Những loại vũ khí rẻ tiền nhưng lợi hại trong chiến tranh hiện đại
Tình thế cam go của lính Ukraine khi bị Nga vây ép từ 3 hướng ở Bakhmut / Ukraine thừa nhận dùng Patriot đánh chặn tên lửa S-300 là không thực tế
Tàu mặt nước không người lái
Một tàu mặt nước không người lái Devil Ray của Mỹ trong cuộc tập trận ở Vịnh Aqaba tháng 3/2023. Ảnh: Quân đội Mỹ
Theo trang theconversation.com, khi Ukraine triển khai thành công những chiếc thuyền không người lái để thực hiện cuộc tấn công lớn vào hải quân Nga tại Sevastopol ở Crimea vào tháng 9/2022, đó là một thời điểm quyết định làm thay đổi tương lai của chiến tranh hải quân. Các tàu mặt nước không người lái (USV) đã được sử dụng trước đây, nhưng đây là trường hợp đầu tiên có nhiều USV có vũ trang, được triển khai đồng thời kết hợp với máy bay không người lái (UAV) để thực hiện thành công chiến dịch tấn công hải quân vào một mục tiêu quân sự.
Một số tàu Nga đã bị hư hỏng trong cuộc tấn công và USV có thể xuyên thủng hàng phòng thủ của cảng và gây thiệt hại cho các tàu trong khu neo đậu được bảo vệ.
Các USV có một số lợi thế so với các tàu có người lái thông thường, khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với hải quân và nhiều quốc gia đã phát triển hoặc thử nghiệm USV trong những năm gần đây.
Mỹ đã đầu tư nhiều và xây dựng kế hoạch chiến lược để có được các phương tiện không người lái cỡ trung, cỡ lớn và cực lớn để hoạt động cả trên mặt nước và dưới nước. Đến năm 2052, hơn một nửa số tàu thuộc hải quân Mỹ sẽ là tàu không người lái.
Các lực lượng hải quân khác như Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia đều không muốn bị bỏ lại phía sau và đang tích cực phát triển các phương tiện tàu tự lái, không cần thủy thủ đoàn.
Khi không có thủy thủ đoàn, thiết kế của con tàu có thể tinh giản vì không cần tính đến các nhu cầu của con người như ngủ, ăn và an toàn. Vì vậy, các tàu này nhỏ hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và có thể ở trên biển trong thời gian dài hơn, trong điều kiện khắc nghiệt hơn mà không có bất kỳ rủi ro thương tích hoặc sai sót nào của con người.
Nếu được trang bị vũ khí, các USV có thể tấn công mục tiêu chỉ bằng một nút bấm. Nếu được trang bị vũ khí tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), USV có thể xác định, thu thập và tấn công mục tiêu mà không cần giám sát của con người và làm với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Hồi tháng 12/2022, Phó đô đốc Roy Kitchener, chỉ huy lực lượng mặt nước của hải quân Mỹ, đã nhận xét rằng USV sẽ là chất xúc tác cho đổi mới trong hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ông nói: “Việc triển khai các hệ thống không người lái sẽ tăng tốc độ ra quyết định và khả năng sát thương để nâng cao lợi thế chiến đấu của chúng ta”.
Máy bay không người lái
Các tình nguyện viên học cách vận hành UAV Mavic ở vùng Kharkiv của Ukraine vào ngày 26/9/2022. Ảnh: Washington Post
Ngoài USV, UAV cũng là một thứ vũ khí rẻ tiền nhưng hiệu quả với cả Nga và Ukraine. Cả hai bên đều coi đây là một công nghệ chiến thuật và mức độ phụ thuộc vào UAV tiếp tục tăng theo cấp số nhân khi cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục bước sang tháng thứ 14.
Theo kênh Al Jazeera, UAV có thể làm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ nhiệm vụ trinh sát đến tấn công. UAV cũng có thể khác nhau về kích thước và năng lực, từ UAV thương mại được tái sử dụng, như chiếc DJI Mavic 3 có giá dưới 2.000 USD và chủ yếu được sử dụng cho mục đích giám sát, tới những chiếc UAV như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, cần có đường băng và một phi hành đoàn điều khiển trong một trạm kiểm soát trên mặt đất.
Tầm quan trọng của UAV trong xung đột Ukraine đã rõ ràng kể từ những ngày đầu tiên. Các binh sĩ Ukraine đã sử dụng UAV để theo dõi các hoạt động chuyển quân của Nga khi nước này tiến hành một cuộc tấn công đa hướng vào miền Bắc, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Vào tháng 7/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi về “đội quân máy bay không người lái”. Ông kêu gọi tư nhân đầu tư tiền để mua các UAV cấp quân sự từ các quốc gia trên toàn thế giới.
Theo ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine, nước này đã mua 1.765 UAV với chi phí 3,4 tỷ USD và đã đào tạo 3.500 nhân sự để vận hành UAV. Quân đội Ukraine cũng đã thành lập 60 nhóm UAV tấn công mới, trong đó có ít nhất một nhóm trong mỗi lữ đoàn.
Một máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 tại triển lãm quân sự ở Kubinka, ngoại ô Moskva ngày 20/8/2022. Ảnh: Washington Post
Trong khi đó, đầu tháng 10/2022, Nga bắt đầu tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng và công trình ở Ukraine bằng UAV cảm tử Shahed-136. Shahed-136 có sải cánh dài 2,5 mét và có thể bay lượn phía trên mục tiêu cho đến khi được lệnh tấn công.
Ukraine và các đồng minh phương Tây nói rằng Nga đã mua hàng trăm UAV Shahed-136 và phía Iran đã cử người tới Ukraine để giúp Nga vận hành. Shahedxuất hiện lần đầu tại Ukraine vào ngày 20/9/2022 và ban đầu được sử dụng ở miền Nam Ukraine.
Kể từ đó, UAV của Nga đã xuất hiện khắp nơi. Shahed có ít bộ phận bằng kim loại và bay thấp nên rất khó bị phát hiện. Các hệ thống tên lửa đất đối không đắt tiền, như S-300 hoặc Buk, có thể tiêu diệt chúng, nhưng làm như vậy sẽ lãng phí các nguồn lực mà Ukraine muốn sử dụng để chống lại các tên lửa có độ chính xác cao của Nga.
Nga không chỉ dùng UAV do Iran sản xuất. Ngày 8/6/2022, Tập đoàn công nghệ Nhà nước Nga Rostec cho biết máy bay không người lái KUB và “sát thủ Thần Phong” Lancet của Nga đang được triển khai dày đặc trong các hoạt động tác chiến ở Ukraine.
Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Rostec cho biết: “Máy bay không người lái KUB và Lancet đã chứng minh được giá trị trong mọi điều kiện chiến đấu. Cả hai loại UAV này đều hoạt động khá nhanh, êm, dễ sử dụng và có khả năng bao quát ở khoảng cách hàng chục km với độ chính xác cao”.
Những loại UAV này cơ bản được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất từ xa. Đặc biệt, Rostec giải thích rằng Lancet có khả năng tự điều khiển hiệu quả, có thể mang hệ thống quang điện giúp tự phát hiện và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác.
Máy bay không người lái cảm tử KUB do ZALA Aero – chi nhánh của Tập đoàn Kalashnikov thuộc Rostec – chế tạo. Nó có thể mang đầu đạn nặng tới 3 kg, hoạt động trong 30 phút và tăng tốc lên 130 km/h.
Máy bay không người lái Lancet cũng do ZALA Aero chế tạo và được trang bị một số hệ thống nhắm mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử và kết hợp công nghệ. Loại UAV cảm tử này có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40 km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12 kg.
Mới đây nhất, hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố dự án phát triển máy bay không người lái. Ước tính Nga cần khoảng 500 tỷ ruble (6,1 tỷ USD) cho dự án này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025