược quân sự” khác. Ngành công nghiệp Liên Xô sẽ không thể tự sản xuất những thiết bị để bơm khí. Tuy nhiên, Mỹ mới là bên thất bại trong cuộc chiến này. Họ đã không thể phá hoại việc xây dựng đường ống khí đốt Urengoy - Pomary - Uzhgorod.

Moskva buộc phải đồng ý giảm xây dựng hai nhánh đường ống xuống còn một nhánh sang châu Âu. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã trở thành tác nhân giúp phát triển ngành công nghiệp trong nước của Liên Xô. Năm 1982-1985, nhà máy Nevsky đã cho ra đời những trạm bơm khí đốt công suất ban đầu là 16 nghìn kW, sau đó tăng lên 25 nghìn kW. Đóng vai trò quan trọng nhất trong việc này là những kỹ sư chế tạo động cơ đến từ Phòng thiết kế mang tên Kuznetsov ở Kuybyshev (Samara). Mặt khác, Ý đã âm thầm cung cấp máy nén khí cho Liên Xô. Nhờ đó, trong tổng số 40 trạm trên tuyến Siberia – châu Âu, thì có 24 trạm do Liên Xô sản xuất và 16 trạm còn lại là của Ý.

Năm 1985, Liên Xô đã vượt gấp Mỹ 1,5 lần về sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên. Như vậy, các nhà kỹ nghệ của Liên Xô đã giành chiến thắng quan trọng trong “Chiến tranh lạnh” với Hoa Kỳ. Họ đã phá vỡ những kế hoạch của chính quyền Ronald Reagan hòng hủy hoại và làm sụp đổ Liên Xô. Họ còn đảm bảo được việc mở rộng khí đốt của Liên Xô sang châu Âu bằng cách trói buộc người châu Âu về phía mình. Liên Xô cũng có thêm nguồn thu mới. Vì vậy, Moskva có cơ hội tốt để sử dụng một cách hợp lý và khôn ngoan những khoản thu nhập mới của mình. Họ đầu tư vào việc tạo ra những công nghệ mới mang tính đột phá, vào những nhà máy sản xuất tiên tiến, cũng như tăng đầu tư vào lĩnh vực khoa học và giáo dục. Điều này cho phép Liên Xô giành thắng lợi trong cuộc đua “Chiến tranh lạnh” với Mỹ.

 

Tuy nhiên, tất cả những cơ hội này đã bị chôn vùi bởi Mikhail Gorbachev và bộ máy của ông ta. Vị Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền đã bắt đầu tiến hành những thử nghiệm kỳ quái để rồi làm kiệt quệ nền kinh tế trong nước, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm