Quốc tế

Oanh tạc cơ Tu-160M giúp Không quân Nga khôi phục sức mạnh vượt trội

Oanh tạc cơ Tu-160M sẽ là sự bổ sung đáng giá cho các máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 của Không quân Nga.

Mỹ dùng phương pháp cây gậy và củ cà rốt để chống lại tiêm kích Su-35 Nga / 'Sát thủ' BrahMos và tham vọng lớn của Ấn Độ

Oanh tạc cơ tu-160M nâng cấp mới đây đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên rất thành công, phương tiện tác chiến này theo đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Lực lượng vũ trang Nga.

Cần nhắc lại, Tu-160 được phát triển tại Liên Xô để đáp trả chiếc Rockwell B-1 Lancer của Mỹ, khi các máy bay ném bom cận âm Tu-95 và M-4 không thể vượt qua hệ thống phòng không của khối NATO một cách hiệu quả.

Kết quả là một oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh độc đáo đã xuất hiện. Thiên nga trắng đã thiết lập 46 kỷ lục thế giới và từ đó trở thành một phần không thể thiếu trong "bộ ba hạt nhân" của Nga với tư cách vũ khí của Hàng không tầm xa.

Sau khi Liên Xô ta rã, hơn 20 chiếc Tu-160 vẫn còn phục vụ. Năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố cần tiếp tục sản xuất Tu-160 phiên bản M (hiện đại hóa). Năm sau, 2016, Nhà máy Kazan bắt đầu khôi phục việc sản xuất loạt Thiên nga trắng.

Có thông báo rằng Bộ Quốc phòng sẽ mua một lô 50 máy bay ném bom Tu-160M. Đồng thời, những oanh tạc cơ mang tên lửa hiện có cũng sẽ được hiện đại hóa sâu với nhiều thay đổi đáng giá.

Trước hết là động cơ turbine phản lực NK-32-02. Vào năm 2016, Kuznetsov PJSC tiếp tục sản xuất thiết bị này sau khi hoàn thành hiện đại hóa sâu. Tu-160M giờ đây sẽ có thể duy trì tốc độ siêu âm Mach 2 trong 45 phút và bán kính chiến đấu tăng thêm 1.000 km.

Thứ hai, không giống như những chiếc Tu-160 ban đầu được thiết kế cho một cuộc tấn công hạt nhân, các máy bay hiện đại thực sự đa chức năng, như đã được chứng minh trong quá trình tham chiến ở Syria.

"Thiên nga trắng" có thể mang tên lửa hành trình tầm xa và tầm trung cũng như bom rơi tự do, cho phép chúng được sử dụng như "cánh tay nối dài" của Moskva trong cuộc xung đột thông thường ở cường độ trung bình.

Thứ ba, Tu-160M nhận được hệ thống điện tử hàng không hiện đại, hệ thống điều khiển kỹ thuật số mới nhất, thiết bị định vị và ngắm bắn tối tân. Kích thước của máy bay cho phép phi công thậm chí có thể đi bộ trên đó trong những chuyến bay dài.

"Thiên nga trắng" hồi sinh sẽ mở rộng đáng kể khả năng của Nga trong lĩnh vực "răn đe hạt nhân", cũng như sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang phi hạt nhân. Những máy bay này còn cho phép luân chuyển giữa Hàng không Tầm xa và Hàng không Hải quân.

Điều này thực sự có ý nghĩa khi Hàng không Hải quân Nga đang gặp khủng hoảng thực sự: đó là sự thiếu hụt máy bay và sự lỗi thời của phương tiện, đó là một vấn đề lớn liên quan đến năng lực chống tàu ngầm và tấn công tầm xa.

Cần nói thêm vào năm 2011, tất cả các máy bay ném bom mang tên lửa siêu thanh Tu-22M3 của Hàng không Hải quân đã được chuyển giao cho Hàng không Tầm xa, nhưng khi có sự bổ sung Tu-160M, những chiếc Tu-22M3 sẽ được trở lại với mục đích ban đầu.

Không chỉ có vậy, nhờ các loại vũ khí mới mà Tu-160M hoàn toàn có thể phối hợp tác chiến cùng Tu-22M3. Một chiếc Tu-160M có khả năng mang tới 3 tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Nếu đi cùng với máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-31, nhận được dữ liệu đáng tin cậy để chỉ định mục tiêu, một oanh tạc cơ như Tu-160M sẽ thực sự trở thành cơn ác mộng với nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đối với Nga hiện nay là năng lực sản xuất khi trong vài năm qua mới chỉ có duy nhất 1 chiếc máy bay hoàn thành, để đáp ứng số lượng 50 chiếc thì rõ ràng là bài toán nan giải.

Thậm chí một số người bi quan còn nói về trường hợp tiêm kích tàng hình Su-57 Felon khi dây chuyền lắp ráp vẫn đang vận hành rất "ì ạch", chưa có gì đảm bảo Tu-160M sẽ thoát khỏi tình trạng nói trên.

Vũ khí - Khí tài
Theo Bạch Dương/ANTĐ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm