Pháo Malka hiệu quả tương đương bom dẫn đường KAB-500
Pháo tự hành Malka sẽ nhận được đạn dẫn đường thế hệ mới / Pháo tự hành T-155 Firtina Thổ Nhĩ Kỳ bị phát hiện ở Libya
Tuyên bố từ Uralvagonzavod (thành viên của Rostec) cho biết: "Chúng tôi đã hoàn thành việc hiện đại hóa pháo tự hành 2S7M Malka".
Hệ thống 2S7M Malka sau nâng cấp được cải tiến hộp số, cơ chế phân phối hỏa lực và bộ cấp điện, hiện đại hóa thiết bị quan sát, thiết bị liên lạc nội bộ và trạm phát thanh.
Hệ thống pháo 2S7M Malka. |
Đặc biệt, những linh kiện nhập khẩu được thay thế bằng linh kiện sản xuất trong nước. "Quá trình hiện đại hóa cải thiện tính năng tự hành, khả năng tác chiến và cơ động, quản lý chỉ huy và tất cả các tính năng cơ bản của pháo", nguồn tin cho biết.
Ngay trước khi tuyên bố chương trình nâng cấp hoàn thành, Pháo binh Nga đã tổ chức cho 2S7M Malka bắn đạn thật kết hợp với chỉ thị mục tiêu từ máy bay không người lái (UAV) để nghiệm thu.
Trong cuộc thử nghiệm, kíp chiến đấu đã thực hành cơ động và nhanh chóng triển khai chiến đấu tấn công mục tiêu ở khoảng cách 30km.
Để diệt thành công mục tiêu, 2S7M Malka nhận được tọa độ và vị trí mục tiêu do UAV cung cấp. Từ đó đưa ra các hiệu chỉnh và một loạt đạn được bắn vào mục tiêu, phá hủy hoàn toàn những mục tiêu giả định là nhà kho, công sự ngầm.
Hệ thống pháo tự hành 2S7 được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi cả Liên Xô và Mỹ đều theo đuổi việc chế tạo pháo tự hành cỡ lớn đủ khả năng bắn đạn hạt nhân chiến thuật.
Khẩu pháo này được Liên Xô chấp thuận đưa vào biên chế từ năm 1975. Tới những năm 1980, phiên bản hiện đại hóa của siêu pháo này là 2S7M Malka chính thức ra mắt với hiệu quả chiến đấu cao hơn đáng kể so với 2S7 Pion đời đầu.
Loạt nâng cấp giúp pháo chuyển từ chế độ hành quân sang chế độ chiến đấu của 2S7M Malka giảm từ 10 xuống 7 phút, cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào, điều này cho phép tăng tốc độ bắn của 2S7M Malka lên 2,5 viên mỗi phút, thay vì 1,5 viên mỗi phút trên 2S7 Pion.
Dù có những đặc tính ấn tượng như vậy, 2S7 Pion và 2S7M Malka chưa từng được Quân đội Liên Xô đưa vào thực chiến, còn hiện tại quân đội Nga vẫn đang niêm cất khoảng 300 khẩu pháo 2S7 Pion và 2S7M Malka.
Phiên bản hiện đại hóa 2S7M Malka đang phục vụ trong Quân đội Nga thực chất khác hoàn toàn so với phiên bản được sản xuất những năm 1985 - 1986 ở thành phần điện tử.
Những khẩu pháo này có thể nhận thông tin về mục tiêu từ vệ tinh, máy bay không người lái, máy bay trinh sát và các đội đặc nhiệm hoặc trinh sát pháo binh hoạt động bên trong hậu phương địch.
Hệ thống trao đổi thông tin theo thời gian thực giữa các quân nhân làm nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu và các khẩu đội pháo tăng cường đáng kể độ chính xác của việc tác xạ.
Hiện không rõ sau nâng cấp, những hệ thống 2S7M Malka còn được Nga trang bị loại đầu đạn hạt nhân như thời Chiến tranh lạnh hay không.
Nhưng chỉ với loại đạn thông thường khi so với bom có điều khiển KAB-500, đạn pháo 203 mm của 2S7M Malka có giá thành rẻ hơn nhiều trong khi hiệu quả được đánh giá tương đương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo