Quốc tế

Phía sau quyết định dừng tấn công Iran vào phút chót của ông Trump

Báo Mỹ đã hé lộ câu chuyện phía sau quyết định dừng tấn công Iran vào phút chót của Tổng thống Donald Trump sau khi Tehran bắn rơi máy bay không người lái của Washington hồi tháng 6.

Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hạt nhân vĩnh viễn với Mỹ / Tiêm kích hạm Nga chỉ mang được số vũ khí bằng phân nửa so với Mỹ

Tổng thống Trump (ngồi) cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 20/6 (Ảnh: New York Times)

Tổng thống Trump (ngồi) cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 20/6 (Ảnh: New York Times)

Tổng thống Donald Trump gần đây phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tìm cách ứng phó tốt nhất với cuộc không kích nhằm vào hai nhà máy dầu của Ả rập Xê út hôm 14/9. Washington cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này, trong khi Tehran đã lên tiếng bác bỏ.

Vài tháng trước đó, ông Trump cũng phải đối mặt với tình huống tương tự sau khi Iran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái trị giá 130 triệu USD của Mỹ hồi tháng 6.

Theo New York Times, chỉ vài giờ sau vụ tấn công nhằm vào máy bay Mỹ, Tổng thống Trump đã tập hợp đội ngũ của mình để thảo luận về biện pháp đáp trả.

Lầu Năm Góc được cho là đề xuất tấn công nhằm vào một tàu chở tên lửa của Iran. Quân đội Mỹ sẽ yêu cầu thủy thủ đoàn Iran rời khỏi tàu, quay phim lại, sau đó đánh chìm tàu này bằng bom hoặc tên lửa. Kế hoạch này cho phép Mỹ trả đũa Iran mà không gây thương vong, đồng thời được xem là cách đáp trả phù hợp hơn đối với một vụ bắn rơi máy bay không người lái.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh Nhà Trắng John Bolton kêu gọi tấn công nhằm vào khu vực đất liền của Iran. Theo New York Times, các quan chức này quyết định tấn công 3 hệ thống phòng thủ tên lửa và radar của Iran.

 

Một danh sách các mục tiêu đã được tập hợp lại, song rốt cuộc chỉ một số mục tiêu được nhắm đến trong trường hợp Mỹ quyết định tiến hành một cuộc tấn công nhanh chóng.

Con số thống kê cho thấy, ước tính có khoảng 150 người sẽ thiệt mạng nếu Mỹ tấn công Iran theo dự kiến. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng con số 150 người chết chỉ là tình huống xấu nhất, vì kế hoạch tấn công của Mỹ diễn ra vào ban đêm khi không có nhiều người vận hành các hệ thống vũ khí.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, cho rằng việc tấn công các cơ sở có người vận hành tại Iran là biện pháp đáp trả không phù hợp. Theo ông Donford, cuộc tấn công này có thể khiến căng thẳng leo thang đáng kể, thậm chí kích động một cuộc chiến toàn diện. Trong khi đó, điều Mỹ cần nhất là tập trung vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Theo Tướng Dunford, một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ phải đưa thêm lực lượng tới khu vực, bao gồm cả lực lượng Thái Bình Dương và việc này sẽ có lợi choTrung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như hoài nghi về chính quyết định của mình, một phần bởi vì có thông tin nói rằng, chỉ huy Iran ra lệnh bắn rơi máy bay Mỹ hành động một mình, chứ không nhận lệnh từ chính phủ.

 

Phía sau quyết định dừng tấn công Iran vào phút chót của ông Trump - 2

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ diễn tập trên biển Ả rập ngày 17/5. (Ảnh: Reuters)

Mỹ lên kế hoạch tấn công Iran bằng cách phóng các tên lửa hành trình Tomahawk từ hai tàu hải quân. Washington Post đưa tin cuộc đáp trả của Mỹ có thể bao gồm tàu tuần duyên mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf và tàu khu trục USS Bainbridge. Các máy bay chiến đấu phóng từ tàu sân bay của Mỹ cũng sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ động thái trả đũa nào của Iran.

Tuy nhiên, cuộc tấn công rốt cuộc chưa bao giờ diễn ra.

“Tất cả các hệ thống đều đã bật, tất cả các đèn đều chuyển màu xanh, chúng tôi chỉ chờ mệnh lệnh. Nhưng mệnh lệnh không được đưa ra”, Chuẩn Đô đốc Michael E. Boyle, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nói với New York Times.

Tổng thống Trump sau này đã tiết lộ lý do hủy cuộc không kích của Mỹ.

 

“Vào ngày thứ Hai, Iran bắn rơi máy bay không người lái đang hoạt động tại vùng biển quốc tế. Chúng tôi đã lên nòng và nạp đạn để đáp trả vào 3 địa điểm khác nhau. 10 phút trước vụ tấn công, tôi đã dừng lại. Khi quyết định được đưa ra, phó tổng thống, ngoại trưởng, và cố vấn an ninh Nhà Trắng đều rời đi”, ông Trump cho biết.

Theo Tổng thống Trump, ông đã nắm được thông tin 150 người sẽ chết nếu Mỹ tấn công Iran. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng việc đáp trả như vậy không phù hợp với một vụ bắn rơi máy bay không người lái.

Trước khi quyết định dừng tấn công Iran, ông Trump đã có cuộc gặp với Tucker Carlson, người dẫn chương trình của kênh Fox News. Ông Carlson đã nhắc nhở tổng thống rằng ông đắc cử tới Nhà Trắng để chấm dứt các cuộc chiến kéo dài bất tận, chứ không phải bắt đầu một cuộc chiến mới.

“Nếu ông cho phép mình bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mới bởi chính những người từng lôi kéo Mỹ tới Iraq, thì ông hãy quên đi cơ hội tái đắc cử của mình”, ông Carlson nói với Tổng thống Trump.

Thay vì tấn công quân sự Iran, Tổng thống Trump chọn cách tăng cường trừng phạt. Đây cũng là cách ông Trump chọn để đáp trả cuộc tấn công gần đây nhằm vào hai nhà máy dầu của Ả rập Xê út.

 

Sau vụ tấn công tại Ả rập Xê út, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã “lên nòng và nạp đạn” để sẵn sàng đáp trả. Washington coi vụ tấn công này là “hành động chiến tranh” của Tehran.

Một số thành viên trong đảng Cộng hòa của ông Trump chỉ trích sự yếu ớt của tổng thống khi đối mặt với sự gây hấn từ Iran. Đáp lại, ông Trump viết trên Twitter: “Đó mới là biểu hiện của sức mạnh mà một số người không thể hiểu”.

Phản ứng của Tổng thống Trump đối với Iran trong các vụ tấn công gần đây đã cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm của ông khi một mặt muốn thể hiện sức mạnh, nhưng mặt khác cũng tránh mở rộng sự can thiệp của Mỹ vào các cuộc xung đột tại Trung Đông.

Theo Thành Đạt/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm