Phương Tây "cởi trói" cho vũ khí ở Ukraine: Bước ngoặt nguy hiểm
Nga cảnh báo Mỹ về những sai lầm "chết người" ở Ukraine / Báo Mỹ: Lính Ukraine ra trận mà không biết kỹ năng cơ bản
Bước ngoặt thay đổi tính toán của các bên
Đầu tháng 5, Nga bất ngờ mở đợt tấn công bộ binh xuyên biên giới vào tỉnh Kharkov ở đông bắc Ukraine sau gần 2 năm rút quân khỏi đây. Mặc dù Ukraine nói rằng họ đã lường trước được kịch bản này, song thực tế, sự kháng cự của họ rất ít ỏi trong bối cảnh cạn kiệt vũ khí, đạn dược.
Nước đi này của Nga chắc chắn sẽ khiến không ít đồng minh, đối tác phương Tây của Ukraine sửng sốt. Kiev thừa nhận, trận chiến ở Kharkov hiện nay thậm chí còn khốc liệt hơn ở "chảo lửa" Bakhmut năm ngoái.
Diễn biến Kharkov có lẽ đã thay đổi tính toán của tất cả các bên liên quan.
Vấn đề của Ukraine hiện tại là các vị trí của họ ở Kharkov bị tấn công từ lãnh thổ Nga, nhưng họ không thể đáp trả vào nơi Moscow tập hợp quân và khí tài phục vụ cho những cuộc tập kích như vậy.
Kể từ đầu cuộc xung đột, Ukraine được tiếp nhận vũ khí viện trợ từ phương Tây, nhưng phải cam kết chỉ sử dụng trong phạm vi biên giới do các nước này lo ngại bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga. Điều này đã hạn chế khả năng đối phó của Kiev trước các đòn tấn công của Nga từ bên kia biên giới.
Các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã tập hợp hàng chục nghìn binh sĩ ở biên giới giáp đông bắc Ukraine để thực hiện đợt tấn công mới vào Kharkov và khu vực lân cận.
"Tại sao chúng tôi không thể sử dụng vũ khí để tấn công khi họ đang tập hợp lực lượng", Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn New York Times hồi cuối tháng 5.
Trước thế khó này, Kiev kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine, cho phép nước này dùng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự trên đất Nga.
Kiev cho rằng, những cuộc tấn công vào trong lãnh thổ Nga sẽ cho phép họ làm suy yếu khả năng tiến hành các hoạt động chiến dịch quân sự của Moscow.
Ukraine đã sử dụng các UAV tầm xa nội địa để nhắm vào các hạ tầng quan trọng của Nga như nhà máy lọc dầu, kho nhiên liệu, sân bay. Tuy nhiên, Ukraine chưa thể sản xuất loại tên lửa hoặc pháo tầm xa đủ mạnh để phá hủy các tổ hợp quân sự quan trọng của Nga.
Các nước phương Tây từ chỗ trì hoãn viện trợ cho Kiev, giờ đây bắt đầu quay sang ủng hộ cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để nhắm vào lãnh thổ Nga. Trước kia, phương Tây coi việc tấn công vào lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ", nhưng hiện giờ họ đang dần vượt qua lằn ranh đó. Nói cách khác, các nước này đã sẵn sàng cho cách tiếp cận rủi ro hơn đối với cuộc xung đột Ukraine.
Tất nhiên, điều đó cũng ảnh hưởng đến những tính toán của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc Ukraine tăng tần suất tập kích vào đất Nga và việc phương Tây rục rịch "cởi trói" cho vũ khí ở Ukraine buộc Moscow xét lại kế hoạch lập vùng đệm an ninh.
Giới phân tích cho rằng, mục đích của Nga khi mở mũi tiến công mới ở Kharkov là lập một vùng đệm an ninh, đẩy hỏa lực Ukraine càng xa biên giới Nga càng tốt.
Một số quan chức Nga cảnh báo, Moscow có thể phải lập vùng đệm an ninh sâu hàng trăm km trong lãnh thổ Ukraine, kéo dài đến thủ đô Kiev hoặc thậm chí đến biên giới Ba Lan.
Vùng đệm an ninh càng có ý nghĩa quan trọng đối với Nga trong bối cảnh các nước phương Tây phát tín hiệu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Phương Tây chia rẽ về "cởi trói" cho vũ khí ở Ukraine
Một số nước phương Tây, trong đó có Đức, đã cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào Nga (Ảnh: EPA).
Khi thành phố lớn thứ hai của Ukraine đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công mới của Nga, ngày càng nhiều đồng minh NATO ủng hộ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm quyết định cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ chống lại các mục tiêu quân sự ở Nga nhằm ngăn chặn cuộc tấn công ở Kharkov. Các quan chức Mỹ cho biết, sự cho phép của Tổng thống Biden chỉ nhằm mục đích để Ukraine tấn công các địa điểm quân sự ở Nga vốn đang được sử dụng cho cuộc tấn công Kharkov.
Động thái này diễn ra sau khi hơn 10 nước đã có động thái tương tự với Ukraine.
Mỹ, bên viện trợ vũ khí quan trọng nhất cho Ukraine, miễn cưỡng thực hiện bước đi này vì lo ngại hành động khiêu khích Nga sẽ châm ngòi cho căng thẳng leo thang, có thể lôi NATO vào cuộc và gây ra một cuộc xung đột lớn hơn.
Nếu không có sự chấp thuận từ Washington, Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ sản xuất chỉ có thể tấn công các mục tiêu của Nga bên trong Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây và các nhà phân tích quân sự nói rằng, trong bối cảnh Nga tập trung hàng trăm nghìn binh sĩ dọc theo biên giới cách thành phố Kharkov chưa đầy 32km, Ukraine rất cần được phương Tây "bật đèn xanh" để tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của họ.
Vũ khí phương Tây có thể xâm nhập bao xa vào lãnh thổ Nga (Đồ họa: Mirror).
"Thay đổi chính sách của phương Tây sẽ cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào quân đội Nga, đặc biệt là các mục tiêu có giá trị cao như các trung tâm chỉ huy, pháo binh, hậu cần và phòng không nằm trên lãnh thổ Nga gần Kharkov", Mick Ryan, thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu, nhận định.
Ông cho biết: "Đây là kiểu tấn công tác chiến cho phép Ukraine vô hiệu hóa lực lượng của Nga trước khi tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine, đồng thời cũng cho phép Ukraine tập hợp lại lực lượng trong năm 2024".
Rafael Loss, chuyên gia vũ khí tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định, quân đội Ukraine dường như đang chuẩn bị tiến hành một số cuộc tấn công ban đầu nhằm kiểm tra phản ứng của Nga.
Theo ông, Ukraine và các đồng minh NATO đã miễn cưỡng chấp nhận rủi ro khi thay đổi chiến thuật mà không có sự chấp thuận của Mỹ. Ông nói: "Cuối cùng, Mỹ sẽ là bên chịu nhiều áp lực đáp trả nếu có sự leo thang đáng kể với Nga".
Mọi quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine đều có quyền quy định cách sử dụng chúng và cho đến nay Anh, Canada, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan đều tuyên bố ủng hộ Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên đất Nga.
"Chúng tôi nghĩ nên cho phép họ vô hiệu hóa các căn cứ quân sự được Nga sử dụng để phóng tên lửa và tấn công Ukraine", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo chung ngày 28/5 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Berlin.
Anh là một trong những nước đầu tiên tranh luận về việc nới lỏng các quy định hạn chế sử dụng vũ khí. "Ukraine có quyền đó. Giống việc Nga đang tấn công vào bên trong Ukraine, các vị có thể hiểu khá rõ tại sao Ukraine cần phải đảm bảo rằng họ có thể tự vệ", Ngoại trưởng Anh David Cameron nói trong chuyến thăm Kiev ngày 3/5.
Quan điểm này nhanh chóng lan rộng khi sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thuyết phục được Đức xem xét lại lập trường của mình.
Một số quốc gia, như Đức và Thụy Điển, tỏ ra thận trọng hơn khi nêu kèm theo điều kiện là việc sử dụng vũ khí tập kích lãnh thổ Nga phải "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".
Tại Mỹ, một phát ngôn viên của Nhà Trắng hôm 28/5 khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ không "khuyến khích hoặc cho phép" việc sử dụng vũ khí Mỹ trên đất Nga. Tuy nhiên, sự phản đối đó đã dịu đi trước áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh. Ngay ngày hôm sau, Ngoại trưởng Antony Blinken gợi ý rằng Mỹ có thể linh hoạt và điều chỉnh chính sách viện trợ cho Ukraine dựa trên tình hình chiến trường.
Chính quyền ông Biden lâu nay vẫn từ chối các yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp vũ khí mạnh hơn, và chỉ nhượng bộ khi triển vọng của Ukraine dường như trở nên mờ mịt. Điều này đã xảy ra với hệ thống tên lửa ATACM, xe tăng Abrams và máy bay chiến đấu F-16 cùng nhiều loại vũ khí khác.
Trong một số ít trường hợp, Mỹ đã cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa phòng không Patriot để bắn hạ máy bay chiến đấu Nga hoạt động trong không phận Nga, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết.
Dù đã nới lỏng yêu cầu đối với việc sử dụng vũ khí của Ukraine, nhưng Mỹ chỉ cho phép Kiev tập kích mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga gần tỉnh Kharkov.
Trong khi đó, một số nước như Bỉ, Italy, cho biết họ chưa sẵn sàng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, vì những rủi ro khó có thể lường trước được.
Ngày 27/5, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết các đồng minh NATO "phải rất thận trọng" trước khi Ukraine có thể sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ Nga. Một ngày sau, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố tặng 30 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ cho phép sử dụng trên lãnh thổ Ukraine.
Bất chấp những bất đồng này, các nhà phân tích quân sự tin rằng, sớm muộn phương Tây cũng "cởi trói" dần cho vũ khí ở Ukraine.
Dmytro Zhmailo, giám đốc điều hành Trung tâm về An ninh và Hợp tác Ukraine, nhận định: "Tôi tin chắc cho phép Ukraine tấn công vào Nga chỉ là vấn đề thời gian, nhưng đáng tiếc, thời gian là thứ mà Ukraine không có nhiều. Các nước đồng minh không còn nhiều lựa chọn".
Khó xoay chuyển tình hình
Một tổ hợp HIMARS (Ảnh minh họa: AFP).
Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong Nga bằng vũ khí nội địa, trong đó có UAV. Các cuộc tấn công này đã cản trở đáng kể việc sản xuất nhiên liệu của Nga và thậm chí nhắm vào Moscow, nhưng nguồn lực của Ukraine tương đối hạn chế.
Việc sử dụng các hệ thống do phương Tây sản xuất sẽ cho phép Ukraine tăng nhịp độ của các cuộc tấn công này và hạn chế khả năng của Nga trong việc thực hiện các cuộc tấn công.
Với sự ủng hộ của một số đồng minh NATO, Ukraine có thể tấn công vào Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp và các tên lửa SCALP của Pháp. Các tên lửa này có tầm bắn khoảng 250km và có thể được bắn từ phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine do Liên Xô thiết kế.
Một số quốc gia như Anh, Đức, Na Uy và Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các bệ phóng trên mặt đất có thể bắn tên lửa tầm xa hơn. Những hệ thống này được gọi là bệ phóng HIMARS và MLRS, đồng thời chúng cũng có thể bắn tên lửa ATACMS của Mỹ với tầm bắn lên tới hơn 300km.
Ông Loss nói: "Nếu họ bật đèn xanh cho việc sử dụng ATACMS, nó có thể làm suy yếu khả năng của Nga trong việc sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi hỗ trợ cho các hoạt động tấn công trên bộ vào Ukraine".
Ngoài ra, Anh, Canada và Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm trung hoặc bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất có thể bay tới Nga từ khoảng cách 80km đến hơn 140km.
Các động thái mới đây của phương Tây có thể tác động đáng kể đến năng lực trên không của Ukraine, đặc biệt nếu các đồng minh cho phép máy bay phản lực và máy bay không người lái do họ tài trợ tấn công vào không phận Nga. Tuy nhiên, Bỉ tuyên bố rõ, họ không cho phép máy bay chiến đấu F-16 do họ viện trợ được sử dụng để tấn công lãnh thổ nga.
Không rõ liệu Đan Mạch hay Hà Lan có cho phép các máy bay F-16 mà họ sắp chuyển đến Ukraine bay qua lãnh thổ Nga hay không. Trong các bình luận gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren dường như không đặt ra giới hạn cụ thể nào đối với số vũ khí do họ cung cấp. Bà nói: "Các cuộc tấn công của Ukraine trên đất Nga là điều tôi chưa bao giờ loại trừ".
Ít nhất 4 quốc gia khác, gồm Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Bắc Macedonia, đã cung cấp máy bay chiến đấu thời Liên Xô cho Kiev. Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái tấn công tầm xa có thể bay thẳng tới Nga.
Ông Loss cho biết, ít nhất phi đội F-16 của Hà Lan sẽ được trang bị tên lửa tầm xa có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay phản lực Nga từ phía sau biên giới. Điều này rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với sức mạnh không quân trong tương lai của Ukraine.
"Chúng ta vẫn chưa đến mức đó. Nhưng có khả năng phi đội F-16 trong tương lai của Ukraine sẽ tấn công lãnh thổ Nga", ông nói và lưu ý rằng các phi công Ukraine vẫn chưa làm chủ được máy bay chiến đấu F-16 và chưa có đủ kỹ năng để chống lại Nga.
Sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga, Ukraine có thể buộc Moscow phải rút các hệ thống phòng không và máy bay tấn công khỏi tiền tuyến, lùi về để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tuy vậy, điều đó cũng không đảm bảo sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược tổng thể.
Nó sẽ làm gián đoạn các đường tiếp tế, cơ cấu chỉ huy và trung tâm hậu cần của Nga, từ đó làm giảm hiệu quả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng về cơ bản sẽ không làm thay đổi cán cân sức mạnh.
Các loại vũ khí như HIMARS đủ hiệu quả, nhưng chúng khó có thể thay đổi tính chất của một cuộc xung đột tiêu hao hiện nay giữa Nga và Ukraine. Các đợt huy động liên tiếp đã chứng kiến lực lượng Nga tăng thêm 15% kể từ khi chiến sự nổ ra, trong khi Ukraine khó bắt kịp.
Ukraine đang gặp khó khăn trong việc huy động lực lượng và nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hơn 2 năm chiến sự. Nếu Kiev và các đồng minh không thể thay đổi căn bản bản chất của cuộc xung đột này, triển vọng với Kiev vẫn sẽ rất mờ mịt.
Ván cược đầy rủi ro
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây sẽ hứng hậu quả nghiêm trọng nếu cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga (Ảnh: Reuters).
Nếu vũ khí tầm xa của Mỹ được sử dụng trong các cuộc tập kích, hậu phương Nga sẽ không còn an toàn. Động thái có thể buộc Nga phải đưa các hệ thống phòng không và tiêm kích từ tiền tuyến về để bảo vệ hạ tầng quan trọng, Christopher Morris, giảng viên Trường Chiến lược, Marketing và Đổi mới, Đại học Portsmouth, Anh nhận định.
Hệ lụy tiềm ẩn cũng sẽ khiến giới chức phương Tây phải cân nhắc kỹ. Căng thẳng giữa Nga và các nước NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine nguy cơ leo thang, có thể khiến Moscow có động thái đáp trả nhằm vào thành viên liên minh.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo châu Âu "đang đùa với lửa" khi thảo luận về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông cho hay nhiều quốc gia châu Âu có "lãnh thổ nhỏ" và "dân số dày đặc", dường như ám chỉ về hậu quả của đòn tấn công hạt nhân.
"Họ nên lưu ý những vấn đề này trước khi bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đó là vấn đề nghiêm trọng đối với họ", Tổng thống Nga nói. Ông Putin hồi đầu tháng cũng ra lệnh cho quân đội Nga tiến hành cuộc diễn tập hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine để phản ứng với "các hành động khiêu khích" từ phương Tây.
Chuyên gia Morris cho rằng lời cảnh báo hạt nhân từ Điện Kremlin thường chủ yếu mang tính răn đe và đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc buộc lãnh đạo phương Tây phải duy trì chính sách quản lý căng thẳng, tránh vượt lằn ranh đỏ.
Tuy vậy, ông cũng cảnh báo phương Tây không nên coi nhẹ cảnh báo. Học thuyết hạt nhân Nga cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xuất hiện hành động thù địch chống lại Nga và đồng minh, đe dọa sự tồn vong của đất nước.
Rõ ràng, Nga đang hy vọng cách tiếp cận bằng răn đe hạt nhân có thể ngăn Mỹ và các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào Nga. Nếu thành công, chiến thuật đó sẽ đưa Nga đến gần chiến thắng hơn ở Ukraine.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?