Những “khắc tinh” tương lai của tàu sân bay
Điều kỳ lạ trên chiến đấu cơ Su-57 khiến truyền thông Mỹ trầm trồ / Su-30SM Nga mang tên lửa Kh-31 "uy hiếp nghiêm trọng" chiến hạm Mỹ
“Khắc tinh” đầu tiên được Tạp chí National Interest đề cập là các tàu ngầm không người lái. Theo bài viết, tàu ngầm từ lâu đã gây ra mối đe dọa “chết chóc nhất” đối với tàu sân bay. Điều này đã được chứng thực trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong "Chiến tranh lạnh", hải quân Mỹ cũng từng xem tàu ngầm của Liên Xô là “một vấn đề nghiêm trọng”. Hiện nay, khi năng lực tác chiến chống ngầm ngày càng được nâng cao, khó khăn lớn nhất của tàu ngầm là làm sao phát hiện ra tàu sân bay và chọn đúng vị trí khai hỏa (tên lửa hoặc ngư lôi) trước khi bị các máy bay cũng như các tàu hộ tống của tàu sân bay phát hiện và tiêu diệt. Nếu chỉ huy tàu ngầm không muốn tự sát, tìm được đường thoát thân cũng là một vấn đề. Theo Tạp chí National Interest, tàu ngầm không người lái có thể giải quyết được vấn đề trên. Theo đó, tàu ngầm không người lái có thể chờ đợi “vô thời hạn” dọc tuyến đường mà tàu sân bay nhiều khả năng sẽ đi qua, sau đó lập tức lao đến tấn công khi phát hiện “con mồi”. “Chỉ cần trang bị một vài vũ khí, các tàu ngầm không người lái hoạt động tự chủ trong các điều kiện định sẵn có thể khiến tàu sân bay trong tương lai phải “căng não”, Tạp chí National Interest nhấn mạnh.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: US Navy |
“Khắc tinh” thứ hai là các cuộc tấn công mạng. Tạp chí National Interest cho biết, tàu sân bay hiện nay là “một hệ thống cực kỳ phức tạp”. Mặc dù tất cả đều được liên kết số hóa, có tính bảo mật cao nhưng không có gì bảo đảm là an toàn tuyệt đối. Đối phương luôn tìm mọi cách xâm nhập và phá hủy hệ thống máy tính vốn đóng vai trò giúp tàu sân bay phát huy tối đa sức mạnh. “Tác động của các cuộc tấn công mạng đối với tàu sân bay có thể khác biệt khá lớn. Nhẹ nhất là chúng có thể khiến tàu sân bay “bị mù”, làm cho tàu sân bay và máy bay trên tàu khó thực hiện nhiệm vụ. Chúng còn có thể làm lộ vị trí, khiến tàu sân bay dễ trở thành mục tiêu tấn công của các tên lửa và tàu ngầm. Nặng nhất là các cuộc tấn công mạng có thể làm tê liệt các hệ thống điều khiển chủ chốt, khiến tàu sân bay mất khả năng tự vệ”, Tạp chí National Interest nêu rõ.
“Khắc tinh” thứ ba là máy bay không người lái. Máy bay không người lái-vốn có thể sử dụng cả vũ khí tầm xa lẫn tầm ngắn, có sự linh hoạt để chế áp các mạng lưới phòng không, nhất là khi không phải lo ngại về tính mạng của các phi công tham chiến. “Chúng có thể triển khai vũ khí ở những cự ly khác nhau, sau đó áp sát mục tiêu và sử dụng thân mình để gây thiệt hại chết người với tàu sân bay. Trên thế giới này, không gì nguy hiểm hơn một người máy không còn gì để mất”, Tạp chí National Interest khẳng định.
Một “khắc tinh” khác không thể không nhắc đến là các vũ khí siêu thanh. Đây là loại vũ khí đang dành được sự quan tâm lớn của các cường quốc quân sự trên thế giới. Về nhiều phương diện, vũ khí siêu thanh tạo ra mối đe dọa tương tự các tên lửa đạn đạo. Điểm khác biệt là vũ khí siêu thanh không bay theo quỹ đạo hình parabol để có thể đoán trước mà đánh chặn. Đối phó với vũ khí siêu thanh được ví như đang cố gắng “bắn vào một viên đạn có thể đổi hướng bay giữa chừng”. “Vũ khí siêu thanh kết hợp khả năng sát thương nhất của cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình”, Tạp chí National Interest nhấn mạnh.
Tàu sân bay được xem là “các công cụ ảnh hưởng địa-chính trị”. Chừng nào các tàu sân bay còn duy trì hiệu quả được vai trò này, chừng đó các đối thủ vẫn còn tìm mọi cách vô hiệu hóa chúng. “Bằng cách này hay cách khác, tàu sân bay cũng đã được sử dụng gần 100 năm. Đến một lúc nào đó, trò chơi sẽ kết thúc: Tàu sân bay không còn khả năng tấn công cần thiết. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào ngày ấy sẽ đến. Chúng ta có thể chỉ biết được sau khi một trong những món đồ quý giá này của lực lượng hải quân bị tiêu diệt”, Tạp chí National Interest nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo