Những tổn thất "kinh hoàng" của lực lượng tăng, thiết giáp Syria
Thổ Nhĩ Kỳ quyết "chơi tất tay" ở Syria: Trừng trị thích đáng nhóm phiến quân "phản chủ"? / Lo ngại phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, không quân Nga - Syria "nhường sân chơi" cho pháo binh
Là quốc gia có truyền thống sử dụng vũ khí của Liên Xô, tính từ khi giành được độc lập từ tay người Anh (năm 1947), cho đến thời điểm hiện nay, Syria đã nhập gần 4.700 chiếc xe tăng của Liên Xô/Nga.
Trước khi bùng nổ cuộc nội chiến năm 2011, Syria có khoảng 3.000 xe tăng và là quốc gia có số lượng xe tăng nhiều nhất khu vực Trung Đông và đứng thứ sáu trên thế giới.
Khi cuộc nội chiến bước sang năm thứ mười, số lượng xe tăng của Quân đội chính phủ Syria (SAA) đã bị hao hụt nghiêm trọng. Theo thống kê, SAA đã bị thiệt hại 2.677 xe tăng, xe bọc thép các loại, nhiều hơn cả số xe tăng, xe bọc thép hiện đang hoạt động trong quân đội Mỹ hiện nay.
Số xe tăng của SAA bị phá hủy không chỉ có các loại xe tăng kiểu cũ như T-55 và T-62, mà cả số xe tăng hiện đại hơn như T-72 và thậm chí cả T- 90 mà Nga mới viện trợ.
Những tổn thất "khủng khiếp" của tăng, thiết giáp Syria sau 10 năm nội chiến
Với sự tham gia của quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc nội chiến ở Syria không chỉ giới hạn trong các cuộc đối đầu giữa các nhóm vũ trang trong nước. Tình từ thời điểm nổ ra chiến tranh vào năm 2011, có thể chia toàn bộ cuộc chiến thành ba giai đoạn; trong đó, từ năm 2012 đến năm 2015 có thể được chia thành ba khoảng thời gian.
Từ năm 2011 đến 2012, khi Nội chiến Syria nổ ra, lực lượng tăng, thiết giáp của SAA có khoảng 2.000 chiếc T-55; 1.000 chiếc T-62 và 1.500 T-72. Ngoài ra, họ còn có hơn 2.000 xe chiến đấu bộ binh BMP và 400 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và hơn 400 pháo tự hành các loại.
Trong thời kỳ này, phe đối lập Syria còn non trẻ, nên lực lượng tăng, thiết giáp của SAA tham chiến nhưng ít chịu thiệt hại. Tổng cộng trong 2 năm đầu của cuộc nội chiến, Quân đội Syria bị thiệt hại chưa tới 50 xe tăng, xe bọc thép.
Lý do khi đó, lực lượng nổi dậy chưa có nhiều vũ khí chống tăng hiệu quả, họ chỉ có thể tấn công bằng bom cài bên đường và các súng chống tăng vác vai, có tầm bắn hạn chế.
Xe tăng T-72 AV của Quân đội chính phủ Syria
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2012, một số quốc gia bắt đầu bí mật hỗ trợ phe đối lập Syria, cung cấp một lượng lớn vũ khí, bao gồm một số lượng đáng kể tên lửa chống tăng rất hiện đại, trong đó có tên lửa chống tăng TOW-2A do Mỹ chế tạo.
Phe đối lập Syria thời kỳ đầu cũng chưa có nhiều kỹ năng sử dụng những vũ khí chống tăng tiên tiến này. Thế nhưng sau đó, phương Tây đã bí mật đưa các lực lượng đặc biệt, để huấn luyện kỹ năng sử dụng cho các lực lượng nổi dậy. Do vậy, đến năm 2013, tình hình đã đảo ngược.
Quân đội chính phủ Syria chủ quan nghĩ rằng, phiến quân không thể tấn công xe tăng của họ một cách hiệu quả. Vì vậy, xe tăng của SAA thường đột kích vào các khu vực do phiến quân kiểm soát, mà thường không có sự hỗ trợ của lực lượng bộ binh đi cùng.
Lúc này, phiến quân không chỉ có súng chống tăng cầm tay PRG-7 (Việt Nam gọi là B-41), mà họ còn có các hệ thống tên lửa chống tăng hạng nặng của phương Tây. Kết quả là lực lượng tăng thiết giáp của SAA đã bị đánh áp đảo, chỉ tính riêng trong năm 2013, SAA đã bị thiệt hại 528 xe tăng, xe bọc thép các loại.
Bắt đầu từ năm 2014, khi nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trỗi dậy, một số lớn lực lượng phiến quân đã gia nhập IS. Giai đoạn này, hàng chục xe tăng T-55 của SAA trong căn cứ và hơn 30 xe bọc thép đã bị lực lượng IS thu giữ. Từ năm 2014 đến 2015, SAA liên tục bị lực lượng IS tấn công và đánh bại, ngay cả ngay cả các thành phố lớn của Syria cũng bị rơi vào tay IS.
Các khu vực Homs và Aleppo và một số khu vực bên ngoài Thủ đô Damascus trở thành những chiến trường chính. Trong năm 2014, SAA bị thiệt hại 399 xe tăng, năm 2015 mất thêm 317 xe tăng.
Khi phiến quân được trang bị tên lửa chống tăng TOW-2A, đã làm thay đổi cục diện chiến trường
Trong ba năm vừa qua, phiến quân tiếp tục gây ra tổn thất nặng nề cho lực lượng tăng, thiết giáp của SAA dù hiện nay số lượng tên lửa chống tăng hiện đại của chúng đã thiếu hụt nghiêm trọng do phương Tây kiểm soát chặt chẽ hơn số vũ khí này vì sợ rơi vào tay khủng bố.
Cùng với đó là việc phiến quân đã sử dụng lãng phí số tên lửa này, khi dùng cả tên lửa chống tăng để chống lại lực lượng bộ binh.
Với sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria, Không quân Nga đã hoàn toàn làm chủ trên không, phá hủy hầu hết các phương tiện tăng, thiết giáp của phiến quân và thực hiện có hiệu quả việc phong tỏa, hạn chế đưa vũ khí ở bên ngoài vào lãnh thổ Syria.
Bên cạnh đó, Nga cũng đã viện trợ gấp số xe tăng T-62 hiện trong kho dự trữ của Nga cho Quân đội chính phủ Syria. Thậm chí, Nga còn viện trợ cả xe tăng T-90 cho sư đoàn thiết giáp Tiger ưu tú nhất của SAA. Kể từ đó, sức mạnh của lực lượng tăng, thiết giáp SAA đã tăng lên rất nhiều và liên minh Nga - Syria bắt đầu khôi phục lại vùng đất đã mất.
Nhưng ngay cả khi có sự yểm trợ mạnh mẽ của Không quân Nga, lực lượng tăng, thiết giáp SAA vẫn phải chịu những tổn thất nặng nề. SAA tiếp tục mất 243 xe tăng và xe bọc thép trong năm 2017 và 78 chiếc trong năm 2018.
Nguyên nhân thiệt hại của lực lượng tăng, thiết giáp Syria
Những tổn thất nặng nề của lực lượng tăng, thiết giáp Quân đội Syria một phần là do những kíp xe đều là lính tân binh, chưa có kinh nghiệm. Cùng với đó là ý chí chiến đấu bạc nhược, dẫn đến hiệu quả chiến đấu thấp, phiến quân đã bắt sống nhiều xe tăng của SAA, và sử dụng chống lại chính lực lượng SAA.
Nhưng thiệt hại lớn nhất của lực lượng tăng, thiết giáp SAA đó chính là do tên lửa chống tăng TOW-2A gây nên, có thể nói đây là loại vũ khí đã làm thay đổi cục diện chiến trường tại Syria, kể cả xe tăng T-90 mới nhất, mặc dù được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động và giáp phản ứng nổ hiện đại, nhưng vẫn bị thiệt hại vì loại tên lửa này.
Xe tăng T-90 của SAA bị tên lửa TOW-2A bắn cháy vào tháng 11 năm 2017
Vào tháng 10 năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria. Từ cuối tháng 2 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân", tiến công dữ dội vào lực lượng Syria ở tỉnh Idlib.
Trong chiến dịch này, máy bay không người lái (UAV) vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát huy tốt vai trò là "sát thủ trên không", tiêu diệt một số chỉ huy của lực lượng tăng, thiết giáp và săn lùng xe tăng của SAA. Trong cơn hoảng loạn, một số kíp xe tăng của SAA thậm chí đã bỏ lại những chiếc T-90, để bị phiến quân bắt giữ và giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu.
Trước tình hình thiệt hại nặng của SAA trước UAV vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib, buộc quân đội Nga phải đưa một số đơn vị tác chiến điện tử, cứu nguy cho Quân đội chính phủ Syria.
Sau khi hạn chế được sự nguy hiểm từ số UAV vũ trang của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội chính phủ Syria đã đứng vững và chặn đứng các cuộc tấn công của phiến quân thân Ankara.
Trong ba tháng đầu năm nay, lực lượng tăng, thiết giáp của quân đội chính phủ Syria tiếp tục bị thiệt hại. Họ mất thêm 109 xe tăng, bao gồm cả loại tăng mới nhất T-90 và T-72M tốt nhất.
Tổng cộng, Quân đội chính phủ Syria đã mất 2.677 xe tăng, xe bọc thép trong vòng chưa đầy 10 năm nội chiến. Đây là tổn thất có thể nói là "khủng khiếp", mà không có nguồn nào có thể bù đắp được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo