Phương Tây cảnh giác giới khoa học Trung Quốc
Phương Tây đang rà soát kỹ những dự án nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc trước lo ngại để lọt công nghệ quan trọng.
Phát hiện máy bay bí ẩn dưới nước ở ngoài khơi Anh? / Gia tộc Shinawatra lập đảng mới, sẵn sàng trở lại chính trường Thái Lan
Giữa lúc sự cạnh tranh chiến lược của các cường quốc ngày càng quyết liệt, các trường đại học (ĐH) phương Tây có thể đang vô tình giúp Trung Quốc củng cố năng lực về công nghệ thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học mà không hề hay biết.
Theo báo cáo mới công bố của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), quân đội Trung Quốc (PLA) trong 10 năm qua đã đưa 2.500 nhà khoa học quân sự và kỹ sư ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Những người này được gửi đi cộng tác ở nhiều cơ sở trên thế giới và tham gia những dự án có thể ứng dụng vào lĩnh vực quân sự như tên lửa bội siêu thanh, công nghệ hàng hải, vật lý học lượng tử hay mật mã học.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường bị cho là có liên hệ với quân đội ẢNH: REUTERS
Theo báo cáo, phần lớn chuyên gia được điều đi đều thuộc các cơ sở có liên hệ với PLA như ĐH Công nghệ quốc phòng quốc gia, ĐH Kỹ thuật quân đội. Họ chủ yếu tìm cách cộng tác với các trường ĐH ở những nước thuộc liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc).
Trong nhiều trường hợp, các nhà khoa học của PLA tìm cách che giấu lý lịch quân sự của mình khi khai trong hồ sơ rằng đến từ một tổ chức dân sự bình phong nhằm xin thị thực dễ dàng hơn. “PLA đã dùng cách này trong một thời gian dài và có chủ đích rõ ràng nhằm học hỏi và sở hữu kiến thức chuyên môn rồi mang về nước để thúc đẩy phát triển công nghệ và hiện đại hóa quân đội”, chuyên gia về Trung Quốc Adam Ni tại ĐH quốc gia Úc nói trên tờ The New York Times. Chính quyền Bắc Kinh chưa có phản ứng về những thông tin trên nhưng tờ Hoàn Cầu thời báo đã đăng bài xã luận gọi báo cáo của ASPI là “nực cười và thể hiện mối lo âu của phương Tây về sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nước tỏ ra lo ngại về nguy cơ từ Trung Quốc về gián điệp công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như gây ảnh hưởng chính trị thông qua hợp tác trao đổi giáo dục và nghiên cứu khoa học. Theo tờ South China Morning Post, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu cuộc điều tra quy mô lớn để xem xét những dự án do cơ quan này tài trợ có chia sẻ kết quả nghiên cứu với nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hay không. Giám đốc NIH Francis Collins bày tỏ lo ngại công nghệ quan trọng và quyền sở hữu trí tuệ bị rơi vào tay giới cộng tác viên nghiên cứu nước ngoài và kêu gọi hơn 10.000 viện nghiên cứu, trường ĐH về y khoa tại Mỹ tiến hành rà soát kỹ lưỡng.
South China Morning Post dẫn các nguồn tin tiết lộ Trường Y Johns Hopkins, một trong những cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu thế giới, quyết định tạm ngừng tiếp nhận nhà khoa học nước ngoài cộng tác nghiên cứu. Trường này từ chối bình luận về thông tin nói trên nhưng cho biết đã yêu cầu các khoa kiểm tra và tuân thủ chặt chẽ chính sách của NIH liên quan đến những dự án nghiên cứu có yếu tố nước ngoài.
Theo thanhnien.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Cột tin quảng cáo