Quốc tế

Pháp giành ưu thế cạnh tranh trên thị trường vũ khí châu Âu

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng từ Trung Đông giảm nhưng xuất khẩu vũ khí của Pháp vẫn được mùa nhờ vào những hợp đồng mà Paris ký với các quốc gia châu Âu trong năm 2019. Là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, Pháp đang chứng tỏ ưu thế của mình trong cuộc cạnh tranh giành thị trường này.

Bộ 3 vũ khí Israel tạo cán cân hòa bình Trung Đông / Cách Mỹ kiếm tiền từ đồng minh khi dùng vũ khí Mỹ

Doanh thu giảm nhưng vẫn hài lòng

Báo cáo thường niên được Bộ Quân đội Pháp trình lên Quốc hội vào đầu tháng 6 cho biết, xuất khẩu tên lửa, xe bọc thép, tàu hộ tống và nhiều trang thiết bị vũ khí khác của nước này trong năm 2019 đạt 8,33 tỷ euro, trong đó một nửa doanh thu thuộc về ngành công nghiệp đóng tàu. "Đây là con số khá ấn tượng”, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly hài lòng nói.

Trước đó, năm 2018, các tập đoàn công nghiệp của Pháp như Naval Group, MBDA, Dassault, Airbus hay Thales đều “ăn nên làm ra” khi đạt 9,1 tỷ euro từ việc xuất khẩu vũ khí. Vì sao doanh thu sụt giảm trong hai năm vừa qua nhưng các nhà xuất khẩu Pháp vẫn thấy hài lòng? Ví như, năm 2016, Ấn Độ đặt mua 36 chiếc Rafale của Tập đoàn Dassault, nhưng trong năm 2019, Dassault không ký được một hợp đồng mới nào liên quan tới loại máy bay tiêm kích này. Rafale được biết đến với biệt danh “Phượng hoàng bầu trời”, là một trong những loại máy bay tiêm kích hiện đại và hiệu quả nhất thế giới, với khả năng cơ động cao và tấn công chính xác mục tiêu trên không và trên biển. “Một năm không Rafale nhưng xứ lục lăng vẫn thu về 8,33 tỷ euro, cao hơn mức dự đoán chỉ từ 6 đến 7 tỷ euro”, báo cáo nhấn mạnh.

Năm 2019, Tập đoàn Naval Group của Pháp bán 4 tàu tuần tra cho Hải quân Rumania. Ảnh: Naval Group.

Giải thích về hiện tượng này, Bộ trưởng Florence Parly cho biết, năm 2019, trong tổng số đơn đặt hàng mua vũ khí của Pháp, 42% đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và gần 45% đến từ các quốc gia châu Âu ngoài EU. Đây là con số đáng mừng bởi năm 2018 chỉ có 25% trong tổng số hợp đồng vũ khí của Pháp đến từ các nước EU và so với các năm trước đó, con số này chỉ chiếm trung bình từ 10% đến 15%. Cụ thể, năm 2019, Bỉ đã chi 1,8 tỷ euro để mua tàu săn mìn, xe bọc thép… đưa quốc gia này trở thành khách hàng số 1 của Pháp. Ngoài Bỉ, Hungary và Tây Ban Nha cũng trở thành khách hàng thân thiết thứ 3 và thứ 4 của Paris. Hungary đã mua của Pháp 36 trực thăng chiến đấu trị giá 630 triệu euro, trong khi Tây Ban Nha đặt hàng 2 vệ tinh viễn thông quân sự trị giá 430 triệu euro.

Sự bù đắp quan trọng

Báo cáo của Bộ Quân đội Pháp nhấn mạnh, châu Âu có vai trò quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí Pháp để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Trung Đông. Trong 10 năm qua, Pháp đã bán cho khu vực Trung Đông tàu hộ tống chống tàu ngầm, tên lửa và máy bay chiến đấu, tổng giá trị 36,7 tỷ euro. Tuy nhiên, năm 2019, ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp chỉ thu về 2,2 tỷ euro từ các hợp đồng bán vũ khí cho Trung Đông, chỉ bằng gần một nửa so với năm 2018. Năm 2019, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tiếp tục có những đơn hàng lớn trị giá 1,5 tỷ euro, trở thành khách hàng lớn thứ hai của Pháp. Trong khi đó, Saudi Arabia đã ký với Pháp 5 hợp đồng mua bán vũ khí với tổng trị giá khiêm tốn là 209 triệu euro.

Pháp còn mất đi thị trường lớn Ai Cập sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có những lời chỉ trích nước này vi phạm quyền con người hồi tháng 1-2019 dẫn tới căng thẳng trong quan hệ hai nước, kéo theo nhiều hợp đồng vũ khí bị đình trệ. Nếu trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018, Ai Cập chi 7,7 tỷ euro để mua vũ khí của tập đoàn Naval Group và Dassault, thì năm 2019, con số này chỉ đạt 169 triệu euro.

Do vậy, theo Bộ Quân đội Pháp, việc chuyển hướng từ Trung Đông về lại “sân nhà” EU cho thấy chủ nghĩa thực dụng đang hiện hữu cả từ phía “người mua” và “người bán”. Khách hàng luôn đi tìm những nguồn cung đa dạng và có lợi nhất, trong khi người bán lại muốn củng cố vị thế ngành công nghiệp quốc phòng của mình ở châu Âu. Tờ Le Monde của Pháp nhấn mạnh rằng, trong khi một số tổ chức phi chính phủ coi việc giảm bớt khách hàng vùng Vịnh là tín hiệu tốt nhưng để cân bằng tài chính thì hoàn toàn ngược lại. Do vậy, Pháp luôn cần xuất khẩu vũ khí để duy trì quyền tự chủ chiến lược.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm