Quốc tế

Nhóm tác chiến UAV sẽ là một trong các xu hướng tác chiến đường không tương lai?

Trong cuộc xung đột đang diễn ra tại vùng Nagorno-Karabakh, một điểm đáng chú ý là quân đội Azerbaijan đã sử dụng thành công các tổ hợp máy bay không người lái tấn công (UACV) tấn công đột kích vào các vị trí tiền tuyến của phía Armenia, trong đó có nhiều vị trí được bảo vệ bởi các tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp.

UAV khủng bố tấn công quân đội Syria ở miền Nam Idlib / Iran bắn hạ UAV không xác định ở tỉnh Đông Azerbaijan?

Chiến lệ này tiếp tục khẳng định chiến thuật sử dụng các nhóm UACV tham chiến sẽ giúp đạt ưu thế nhất định trên chiến trường. Thực tế, quân đội nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) như một phương tiện tấn công, nhưng những tiến bộ về công nghệ gần đây trong các lĩnh vực dẫn đường, vũ khí tích hợp đã giúp nâng hiệu quả tác chiến của phương án này lên tầm cao mới và hiện chưa có phương án đối phó hữu hiệu.

“Bầy đàn” UAV

Chiến thuật sử dụng UAV trong chiến đấu để giành lợi thế trên không thực tế đã được quân đội Israel áp dụng từ đầu những năm 1980. Trong Chiến tranh Trung Đông lần thứ 5 năm 1982, Không quân Israel đã từng sử dụng số lượng lớn UAV Delilah khiến hệ thống phòng không Syria bộc lộ và làm mồi cho các đợt tấn công đột kích sau đó của lực lượng máy bay chiến đấu chiến thuật.

Trong năm 2019, Yemen với việc sử dụng hàng loạt UACV tự sát đã phá hủy nhiều cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Cuộc tấn công bất ngờ giá rẻ này mang hiệu quả cao đến mức làm giảm sản lượng dầu mỏ khai thác của Al- Riyadh‎ xuống tới 50%.

Chiến thuật sử dụng "bầy đàn" UACV sẽ được sử dụng rộng rãi trong tương lai.

Tại tỉnh Idlib (Syria), Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các đội hình UAV hỗn hợp Bayraktar TB2 cho nhiệm vụ trinh sát và TAI Anka cho mục đích đa nhiệm. Các “bầy đàn” UAV này hoạt động phối hợp cùng nhau với khả năng giám sát liên tục trên không liên tục nhiều giờ. Khi phát hiện ra mục tiêu, UACV sẽ tấn công bằng vũ khí mang theo hoặc lao thẳng vào mục tiêu để tiêu diệt. Chiến thuật này tỏ ra khá hiệu quả và một lần nữa được áp dụng tại Lybia. Nếu ở Syria, các bầy đàn UAV chủ yếu tập trung tấn công các phương tiện chiến đấu lục quân của lực lượng chính phủ, thì tại Lybia, chúng được sử dụng để tấn công các khí tài có giá trị cao như tổ hợp tên lửa phòng không, tác chiến điện tử do Nga sản xuất đang có trong trang bị lực lượng Thống chế Khalifa Haftar – LNA. Đã có nhiều đoạn clip miêu tải việc các nhóm UACV do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho lực lượng đối lập của Thủ tướng Fayez al-Sarraj – GNA đã theo sát tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1 và lao vào tấn công mục tiêu khi chúng sơ hở hoặc hết đạn.

Mới đây nhất là tại khu vực Nagorno-Karabakh, các nhóm UACV Bayraktar TB2 mang tên lửa không đối đất Roketsan MAM-L được Azerbaijan mua từ Thổ Nhĩ Kỳ đã được sử dụng để tấn công vào các vị trí của Armenia. Rất nhiều mục tiêu, trong đó có cả các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp 9K33 Osa và 9K35 Strela-10SV của Armenia đã bị phá hủy bởi các nhóm UACV tấn công. Hầu hết các loại vũ khí phòng không trên đều không có phản ứng khi bị tấn công. Điều này có thể được lý giải bằng việc chúng đã bị phát hiện sớm bởi các UAV trinh sát tầm cao. Sau đó các nhóm UACV sẽ bí mật bay thấp tiếp cận mục tiêu và tấn công bất ngờ.

Nhỏ gọn, chi phí rẻ và hoạt động lâu trên không là lợi thế của UACV mà không phương tiện bay có người lái nào có thể so sánh.

Phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công đột kích

Những chiến lệ nói trên cho thấy, các nhóm UAV nhỏ gọn, chi phí rẻ, thời gian chuyển trạng thái ngắn tạo lợi thế chiến thuật rất lớn trên chiến trường. Chiến thuật "bầy đàn" UAV phù hợp với các đòn tấn công bất ngờ vào các vị trí đối phương không kịp phòng bị. Chiến thuật này sẽ càng hiệu quả hơn nữa với công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), khi đó các đơn vị UAV trong "bầy đàn" sẽ tự biết phân công nhiệm vụ và chọn lựa mục tiêu có giá trị chiến thuật cao nhất.

Nhóm UACV của Azerbaijan phát hiện và tấn công vị trí phòng thủ của phía Armenia. Ảnh: Defense News.

Có thể thấy, các nhóm UAV tấn công phù hợp với việc tấn công các đơn vị, nhóm tác chiến quy mô nhỏ đồn trú hoặc cơ động vì chúng thiếu các khí tài phòng không che đầu cần thiết. Vì năng lực phòng không hạn chế, các nhóm tác chiến này rất dễ tổn thương và trở thành mồi ngon cho các nhóm UAV chiến đấu có khả năng rình mò cả ngày trên không và tấn công bất ngờ vào thời điểm thích hợp. Trong khi đó, với các căn cứ quân sự quy mô có đủ các phương tiện phòng không cứng (pháo, tên lửa), mềm (tác chiến điện tử) thì chiến thuật này tỏ ra chưa hiệu quả. Điển hình cho vấn đề này chính là các căn cứ quân sự Nga Hmeymin và Tartus tại Syria từng nhiều lần bị tấn công bởi các “bầy đàn” UAV tự sát. Tuy nhiên, lưới phòng thủ mạnh kết hợp cả áp chế cứng bằng hỏa lực phòng không và áp chế mềm bằng tác chiến điện tử đã khiến các đợt tấn công bằng UAV của phiến quân Syria không đạt được kết quả như mong muốn.

 

Đánh giá về tương lai của các nhóm tác chiến UAV, Tổng biên tập Tạp chí Phương tiện không người lái (Nga), Denis Fedutinov cho rằng, chiến thuật này có thể là xu hướng tác chiến đường không trong tương lai. Thông qua AI, các UACV có thể thực hiện hành động theo nhóm mà không cần sự hiện diện của một trung tâm ra quyết định thống nhất, tương tự với hành vi “bầy đàn” trong các nhóm động vật.

Với giới hạn công nghệ ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện những "bầy đàn" UACV tấn công có quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc như trong các bộ phim bom tấn của Hollywood đồng loạt tấn công, làm quá tải hệ thống phòng thủ và tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, kịch bản đó có thể diễn ra trong vài thập kỷ tới với sự tiến bộ của công nghệ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm