Quốc tế

Những phương án giúp ông Trump buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump có thể sử dụng một số công cụ, cả về pháp lý và thuế quan, để buộc các công ty Mỹ phải rời khỏi Trung Quốc trong lúc cuộc chiến thương mại leo thang.

Điểm danh những đất nước không có quân đội / Súng trường tấn công Galil: "AK-47" của người Do Thái

Vài giờ sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ để đáp trả các động thái cứng rắn của Washington trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Donald Trump yêu cầu các công ty Mỹ “bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty (Mỹ) về nước và sản xuất hàng hóa tại Mỹ”.
<>

Theo Reuters, động thái trên của Tổng thống Trump tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số liệu của viện nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, các công ty Mỹ đầu tư tổng cộng 256 tỷ USD tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2017, so với số tiền 140 tỷ USD do các công ty Trung Quốc đầu tư tại Mỹ.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP.

Một số công ty Mỹ đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ trước khi cuộc chiến áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra từ cách đây hơn một năm. Tuy vậy, việc giảm dần hoạt động và chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc cần phải có thêm thời gian.

Hơn nữa, nhiều công ty Mỹ như các công ty hoạt động trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, dịch vụ và bán lẻ chắc chắn sẽ chần chừ trong việc rời bỏ một thị trường không chỉ rộng lớn mà còn tăng trưởng nhanh như Trung Quốc.

Không giống như Trung Quốc, Mỹ không có một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Vậy Tổng thống Trump có thể sử dụng công cụ pháp lý nào để buộc các công ty Mỹ phải tuân thủ mệnh lệnh của ông chủ Nhà Trắng, đó là rời khỏi Trung Quốc và chuyển hoạt động sản xuất về quê nhà.

Reuters chỉ ra một số công cụ hữu hiệu giúp Tổng thống Trump đạt được mục tiêu như ông đề ra mà không cần sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ.

 

Đánh thuế nhiều hơn

Tổng thống Trump có thể hành động mạnh tay hơn những gì ông đang làm, đó là tăng thuế quan để đánh đủ mạnh vào lợi nhuận của các công ty, từ đó buộc họ phải chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc.

“Bắt đầu từ ngày 1/10, 250 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm từ Trung Quốc đang bị đánh thuế 25%, sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. Ngoài ra, 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm còn lại từ Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, bây giờ sẽ được đánh thuế ở mức 15%”, ông Trump thông báo hôm 23/8.

Ngoài việc khiến các đối tác phải trả khoản tiền đắt đỏ hơn khi mua các thiết bị từ các nhà cung ứng Trung Quốc, việc tăng thuế cũng gây khó khăn cho các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa thông qua hình thức liên doanh tại Trung Quốc.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia

 

Tổng thống Trump có thể đối xử với Trung Quốc giống như Iran và ra lệnh trừng phạt Bắc Kinh, thông qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo một đạo luật được ban hành từ năm 1977 có tên gọi Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).

Theo các cựu quan chức liên bang và chuyên gia pháp lý, ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, đạo luật trên sẽ cho phép ông Trump mở rộng thẩm quyền để ngăn chặn mọi hoạt động của các công ty đơn lẻ hoặc thậm chí toàn bộ các ngành kinh tế.

Theo Tim Meyer, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Luật pháp Quốc tế tại Trường Luật Vanderbilt ở Nashville, bằng việc tuyên bố Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ và cấu thành tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể lệnh cho các công ty Mỹ tránh thực hiện một số giao dịch nhất định, như mua các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay Tổng thống Trump cũng từng sử dụng chiến lược tương tự khi ông tuyên bố nhập cư bất hợp pháp là tình trạng khẩn cấp quốc gia và dọa áp thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.

Các đời tổng thống Mỹ trước đây cũng từng kích hoạt đạo luật IEEPA để đóng băng tài sản của các chính phủ nước ngoài, như cựu Tổng thống Jimmy Carter từng phong tỏa tài sản thuộc sở hữu của chính phủ Iran khi giao dịch qua hệ thống tài chính của Mỹ.

 

Tuy vậy, theo Peter Harrell, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các lệnh trừng phạt, việc sử dụng biện pháp này có thể gây tổn hại không mong muốn cho nền kinh tế Mỹ. Giới chức Mỹ cần cân nhắc tác động của các đòn trả đũa mà Trung Quốc có thể tung ra, cũng như việc các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Ngoài ra, Mark Wu, giáo sư về thương mại quốc tế tại Trường luật Harvard, cho rằng việc kích hoạt đạo luật IEEPA có thể dẫn tới những thách thức về pháp lý tại các tòa án Mỹ.

Hạn chế hợp đồng liên bang

Theo Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một phương án khác mà Tổng thống Trump có thể sử dụng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội là cấm các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các hợp đồng liên bang nếu họ vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, biện pháp này có thể nhắm mục tiêu tới một số lĩnh vực nhất định vì sắc lệnh chung được đưa ra có thể tác động tới các công ty như Boeing, nhà sản xuất vũ khí chủ chốt cho Lầu Năm Góc và là hãng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.

 

Boeing mở nhà máy hoàn thiện dòng máy bay 737 đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2018. Đây là dự án đầu tư chiến lược nhằm cạnh tranh với đối thủ Airbus của châu Âu.

Đạo luật Buôn bán với Kẻ thù

Một biện pháp mạnh tay mà Tổng thống Trump có thể sử dụng, mặc dù khó có khả năng xảy ra, là kích hoạt Đạo luật Buôn bán với Kẻ thù năm 1917, được Quốc hội Mỹ thông qua trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh và trừng phạt thương mại với bất kỳ nước nào mà Mỹ đang có chiến tranh. Tuy nhiên theo giáo sư Wu, ông Trump khó có thể kích hoạt đạo luật này vì nó sẽ khiến căng thẳng với Trung Quốc leo thang mạnh mẽ.

“Sẽ là bước đi nghiêm trọng hơn rất nhiều khi tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù mà Mỹ đang có chiến tranh, nhất là trong bối cảnh tổng thống (Trump) từng nhiều lần ca ngợi mối quan hệ hữu hảo và sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình”, giáo sư Wu cho biết.

 

Theo Thành Đạt/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm